Khi xuất cảnh, Sơn Nam bị nhân viên an ninh giữ hơn một tiếng và yêu cầu xóa ảnh có mặt người trong máy.
Nguyễn Sơn Nam (24 tuổi, sinh sống và làm việc ở Singapore) là một chàng trai đam mê du lịch, từng đặt chân tới hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đến địa điểm nào, Nam cũng tự mày mò đọc và tìm hiểu về lịch sử của quốc gia đó vì với chàng trai trẻ: “đi du lịch cũng giống như đi shopping, thay vì mua sắm quần áo, mình mua kinh nghiệm, mua kiến thức, đó cũng là một cách làm đẹp tâm hồn”.
Sơn Nam từng đặt chân tới hơn 30 quốc gia trên thế giới, gần đây nhất là Triều Tiên. |
Các quốc gia Sơn Nam đã đặt chân tới phải kể đến Mỹ, Ecuador, Peru, Bolivia, một số quốc gia ở châu Âu. Các chuyến đi đều do chàng trai 24 tuổi tự lên hành trình, chỉ riêng chuyến đi gần đây nhất đến CHDCND Triều Tiên là cậu bắt buộc phải mua tour do chính sách đặc biệt của quốc gia này.
Khi được hỏi về động lực để tới Triều Tiên, Nam chia sẻ: “Trước đây, khi đi du lịch Hàn Quốc, mình có dịp được nói chuyện với người dân địa phương về Triều Tiên. Những người già rất có cảm tình với quốc gia láng giềng vì nhiều người có họ hàng đang bị li tán hơn 60 năm do chiến tranh. Bản thân mình cũng thấy lịch sử của Triều Tiên và Hàn Quốc có phần giống với Việt Nam nhưng may mắn hơn họ nhiều là đất nước mình đã được độc lập và Nam Bắc sum vầy một nhà. Ngoài ra khi nghe báo đài nhắc đến Triều Tiên, mình biết đất nước họ hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, nên với bản tính tò mò, mình cũng muốn du lịch đến đây xem mọi thứ thế nào”.
Chuyến đi bắt đầu không mấy suôn sẻ khi Nam bị từ chối visa do làm việc trong ngành truyền thông, tới lần thứ 3 mới thành công. Chuyến đi kéo dài 5 ngày 4 đêm vào tháng 8, qua các địa điểm: thủ đô Bình Nhưỡng, núi Myohyang, thành phố Kaesong và làng Panmunjom, biên giới hai miền Triều Tiên.
Nam đặt tour qua một công ty ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với thủ tục khá đơn giản, chỉ cần hộ chiếu và những giấy tờ cơ bản. Chuyến đi có hơn 50 khách, 2 hướng dẫn viên du lịch, một người nói tiếng Trung và một người nói tiếng Anh. Chỉ duy nhất Nam không phải người Trung Quốc nên đoàn cử riêng hướng dẫn viên nói tiếng Anh cho cậu.
Triều Tiên trong mắt chàng trai Việt. |
Hành trình đầu tiên là chuyến bay từ Thẩm Dương (Trung Quốc) đến Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Khi nhập cảnh cũng như xuất cảnh, nhân viên an ninh kiểm tra rất kỹ các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại di động phải đúng với mã vạch. Đặc biệt, sách báo của nước ngoài tuyên truyền và có nội dung viết về Triều Tiên đều bị tịch thu.
Nỗ lực “sống ảo” của Nam đã bị dập tắt vì cả đất nước Triều Tiên không có mạng internet cho khách du lịch, nên cậu không có cách nào liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong hệ thống mạng nội bộ của Triều Tiên, người dân chỉ có thể truy cập vào 22 trang web báo Triều Tiên. Đặc biệt phim ảnh Hàn Quốc và Kpop đều bị cấm.
Vốn quen với cuộc sống hối hả nên cảnh tượng vắng vẻ ở Triều Tiên khiến cậu vừa sợ vừa thú vị. Nam kể về con đường đi từ Bình Nhưỡng đến núi Myohyang rộng thênh thang nhưng chỉ có xe đoàn của Nam chạy với tốc độ 60km/h. Lý do của sự vắng vẻ một phần là vì ở Triều Tiên, người dân không được nhập cư vào tỉnh khác và hộ khẩu ở đâu thì phải ở đó.
Ngày thứ hai của chuyến đi, Nam được đến thăm bảo tàng trưng bày quà tặng của các nguyên thủ quốc gia cho đất nước Triều Tiên. Biết cậu là người Việt Nam nên người hướng dẫn đã dẫn Nam đến nơi có tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay với Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Nam được xem một buổi biểu diễn trong tour. |
Kết thúc chuyến đi Nam trải qua một sự cố “hú hồn” khi xuất cảnh. Khi đó, cả đoàn chỉ còn Nam bị ở lại, nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu của Nam rất kỹ. Chàng trai trẻ cảm thấy “chột dạ” vì những ngày qua mình chụp hình khá nhiều – việc không được hoan nghênh ở Triều Tiên. Cuối cùng, một cán bộ đưa Nam vào phòng kín, lấy máy ảnh ra, kiểm tra từng tấm hình và đề nghị Nam xoá đi hết hình có mặt người.
Nam nhớ lại: “Lúc đó, cả sân bay vắng hoe vì một ngày chỉ có hai chuyến bay đi Bắc Kinh và Thẩm Dương. Tôi cũng sợ và hoang mang vì mọi người đều đã xong thủ tục rồi còn lại mỗi mình nhưng cũng tự an ủi bản thân là sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu”. Cuối cùng, sau một tiếng hơn, Nam cũng được thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành thủ tục, lên máy bay.
Đây có lẽ là chuyến đi nước ngoài mà chàng phượt thủ ít tiếp xúc nhất với người dân địa phương vì có rất nhiều cấm cản. Người Triều Tiên mà Nam được nói chuyện nhiều nhất chính là hướng dẫn viên. Người phụ nữ này xuất thân từ gia đình quyền thế vì chỉ họ mới được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Nam chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi: “Bữa ăn của đoàn được cho là sang trọng nhưng khi tôi nhặt được rất nhiều sạn. Bữa BBQ cuối cùng thịt cũng có rất nhiều mỡ. Khách du lịch đã trả nhiều tiền cho chuyến đi nhưng bữa cơm còn không được trọn vẹn thì không biết người dân ở đây hàng ngày phải ăn những gì. Khi đó, tôi cảm thấy quý trọng hơn những gì mình đang có”.
Xem tiếp một số hình ảnh hiếm hoi ở Triều Tiên do Nam chụp
Theo Ngôi Sao
Nguồn: Vnexpress.net