Thiết kế sân khấu của chương trình Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2019 và Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa
Bà Nguyễn Kiều Nga – Phó tổng đạo diễn chương trình, cho biết đây là một chương trình sắp đặt không gian nghệ thuật và âm nhạc tương tác hoành tráng. Biển sẽ được thể hiện lộng lẫy với sắc màu hiện đại.
Bà Nguyễn Kiều Nga – Phó tổng đạo diễn chương trình
* Cụ thể biển sẽ được thể hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Kiều Nga: Biển được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ chương trình. Mở đầu là Mash up hiện đại một số ca khúc về biển (khí nhạc: NS Huy Tuấn), có màn song ca với dàn hợp xướng hoành tráng. Ca khúc sẽ được viết ở điệu trưởng (Majeur), theo phong cách hiện đại (Đoạn A: Pop Ballade; Đoạn B: Rock Ballade). Nội dung là ca ngợi một ngày mới trên thành phố biển, ca ngợi tình yêu lứa đôi, thiên nhiên và kêu gọi chung tay bảo vệ để biển mãi đẹp giàu. Hình ảnh trên cả ba tầng sân khấu những con sóng nước nhấp nhô tạo nên một vùng biển biếc, một kiệt tác được sáng tạo bởi sự tài hoa ngẫu hứng và đầy đam mê của tạo hóa. Một vùng non cao, biển rộng, sông dài, sự hài hòa của một dải đất được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của biển cả, đã tạc vào thi ca và hội họa như một miền thơ. Hình ảnh minh họa trên màn hình là: toàn cảnh vịnh Nha Trang, vịnh Đại Lãnh, qua Vân Phong, Nha Phu, cụm đảo Bích Đầm, vịnh Cam Ranh, Thủy Triều, đảo Bình Ba, vươn xa ra biển Đông, ngút tầm đến quần đảo Trường Sa, mỗi vịnh đảo đều lấp lánh như những viên ngọc bích. Một dải ngân hà lung linh đang thắp sáng rực rỡ phía trời Đông. Rồi toàn cảnh hình ảnh biển đảo Việt Nam. Trên nền nhạc của các ca khúc do ca sĩ thể hiện, có tiếng chim ríu rít gọi bầy, tiếng sóng xô bờ, và tiếng lòng của biển đã mở thênh thang chào đón – một miền xanh diệu kỳ. Một không khí tươi vui rộn ràng, đưa du khách trở về với Nha Trang – Khánh Hòa, trở về trong vòng tay của biển, trở về cùng khoảng trời bát ngát bình yên.
Tôi hy vọng chương trình mở đầu rất ấn tượng và các tiết mục tiếp theo sẽ tái hiện biển ở nhiều vẻ đẹp khác nhau với sự thể hiện của âm nhạc, vũ điệu, ánh sáng và thực cảnh. Biển sẽ được thể hiện gắn với cuộc sống và tâm hồn người Việt: “Mái đình làng biển quê tôi – Bao năm đứng giữ đất trời phong ba – Tâm hồn người Việt bao la – Gửi vào nỗi nhớ quê nhà yêu thương – Bổng trầm cung nhớ cung thương – Hằn sâu nét khắc tâm hồn Việt Nam”
Chương trình khai mạc Festival Biển 2019
Chương trình sắp đặt không gian nghệ thuật và âm nhạc tương tác (thời lượng dự kiến: 90 phút), gồm hai phần: Phần nghi lễ và Chương trình nghệ thuật.
Trong chương trình nghệ thuật có hai chương: Khánh Hòa – tinh hoa hội tụ và Nha Trang – sắc màu của biển.
Chương I: Khánh Hòa – tinh hoa hội tụ
1- Biển hát tình ca: sáng tác mới của NS Hình Phước Liên
2- Hoạt cảnh múa Huyền thoại xứ Trầm Hương – Thánh Mẫu Thiên Y A Na
3- Rock: Hò Bá Trạo – Lý kéo chài
4- Ca khúc mới “Khánh Hòa – Quê mẹ yêu thương” dựa trên âm hưởng dân ca Bài chòi. Âm nhạc: Hình Phước Long
5- Ca khúc Mái đình làng Biển. Âm nhạc: Nguyễn Cường
6- Sức sống Trường Sa – Nơi đảo xa – Gần lắm Trường Sa
Chương II: Nha Trang- sắc màu của biển
1- Trình diễn bộ sưu tập Hải trình Paracel: (Trên nền các ca khúc: Biển hát chiều nay – Phố Biển. Âm nhạc: Hồng Đăng – Thanh Tùng)
Bộ sưu tập áo dài thời kỳ lập địa đến đầu thế kỷ XX: Mô tả con đường gốm sứ giao thương trên biển Đông (10 mẫu). Bộ sưu tập áo dài sắc màu đại dương: Mô tả sự hình thành các hải lưu và bản đồ hàng hải quốc tế trên Thái Bình Dương, đặc biệt là chủ quyền biển Đông của Việt Nam (10 mẫu)
2- Remix Liên khúc hát múa: Ru em bằng tiếng sóng – Biển hát lời anh ca – Bay qua Biển Đông
3- Vũ khúc samba: Về đây Nha Trang. Sáng tác mới: Hình Phước Liên
(Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1)
* Chương I của chương trình có tên “Khánh Hòa – tinh hoa hội tụ”, vậy những giá trị văn hóa truyền thống và đời sống người dân Khánh Hòa sẽ được thể hiện ra sao?
Bà Nguyễn Kiều Nga: Trong chương trình, chúng tôi chọn lọc và đưa vào sử thi về Huyền thoại xứ Trầm Hương và Thánh Mẫu Thiên Y A Na, lễ hội Cầu Ngư, nghệ thuật Bài Chòi,… Chúng tôi cũng hết sức chú trọng thể hiện hình ảnh thường nhật của cư dân miền biển Khánh Hòa như hình ảnh các diêm dân trong trang phục lao động trên ruộng muối, cảnh làng chài thuyền thúng, cảnh gánh cá ở cầu tàu và các nghề thủ công. Đặc biệt, chúng tôi tái hiện một hình ảnh huyện đảo Trường Sa với sức sống mới, có hoạt cảnh trẻ em mặc đồng phục đạp xe đạp tới lớp học trên đảo, cư dân trên đảo đi chào cờ đầu tuần, các chiến sĩ hải quân canh giữ chủ quyền biển đảo,…
* Đưa nghệ thuật dân gian lên sân khấu hiện đại được thực hiện như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Kiều Nga: Chúng tôi có những thực cảnh để đưa cả nghệ nhân, diễn viên quần chúng lên sân khấu để thể hiện lễ hội Cầu Ngư, nghệ thuật Bài Chòi. Song phải hòa quyện với tổng thể chương trình âm nhạc, ánh sáng hiện đại, ví dụ: Hò Bá Trạo, Lý kéo chài sẽ được “Rock hóa”.
* Xin cảm ơn bà?
Ê kíp thực hiện
Tổng đạo diễn: NS Huy Tuấn
Phó tổng đạo diễn: Nguyễn Kiều Nga
Tổng biên đạo: NSƯT Tuyết Minh
Đạo diễn hình ảnh: Nguyễn Xuân Phương
Đạo diễn ánh sáng: Long Linghting
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn