Với tấm biển viết bằng tiếng Anh và biểu cảm khuôn mặt: “hãy lấy nếu bạn buồn, hãy cho nếu bạn vui”, anh Quỳnh đã nhận được 3.000 rubi trong gần nửa tiếng ngồi “ăn xin” ở Kathmandu.
Nguyễn Ngọc Quỳnh, sinh năm 1985, Hà Nội vừa có chuyến du lịch đến Nepal vào cuối tháng 8. Sau vài ngày phượt một mình ở mạn núi Đông Bắc nước này, anh trở lại Kathmandu và theo học một thầy dạy tiếng Tạng cấp tốc để trải nghiệm giọng đọc và cách ghép chữ.
Nguyễn Ngọc Quỳnh là người đam mê xê dịch và hiện làm đồ handmade, bán chó mèo để có thêm chi phí cho sở thích. |
“Người dân ở đây chủ yếu theo đạo, rất lành tính, trừ những người buôn bán, tài xế, thấy người nước ngoài thường nói giá gấp 4,5 lần. Ăn xin có ở khắp nơi, trông ai cũng khổ và buồn, tạo cảm giác đáng thương cho người khác bố thí”, anh Quỳnh chia sẻ.
Để tương tác và có thể hiểu được tâm lý của họ, anh quyết định vờ làm ăn xin và ngồi cạnh “những người cùng nghề” tại khu bảo tháp Boudhanath Stupa. “Mình thấy trước giờ khái niệm ăn xin chỉ đơn giản là xin và cho. Một số thử nghiệm ở nước ngoài để thử lòng người khác như dán tiền lên áo thì chỉ một chiều là cho đi. Do đó, mình nghĩ ra kiểu kết hợp cả cho và nhận, vui và buồn nên sáng hôm sau thực hiện luôn”, anh Quỳnh bộc bạch.
Người cho anh mỗi lúc một đông. |
6h30 sáng 30/8, chàng trai Hà Nội xuất hiện giữa đám đông với chiếc mũ bỏ sẵn 15 tờ 5 rubi, tương đương 15.000 đồng và mảnh giấy có dòng chữ cùng biểu cảm với nội dung: “Tôi hạnh phúc, hãy lấy nếu bạn buồn, hãy cho nếu bạn vui”. Anh Quỳnh cho biết ban đầu ngồi xin anh khá run nhưng khi mọi người đi qua, nhìn tờ giấy đọc rồi cười và cho tiền, anh thấy rất vui.
“Mọi người đi quanh bảo tháp rất đông, trông mặt ai cũng như đang bận gì đó hay lẩm nhẩm đọc kinh. Đến lúc đi đến chỗ mình, họ đi chậm lại, tò mò đọc, và cười. Có người còn cười phá, dơ tay ra ký hiệu like”, anh nhớ lại.
Người cho anh mỗi lúc một đông, người cho 5 rubi, người cho 200 rubi, trong khi những ăn xin khác chỉ nhận được trung bình cao nhất là tờ 20 rubi. Không ít người còn bàn tán, chỉ trỏ khi anh kéo một cô bé ăn xin Nepal ngồi cạnh và cho mượn mũ cùng ít tiền để “hành nghề”. Sau nửa tiếng, tổng số tiền anh Quỳnh xin được là 3.000 rubi (gần 600.000 đồng) từ những người dân và không ai lấy tiền từ mũ của anh.
Anh “lại quả” cho cả người dân. |
Kết thúc thử nghiệm, Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết anh đã chia số tiền cho những người ăn xin xung quanh, chỉ giữ một phần để mua quà ghi lại kỷ niệm đặc biệt này. Với chàng trai từng chu du rất nhiều nơi này, Nepal không chỉ ấn tượng với thiên nhiên tươi đẹp, trời đất giao hòa, mà còn bởi những con người thân thiện, chân chất và sẵn sàng chia sẻ.
Ảnh Nepal trong mắt chàng trai Hà Nội
Nguồn: Vnexpress.net