Trên hành trình của mình, Tuul và Bruno Morandi vô tình bị thu hút bởi những chú mèo trên đường phố khắp thế giới.
Trong 18 năm, Tuul và Bruno Morandi đã chụp ảnh con người, các thành phố và phong cảnh trên thế giới. Trên hành trình của mình, họ vô tình tích lũy thêm những bức ảnh về một chủ đề khác – những chú mèo trên đường phố.
Tại những thành phố khác nhau, hai nhiếp ảnh gia nhận ra những con mèo sống lang thang từ nhỏ thường thiếu thân thiện khi gặp con người, trong khi những con mèo lạc hoặc được nuôi lại thân thiện hơn.
Con mèo nằm dài trên những tàn tích của khu khảo cổ Ephesus 2.000 năm tuổi. Đây là một thành phố cảng từ thời La Mã cổ đại, thuộc địa phận Thổ Nhỹ Kỳ ngày nay.
Một con mèo vươn mình dưới ánh mặt trời trên tàn tích 2.000 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái độ của người dân với mèo hoang bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa, tôn giáo, lịch sử và truyền thuyết bản địa. Nhiều người tin rằng, năm xưa nhà tiên tri Muhammad đã thuyết pháp trong khi ôm chú mèo yêu quý Muezza của mình trên đùi. Khi phát hiện Muezza đang ngủ, ông còn sẵn sàng cắt một bên vạt áo của mình để không phá đi giấc ngủ của Muezza. “Tại hầu hết nước Hồi giáo như Morocco và Thổ Nhỹ Kỳ, họ có mối quan hệ đặc biệt với mèo vì nhà tiên tri của họ yêu mến sinh vật này”, Tuul giải thích.
Đàn mèo trên một hòn đảo ở Nhật Bản. Đây là quốc gia khiến hai nhiếp ảnh gia ấn tượng với cuộc sống của loài mèo. Tuul và Bruno kể lại, những con mèo là biểu tượng may mắn với người Nhật: “Họ thậm chí có những ngôi đền để thờ cúng chúng”. Mèo còn là điều thu hút khách du lịch đến Nhật khi quốc gia này có đến 11 hòn đảo mèo.
Con mèo đen nằm giữa maneki-neko – những con mèo thần tài bên trong một ngôi đền thờ loài vật này ở Nhật Bản.
Một con mèo trên đảo Aoshima ở Nhật, đây là nơi có số lượng mèo gấp 10 lần con người. “Ở Nhật Bản, hầu hết những con mèo chúng tôi gặp đều không hề sợ người. Có lẽ chúng biết rằng con người rất tốt bụng và có mối quan hệ mật thiết với mình”, Tuul nói.
Ở Tokyo, có một số ngôi đền dành riêng cho mèo. Tại những khu vực này, cặp đôi nhiếp ảnh gia gợi ý du khách có thể bắt gặp mèo đá và mèo thật ở cạnh nhau.
Một con mèo ngó ra từ phía sau bức tường màu xanh ở thành phố Chefchaouen phía bắc Morocco. Màu sơn xanh của các tòa nhà được cho là do người Do Thái mang tới, khi họ chạy trốn đến thành phố vào năm 1492 sau cuộc khám xét của người Tây Ban Nha.
Thành phố ở phía tây bắc Morocco được xây dựng từ năm 1471 với mọi ngóc ngách đều được phủ màu sơn xanh.
Mèo trên đường phố thị trấn Lamu, Kenya. Ước tính có khoảng 10.000 con mèo trên tất cả 4 hòn đảo chính của quần đảo Lamu. Mèo hoang là một phần trong nền văn hóa của người bản địa.
Ngoài số lượng dày đặc của mèo hoang, Lamu còn là nơi sinh sống của hàng nghìn con lừa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích mèo hoang. Đa số mèo hoang bị coi là mối nguy với động vật hoang dã địa phương và nguồn lây lan bệnh dịch. Năm 2013, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications thống kê, mèo hoang đã giết chết 1,3 – 4 tỷ con chim và từ 6,3 – 22,3 tỷ động vật có vú mỗi năm ở Mỹ. Tuy nhiên nghiên cứu này ngay lập tức bị dư luận đặt dấu hỏi bởi việc ước tính con số chính xác như vậy gần như không thể.
Bất chấp những tranh cãi về lợi ích và ảnh hưởng của mèo, đa phần con người trên khắp thế giới đều không cảm thấy có vấn đề gì với loài vật này. Tại Hy Lạp, mèo được pháp luật bảo vệ quyền sống cho chúng.
Kiều Dương
Theo National Geographic
Nguồn: Vnexpress.net