5 nỗi lo ‘dở khóc dở cười’ khi đi phượt

0
13
tietkiemxang-9782-1410348356.jpg

Bị công an giao thông thổi phạt, đau bụng nửa đường hay bể bánh xe là những nỗi lo thường trực của những ai thường đi phượt. 

Vì cuộc đời là những chuyến đi nên nhiều bạn trẻ xách ba lô lên và chu du khắp nơi. Phượt vô tình trở thành một đam mê khó cưỡng, bất cứ khi nào có thời gian, họ lại lên đường. Thế nhưng, dù phượt thủ có kinh nghiệm hay chỉ mới chập chững, tất cả đều có chung những nỗi lo dưới đây. 

1. Bể bánh xe

Bể bánh có thể là nỗi ám ảnh đối với nhiều phượt thủ, nhất là những ai phải vượt cung đường vào buổi tối. Chặng đường dài không thể tránh khỏi những lần vấp ổ gà, ổ voi, cán đinh dẫn đến bể bánh xe. Nhiều bạn nam còn có thể soi đèn pin xoay sở bằng bộ đồ nghề sửa xe, còn với các bạn nữ, bánh xe bể giữa đường khiến họ lúng túng không biết xử lý thế nào. 

2. Hết xăng

Không phải ở đâu cũng có sẵn trạm xăng để đổ và vượt đường đèo hết xăng là một cực hình đối với các phượt thủ. Nỗi sợ này thực tế đã xảy ra nhiều lần, nên mỗi khi gặp trạm xăng, bạn cần tranh thủ đổ đầy chứ đừng chủ quan. Đối với cung đường dài, bạn có thể thủ sẵn bình xăng dự phòng. 

tietkiemxang-9782-1410348356.jpg

Bạn nên tranh thủ đổ xăng đầy bình bất cứ khi nào gặp trạm để phòng trường hợp vượt đèo lại hết xăng. Ảnh: vietq.

3. Cảnh sát thổi phạt

Tiền bạc đối với phượt thủ khá khan hiếm nên bị cảnh sát giao thông thổi phạt là điều không ai muốn xảy ra trong hành trình của mình. Dù bạn đã sửa sang xe cộ, gắn đủ kính chiếu hậu hoặc đội mũ bảo hiểm, nhưng càng phượt bạn sẽ càng nhận ra cảnh sát sẽ thổi còi vì những lỗi như vi phạm tốc độ, lấn tuyến hoặc kiểm tra giấy tờ. Không đáp ứng đủ đồng nghĩa bạn sẽ phải rút bóp ra đóng phạt. 

4. Gặp cướp, kẻ xấu

Chúng ta không thể lường trước được những rủi ro trên cung đường phượt, nhất là chạy xe ban đêm và đường vắng vẻ. Bạn có thể bị tấn công bởi những băng nhóm mà không nhận được sự can thiệp hay giúp đỡ từ người dân do đoạn đường quá hẻo lánh. Đây chính là nỗi lo của những phượt thủ độc hành.

5. Hết tiền

Bạn đã vượt chặng đường hàng trăm cây số để khám phá vùng đất mới, nhưng thời điểm bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên cũng là lúc bạn nhận ra tiền mang theo còn rất ít mà chặng đường chinh phục lại quá dài. Nhiều phượt thủ chia sẻ kinh nghiệm rằng khi gặp tình cảnh này, họ sẽ xin dân địa phương giúp đỡ cơm, muối, đường.

Thảo Nghi

Nguồn: Vnexpress.net