Blogger Việt chia sẻ mẹo chống jet lag khi đi du lịch xa

0
7
Lý Thành Cơ tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NVCC.

Du khách nên bay vào buổi sáng, không nên uống rượu trên máy bay và ăn đúng bữa theo múi giờ mới.

Dưới đây là chia sẻ của blogger du lịch Lý Thành Cơ về cách chống hiện tượng jet lag do lệch múi giờ. Anh cũng là tác giả của hai cuốn sách “Thế giới rộng lớn”, “Đừng đi một mình và Tuổi trẻ trong ví bạn mua được gì”.

Jet lag hay tình trạng mệt mỏi do chênh lệch múi giờ là nỗi ám ảnh của dân đi du lịch mỗi khi bay xa. Cơ thể bạn có “đồng hồ sinh học” riêng, báo hiệu khi nào cần thức và khi nào nên ngủ. Jet lag xảy ra khi đồng hồ bên trong cơ thể bạn vẫn còn đang ở Việt Nam trong khi thể xác đang ở Paris (Pháp) hay Rome (Italy). Càng di chuyển đến một múi giờ cách xa múi giờ của địa điểm xuất phát, bạn càng dễ bị jet lag. Tuy nhiên, nếu bạn bay từ Việt Nam đi Singapore hay Nhật, cách một đến hai giờ, tình trạng jet lag chưa chắc xảy ra. 

Việc chênh lệch múi giờ có thể gây ra mệt mỏi vào ban ngày, cảm giác không khỏe, thiếu tỉnh táo. Nhiều người yếu hơn có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như lười ăn hoặc thèm ăn không đúng bữa. Jet lag là tình trạng tạm thời, nhưng nó có thể làm chúng ta mất đi khá nhiều thời gian trong kỳ nghỉ của mình.

Lý Thành Cơ tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NVCC.

Lý Thành Cơ tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NVCC.

Ngủ đủ giấc trước chuyến bay

Trước mỗi chuyến đi xa, mọi người thường hồi hộp, lo lắng dẫn đến tình trạng khó ngủ, hoặc ngủ ít. Điều này khiến cơ thể dễ mệt mỏi khi bay xuyên qua nhiều múi giờ. Kết quả là bị jet lag, dễ khiến ta suy nhược khi đến nơi hơn.

Đáp máy bay vào buổi sáng, tránh đáp vào buổi tối

Khi đến nơi vào buổi sáng, bạn sẽ có “trớn” đi chơi hơn thay vì về phòng khách sạn uể oải và cảm nhận cơn jet lag rõ ràng hơn.

Giãn lịch trình

Nếu lịch trình quá dày đặc, bạn hãy cố gắng giãn ra trong 1-2 ngày. Ví dụ, bạn dự định đến Pháp và đặt một tour ngay ngày hôm sau để khám phá thành phố. Điều này có vẻ thú vị, nhưng không nên vì có thể cơ thể bạn chưa kịp thích nghi với múi giờ mới, khiến bạn mệt mỏi.

Tránh dùng rượu trong chuyến bay

Uống các thức uống có cồn sẽ khiến cơ thể mất nước, dẫn đến jet lag. Nếu có thể, hãy “trung thành” với nước lọc, nước trái cây để cơ thể được bổ sung đủ nước.

Không nên lạm dụng thuốc ngủ

Dựa vào thuốc ngủ cho các chuyến bay đường dài là một ý tưởng tồi. Chúng sẽ không hỗ trợ quá trình phục hồi của bạn khỏi jet lag, thậm chí khiến bạn cảm thấy chóng mặt, hoa mắt khi hạ cánh. Nếu bạn cần ngủ, hãy ngủ một cách tự nhiên.

Bạn nên mang theo trà túi lọc giúp dễ ngủ như trà hoa cúc, trà hoa hồng, pha với nước nóng có sẵn trên máy bay.

Di chuyển nhẹ nhàng trong lúc bay

Thay vì ngồi liên tục hơn 10 giờ trên máy bay, bạn hãy chủ động đứng lên và đi lại để máu dễ dàng lưu thông. Đôi khi vài động tác vươn vai và xoay lưng cũng khiến cơ thể bạn khoẻ khoắn hơn.

Ngủ trên máy bay theo múi giờ mới

Hãy chuẩn bị cho việc jet lag trước khi đáp bằng cách ngủ nếu lúc đó là buổi tối tại điểm bạn đến, thức nếu điểm đến của bạn đang là ban ngày.

Blogger Việt chia sẻ bí quyết cho người lần đầu đi Âu châu
 
 

Blogger Việt chia sẻ bí quyết cho người lần đầu đi Âu châu

Lý Thành Cơ chia sẻ kinh nghiệm cho người lần đầu đi châu Âu. Video: Phong Vinh.

Tiếp cận với ánh sáng hợp lý

Ánh sáng là một trong những ảnh hưởng chính đến nhịp sinh học của cơ thể. Tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối giúp bạn điều chỉnh về múi giờ muộn hơn so với thông thường (nếu bay về phía tây). Trong khi tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng có thể giúp bạn thích nghi với múi giờ sớm hơn (bay về hướng đông).

Nếu bạn đi hơn tám múi giờ về phía đông, hãy đeo kính râm và tránh ánh sáng mạnh vào buổi sáng, sau đó cho phép cơ thể tiếp cận càng nhiều ánh sáng mặt trời vào buổi chiều muộn trong vài ngày đầu tiên ở vị trí mới. Nếu đi về phía tây hơn tám múi giờ, bạn hãy tránh ánh sáng mặt trời vài giờ trước khi trời tối trong những ngày ngày đầu làm quen với giờ địa phương.

Cố gắng ngủ theo đúng múi giờ mới

Điều mọi người hay khuyên nhau này có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi thường hay ngủ sớm và dậy sớm mỗi lần bị jet lag ở châu Âu. Điều này khiến cơ thể vẫn đi theo đồng hồ sinh học cũ và việc thích nghi múi giờ mới lâu hơn. Hãy cố gắng thức thêm một chút đến tối rồi đi ngủ.

Ăn đúng bữa theo múi giờ mới

Đừng bỏ bữa. Hãy cố gắng ăn, dù ít hay nhiều để hệ tiêu hoá quen với giờ ăn mới.

Lý Thành Cơ

Nguồn: Vnexpress.net