Biển vắng người, khách sạn trống phòng sau nổ bom ở Sri Lanka

0
11
Một khách du lịch nghỉ ngơi trên một bãi biển gần khu du lịch ở Bentota, Sri Lanka ngày 2/5. Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters.

Chiếm 5% tổng GDP nhưng ngành du lịch của Sri Lanka hiện lao đao khi khách du lịch hủy phòng khách sạn và chuyến bay vì lo sợ khủng bố.

Ngành du lịch trị giá 4,4 tỷ USD của Sri Lanka đang khủng hoảng khi du khách tránh xa đảo quốc ở Ấn Độ Dương này, sau hàng loạt vụ đánh bom tự sát khiến hơn 250 người thiệt mạng vào tháng 4.

“Đó là một cú sốc lớn với nền kinh tế, cũng như ngành du lịch. Để nền kinh tế phát triển, du lịch cần đạt vị thế như trước khi xảy ra các cuộc tấn công”, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena nói ngày 4/5.

Dữ liệu từ công ty tư vấn du lịch ForwardKeys cho thấy tỷ lệ đặt phòng khách sạn trong một tuần sau khi xảy ra các cuộc tấn công giảm trung bình 186% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kishu Gomes, chủ tịch Văn phòng Du lịch Sri Lanka, cho biết tỷ lệ hủy phòng trung bình tại các khách sạn trên cả nước là 70%, tập trung ở thủ đô Colombo. “Một số hãng hàng không cũng giảm tần suất chuyến bay. Đó chắc chắn là một yếu tố đáng lo ngại”, ông Gomes nói.

Một khách du lịch nghỉ ngơi trên một bãi biển gần khu du lịch ở Bentota, Sri Lanka ngày 2/5. Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters.

Một khách du lịch nghỉ ngơi trên bãi biển gần khu du lịch ở Bentota, Sri Lanka ngày 2/5. Từ resort sang trọng đến những nhà nghỉ bình dân ven biển hiện đều đối mặt với nguy cơ lỗ trầm trọng. Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters.

Samanmali Collone, 54 tuổi, người điều hành khách sạn Warahena Beach ở thành phố biển Bentota, cho biết các phòng ở đây có giá 10.000 rupee Sri Lanka (56 USD) một đêm. Khách sạn của cô trước đây được đặt kín phòng, nhưng từ khi tin tức về vụ đánh bom lan rộng, tất cả khách hủy dịch vụ.

“Không có khách đặt phòng vào tuần này, tháng sau, thậm chí đến tháng 10, họ hủy tất cả,” cô nói. Bên bờ biển vắng vẻ là nhà hàng của Collone, những nhân viên lau sạch cửa kính và xếp lại bàn. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thực khách sắp tới.

Collone cho biết nếu không có khách đặt phòng sớm, cô sẽ phải cho vài người trong 16 nhân viên nghỉ việc: “Chúng tôi từng gặp vấn đề trước đây, nhưng lần này hoàn toàn khác”.

Ngành du lịch ở Sri Lanka phát triển từ sau năm 2009. Đây là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ ba và phát triển nhanh nhất vào năm ngoái của đảo quốc có đường bờ biển dài 1.600 km.

Nguồn: Vnexpress.net