Bản tình ca Scarborough – “ôi giàn thiên lý đã xa”

0
17
tsDkT4a8.jpg
tsDkT4a8.jpgPhóng to
Bland’s Cliff với những hình vẽ độc đáo – Ảnh: Na Hồ

Tôi đến thị trấn đáng yêu này bởi một sự tình cờ khi sắp xếp những ngày còn trống giữa Lake District và York trong chuyến du lịch lên phía bắc nhân dịp lễ Phục sinh.

1. Khi chuyến tàu chiều vào ga trung tâm Scarborough trời đã sập tối, ánh sáng ấm áp qua khung cửa sổ những ngôi nhà xung quanh như những đốm lửa vàng giữa khung trời màu xám của mùa đông. Mới cuối giờ chiều mà khắp nơi ở Scarborough đã dần chìm vào không khí yên tĩnh, các cửa hàng cũng đã đóng cửa gần hết, chỉ còn lại mấy siêu thị nhỏ của Tesco và Morrisons còn sáng đèn.

Nơi chúng tôi đặt trước là một tòa nhà cổ chỉ cách ga tàu trung tâm khoảng 15 phút đi bộ, ở phòng khách vẫn dùng lò sưởi than giống như những căn nhà xuất hiện trong các bộ phim của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hệ thống sưởi điện của tòa nhà chỉ dùng cho những phòng nghỉ để thuận tiện và an toàn cho khách du lịch.

Có lẽ chúng tôi là những người cuối cùng check-in trong ngày nên vừa tới đã thấy cô lễ tân da trắng, tóc vàng, hai má lốm đốm tàn nhang, khi cười khoe chiếc răng khểnh đang chờ sẵn. Vài du khách đến trước đang ngồi nhâm nhi tách trà nóng bên cạnh khung cửa sổ lớn nhìn ra ngoài trời đang có mưa lất phất, hắt nhẹ lên lớp kính dày.

Những trận mưa rả rích khiến không khí đã lạnh lại càng thêm buốt nên chẳng có mấy người tập trung ngoài đường.

Phòng chúng tôi nằm trên tầng ba, có cửa sổ thoáng ra phía một khoảng vườn rộng, ngoài chiếc lò sưởi nằm ở sát cửa ra vào, lớp rèm vải màu vàng đậm cũng góp phần sưởi ấm căn phòng. Những chiếc giường đơn kê sát nhau, xen giữa là một lối đi nhỏ chỉ đủ cho một người đứng.

Giường của tôi sát tường phía cửa sổ, nằm trong lớp chăn bông nghe Scarborough fair mới cảm nhận được hết sự lãng mạn của bản tình ca ballad mang âm hưởng dân gian nổi tiếng toàn thế giới này.

vk6JUyyM.jpgPhóng to
Bờ biển trung tâm Scarborough – Ảnh: Na Hồ

2. Bài hát ra đời khi ở thị trấn Scarborough còn tổ chức những cuộc họp chợ thương mại để người dân tới trao đổi hàng hóa, trước đây được trình bày bởi những người hát rong khi đi từ thành phố này qua thành phố khác.

Năm 1966, Paul Simon và Garfunkel đã đưa ca khúc đến với mọi người khi thu âm vào album có tên “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme”, cũng là một phần lời bài hát phổ biến nhất: “Are you going to Scarborough Fair? Parsley, sage, rosemary and thyme. Remember me to one who lives there. For once she was a true love of mine…”.

Trên nền nhạc du dương của piano và guitar, Scarborough fair như một bản hòa ca của cỏ cây, nói lên tình yêu chân thành và cao quý của chàng hiệp sĩ với người đẹp. Bốn loại thảo mộc hiện lên tưởng chừng đơn sơ, giản dị nhưng lại là tình yêu da diết đối với người yêu đã bỏ đi của chàng trai trong bài hát.

Sau này, nhạc sỹ Phạm Duy cũng dịch Scarborough fair sang tiếng Việt dưới tựa đề Ôi! Giàn thiên lý đã xa. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn thích bài hát gốc bằng tiếng Anh được Simon và Garfunkel hát trên nền hòa âm trong trẻo đầy ngẫu hứng, mang đậm phong cách dân gian. Về sau tôi thích thêm cả ca khúc do Sarah Brightman trình bày bằng giọng hát trời phú nhẹ nhàng, mở ra cả một không gian của thị trấn nhỏ phủ đầy sương khói vừa lãng mạn lại vừa man mác buồn.

Buổi sáng thức dậy, bầu trời không hề có nắng, những giọt sương còn đọng lại trên thành cửa sổ, chạm tay vào mặt kính có thể cảm nhận được cái lạnh ở phía ngoài. Bây giờ ở Scarborough không còn những hội chợ (fair) như trước nữa, thay vào đó là những dãy cửa hàng san sát nhau kéo dài suốt con đường chính dẫn ra bờ biển và đến khu lâu đài cổ.

Phía cuối khu thương mại là những nhà dân san sát nhau, mấy căn nhà cạnh đường đi được trưng dụng làm cửa hàng với lối trang trí đơn giản, không có những phụ kiện màu mè và phức tạp. Tuy vậy những bộ quần áo mang đậm phong cách thanh lịch của xứ sở sương mù hay bộ quà tặng lưu niệm có hình ảnh thị trấn Scarborough dưới ánh đèn vàng hắt từ trần nhà xuống phía sau khung cửa gỗ màu đen vẫn có sức hấp dẫn, thu hút nhiều du khách ghé vào xem hàng.

Đối diện dãy cửa hàng nhỏ là bức tường với những hình vẽ độc đáo Bland’s Cliff. Khi đến thật gần, đi dọc theo triền dốc của khúc quanh mới có thể thấy những chi tiết nhỏ nhất đã tạo nên sự tổng hợp nghệ thuật trên bức tường cao hơn 3m. Từng bức tranh nhỏ hiện lên như một ngôi nhà trong thị trấn với hoạt động bên trong có thể nhìn qua khung cửa sổ bằng kính, phía bên ngoài nhà được trang trí bằng những bức tranh nghệ thuật.

Du khách nào đi qua cũng nán lại ít phút để chụp ảnh cùng bức tường được coi là một điểm đến đặc trưng của Scarborough. Tôi lại thích góc chụp thấp, hắt từ phía cuối đường lên, vừa thấy được toàn bộ bức tường lại vừa có một góc con đường lát đá, vừa là sự giản dị, êm đềm của thị trấn nhỏ miền bắc nước Anh, lại nhiều sắc màu để du khách thỏa sức khám phá.

OXHTjR19.jpgPhóng to
Những hình nộm bày bán ở dọc bờ biển – Ảnh: Na Hồ

3. Xuôi theo những con đường quanh co, chúng tôi ra đến bờ biển của Scarborough, nơi được chính quyền địa phương quy hoạch để phát triển du lịch. Ôm lấy bờ biển dài là con đường trải nhựa, cho phép ôtô chạy một chiều, hai bên đường là nhiều khu vui chơi xen lẫn nhà hàng ăn uống và đồ lưu niệm.

Cách bờ biển không quá xa, North Bay có dịch vụ lặn biển ngắm san hô và các loài sinh vật biển, nhưng có lẽ do trời lạnh lẽo cùng với những cơn mưa tuyết bất chợt nên không nhiều du khách tham gia tour du lịch này. Chúng tôi đi dọc bờ biển, thỉnh thoảng lại sà vào những hàng bán hình nộm sặc sỡ vô cùng bắt mắt của những quầy hàng lưu niệm hoặc đồ dùng bên đường.

Những hình nộm rất đa dạng, sản phẩm nào cũng mang nét tươi vui từ ánh mắt đến khuôn miệng luôn cười. Sự náo nhiệt của khu du lịch bên bờ biển hoàn toàn trái ngược với vẻ yên bình phía trong thị trấn, tưởng chừng ở Scarborough tồn tại nhiều đặc điểm khác nhau ở những góc riêng, có thể chiều lòng tất cả du khách đến nơi đây.

Những du khách không thích sự ồn ào của khu du lịch bên bờ biển có thể đi ngược lên phía trên núi, đến với lâu đài Scarborough nằm tĩnh lặng, gần như tách biệt hoàn toàn với những hoạt động ở dưới. Bên đường là những bụi lau cao hơn đầu người, xen kẽ có các bụi hoa dại màu hồng mà tôi không biết tên và hoa bồ công anh mọc tự do.

Phía ngoài của đường không có hàng rào chắn, có thể phóng tầm mắt ra nhìn toàn cảnh của Scarborough với những mái nhà nhấp nhô không đều nhau, càng đi lên cao tầm nhìn lại càng rộng hơn. Thật không may, khi chúng tôi lên đến lâu đài cổ thì đã hết giờ tham quan, đành nuối tiếc chụp ảnh thị trấn phía dưới đã lác đác lên đèn vì trời mùa đông trời thường tối sớm và nhanh.

ZjqbRnNG.jpgPhóng to
Bãi biển gần khu nhà dân của Scarborough – Ảnh: Na Hồ

4. Thời gian ở Scarborough không nhiều nhưng tôi đặc biệt yêu thích sự yên tĩnh của trung tâm thị trấn và những chiếc ghế gỗ dài ở trên núi, nơi có thể nhìn xuống biển hoặc bao quát xung quanh lại không quá ồn ào.

Ngày nay, thị trấn bắc Anh này vẫn có những người hát rong trên đường, đặc biệt là mấy khu vực tập trung nhiều người qua lại. Họ không chỉ hát một bài dân ca đã nổi tiếng toàn thế giới nữa mà hát nhiều loại nhạc khác nhau, thỉnh thoảng lại chơi vài điệu nhạc không lời đầy da diết khi bóng tối bắt đầu phủ xuống những mái nhà trong thị trấn.

Ngày tôi rời Scarborough, thời tiết âm u cùng những cơn gió lạnh buốt làm không gian của ga tàu trung tâm có cảm giác hơi buồn.

Có thể thị trấn nhỏ bé này không phải là địa điểm “must go” đối với du khách khi đến nước Anh, nhưng bài hát Scarborough fair kia chắc hẳn sẽ còn mãi trong lòng người yêu nhạc khắp nơi trên thế giới, và còn biết bao trái tim đang rung động vì bản tình ca này nữa?

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn