(Dân Việt) – Từ lâu tại đình Quán La (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) tồn tại một phức hợp kiến trúc cổ dưới lòng đất với nhiều giai thoại khác nhau như là nơi để mộ của người Hán, hầm luyện đan sa, hầm chứa của cải….
Ở đình Quán La (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) tồn tại một cửa hang dẫn xuống hầm ngầm đầy bí ẩn. Theo thủ từ Nguyễn Văn Lực, cũng không ai biết rõ hang ngầm này có từ bao giờ.
Toàn bộ 3 đường hầm nằm phía dưới lòng đất sâu hơn 4 m, có một cửa chính thông lên phía sau hậu cung đình Quán La. Dân trong làng đã làm một thang sắt để tiện cho việc lên xuống.
“Cả ba cửa hầm hiện đã bị bịt kín từ thời Lý, đến nay không ai dám phá cửa đi sâu vào bên trong. Hôm nào trời nắng xuống bên dưới rất khó thở, người khỏe chỉ ở được 1 phút là phải lên. Thời điểm trước cây cối nhiều, dưới hầm nhiều rắn, rết, chuột bọ đào bới”, thủ từ Nguyễn Văn Lực kể lại.
Có nhiều đoàn khảo sát đã về tìm hiểu hang, muốn khai quật nhưng các cụ trong làng không đồng ý vì một ngách của hang đi ra Hồ Tây nằm dưới hậu cung, nếu đào bới rất có thể ảnh hưởng đến ngôi đình cổ.
Cả ba đường hầm đều được xây bằng gạch cổ với phần trên nóc hầm uốn cong hình vòng cung.
Trong lòng mỗi đường hầm chỉ cao khoảng 1,6m, không khí tương đối ngột ngạt, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Ba cửa hầm xây hình vòm bằng gạch, gạch được in các hoa văn rất đẹp.
Thủ từ của đình ông Nguyễn Văn Lực cho biết có 3 giai thoại về các hầm ngầm này. Một số người cho rằng nó là một ngôi mộ cổ của người Hán tại Việt Nam, có thông tin khác khẳng định đây là lò luyện đan sa từ thời Lý, song cũng có nguồn tin thì lại đính chính đây là một phức hợp cất giấu của cải.
Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai sâu khoảng 5m, cả hai đều bị bịt kín.
Hiện tại các cụ trong làng cũng chỉ trông nom, thường xuyên dọn dẹp để chuột, rắn không trú ngụ, ngoài ra không có hoạt động nào liên quan đến hang ngầm này. Xung quanh đình Quán La còn có 3 cây di sản hàng nghìn năm tuổi như cây thị, cây đa…
Nguồn: Danviet.vn