Ấn tượng về rằm tháng 7 ở Việt Nam với khách Tây

0
6
Khunh cảnh đền thờ Phật giáo tại TP HCM vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Andy Traveler.

Du khách Mỹ nằm lòng điều kiêng kỵ của người Việt trong tháng 7 âm lịch, còn blogger Australia nhớ mãi cảnh lấy đồ cúng hỗn loạn.

Ngày rằm tháng 7 Âm lịch là một dịp lễ quan trọng với người Việt, bởi niềm tin mạnh mẽ vào thế giới tâm linh. Đây là nét văn hóa truyền thống khiến khách nước ngoài hiếu kỳ khi có dịp trải nghiệm.

Andy, đến từ California (Mỹ), từng có cơ hội ghé một ngôi đền nhỏ tại quận 7, TP HCM khi ở Việt Nam trùng ngày rằm tháng 7 năm 2017. Andy cùng người dân đi lễ trong ngày Vu Lan.

Chia sẻ trên trang blog Andy Traveler, anh cho rằng, với các Phật tử, Vu Lan cũng giống như ngày của cha mẹ. Phần lớn người dân đi lễ chùa, cầu nguyện cho đấng sinh thành. Nhiều người còn tránh sát sinh và ăn chay, tặng đồ ăn hay nhu yếu phẩm cho người nghèo, phóng sinh… với niềm tin rằng những điều này sẽ giúp họ tích đức, hồi hướng phúc lành cho thân sinh.

“Anh phải vái ba lần và nhớ cầu nguyện đó”, người bạn chỉnh những cử chỉ vụng về của Andy. Mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian. Phượt thủ Mỹ để ý nhiều người còn mặc đồ lam. 

Khunh cảnh đền thờ Phật giáo tại TP HCM vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Andy Traveler.

Khung cảnh đền thờ Phật giáo tại TP HCM vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Andy Traveler.

Tháng 7 còn được gọi là tháng cô hồn với nhiều điều kiêng kỵ. Andy nhận thấy người Việt rất xem trọng ngày xá tội vong nhân bởi họ có niềm tin vào thế giới tâm linh. “Người dân truyền tai nhau không phơi quần áo hay chụp ảnh vào ban đêm, không tổ chức đại sự, không nhặt tiền ngoài đường, không gõ bát đũa khi ăn…”, anh nói.

Với trải nghiệm của mình, Andy cho rằng người dân thường cẩn trọng hơn vào tháng này để không vô tình xúc phạm hay chọc giận “người âm”. Mọi người thắp nhang, đốt vàng mã và cúng đồ ăn ngoài đường vào ngày rằm. Thậm chí, vài gia đình còn tặng tiền, trái cây và thức ăn cho người qua đường… vì tin rằng nếu càng nhiều người tới lấy đồ cúng, chuyện kinh doanh càng phát đạt.

Andy đi lễ vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Andy Traveler.

Andy đi lễ vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Andy Traveler.

“Tìm hiểu về văn hóa là điều tôi yêu thích nhất trên đường phượt: trải nghiệm những ngày lễ cùng người địa phương và khám phá phong tục tập quán. Tôi muốn mọi người trải nghiệm thật nhiều trong những chuyến đi. Đừng chỉ nằm dài trên bãi biển trong suốt kỳ nghỉ, hãy ra ngoài thử làm điều gì đó như người địa phương”, Andy bày tỏ.

Barbara, blogger Australia, cùng chồng đi ăn sáng tại TP HCM vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch nhiều năm trước. Cô thấy chủ quán bày một bàn đầy đồ cúng, từ tái, cây, mía, bánh kẹo, snack đến vàng mã… và thắp hương.

Nhưng những gì xảy ra tiếp theo khiến cô ngạc nhiên. Trước khi người phụ nữ kịp châm hết hương, một đám đông quây quanh bàn cúng. Chỉ vài tích tắc sau khi nén hương cuối cùng được thắp lên, những người này bắt đầu vơ lấy bánh trái. Trong vài giây, mọi thứ biến mất trên bàn, họ chỉ để lại vàng mã cho gia chủ đem hóa.

Người dân cúng đồ ăn vào ngày rằm tháng 7. Ảnh: The Dropout Diaries.

Người dân cúng đồ ăn vào ngày rằm tháng 7. Ảnh: The Dropout Diaries.

“Đó là một khung cảnh loạn lạc”, Barbara bày tỏ. Cô từng biết đến tháng ma đói ở Singapore, nhưng bạn bè ở Việt Nam của cô lý giải rằng tháng 7 Âm lịch được coi là thời điểm cửa địa ngục mở cho những hồn ma cô quạnh, không ai thờ phụng lên trần thế. “Điều này có vẻ bớt đáng sợ hơn”, cô nói.

An An (Theo The Dropout Diaries/Andy Traveler)

Nguồn: Vnexpress.net