12 bí kíp biến bạn thành chuyên gia mặc cả

0
15
12 bi kip bien ban thanh chuyen gia mac ca hinh anh 1

Quy tắc được nhiều người truyền tai nhau ở các nước châu Á là bắt đầu bằng cách trả một nửa giá niêm yết.

Nói thách và mặc cả (trả giá) là một phần của văn hóa địa phương khi bạn đến châu Á, từ khu chợ Crawford ở Mumbai hay thuê xe ôm ở Bali. Để không bị mua hớ hàng, bạn cần có hiểu biết nhất định. Hãy ghi nhớ 12 bí kíp tối cần thiết dưới đây để có một chuyến đi tiết kiệm nhất có thể.

1. Giá rao không phải mức giá thực sự

Nếu bạn hỏi giá đi xe tuk-tuk, mua hàng trong chợ, hoặc hỏi bất kỳ ai bán hàng trên đường, dọc bờ sông ở châu Á, bạn không nên chấp nhận mua ngay với giá tiền được báo.

Người ta nói thách mọi thứ, từ tơ lụa đến quần đùi. Bạn sẽ thấy đáng giá nếu chịu khó trả giá thấp xuống, nhất là nếu ngân sách eo hẹp, và bạn đi chơi ở những thành phố như Delhi, Mumbai, Bangkok hoặc Bali.

2. Thăm dò giá từ đối thủ

Nếu bạn đi chợ, hoặc ở nơi tụ tập đông xe thuê, bạn sẽ được mời chào cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhiều chủ hàng khác nhau. Hãy hỏi giá và so sánh từ vài chủ hàng, trước khi bạn quyết định chọn mua.

12 bi kip bien ban thanh chuyen gia mac ca hinh anh 1
Mặc cả mua hàng ở một khu chợ ở Thái Lan. Ảnh: Oyster.

3. Bắt đầu bằng cách trả nửa giá

Quy tắc mặc cả được chấp nhận rộng rãi là bắt đầu bằng cách trả một nửa giá niêm yết. Nghe có vẻ lố bịch, nhưng bạn cũng sẽ chẳng mua được với giá đó. Hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận ánh mắt nhướng lên, tiếng thở dài, và đủ kiểu biểu lộ kinh ngạc từ người bán.

Tuy nhiên, với kiểu trả giá mạnh tay ngay từ đầu, bạn sẽ tạo ra không gian để mức giá nhích dần lên trong khoảng chấp nhận được. Nếu bạn bị từ chối, những chủ hàng khác gần đó có thể đồng ý thương lượng với bạn.

4. Chốt giá trước khi bước lên phương tiện chuyên chở

Nếu định mặc cả giá xe tuk-tuk và taxi, bạn phải kết thúc thỏa thuận trước khi bước chân lên xe. Nếu không, ở điểm đến, bạn có thể bị đòi trả một chi phí cực đắt.

Nếu trường hợp đó xảy ra, tốt nhất bạn nên chịu rút ví, và coi là bài học. Nhiều trường hợp xô xát vì tranh cãi hóa đơn đi xe đã xảy ra. Trong một số tình huống, nhân viên khách sạn và thậm chí cảnh sát phải can thiệp. Bạn không nên để mình dính líu tới tranh chấp pháp lý ở một đất nước xa lạ.

12 bi kip bien ban thanh chuyen gia mac ca hinh anh 2
Bạn nên thỏa thuận giá cuối cùng trước khi lên xe. Ảnh: Oyster.

5. Đừng tin tưởng báo giá từ khách sạn

Các công ty bán tour du lịch có thể giúp bạn tìm được mức giá dễ chịu hơn, từ phương tiện di chuyển, đến hàng lưu niệm ở chợ. Nếu thuê dịch vụ taxi của khách sạn, bạn có thể phải chịu chi phí cao hơn.

6. Bỏ đi

Nếu bạn cảm thấy chủ hàng không chịu giảm giá đủ, đặc biệt sau vài lượt trả giá, hãy đơn giản quay lưng bỏ đi. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ đi theo, cầm món đồ đó trong tay và sẵn lòng giảm thêm.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng xảy ra trường hợp như vậy. Ví dụ, nếu bạn nhắm tới món đồ độc trong cửa hàng đồ cổ, bạn chớ hy vọng có thể trả giá.

7. Mang nhiều tiền mặt, nhất là đồng tiền mệnh giá nhỏ

Bạn nên bảo quản tiền cẩn thận nếu đi đến những nơi đông đúc như chợ. Hãy để tiền ở nhiều túi khác nhau, hoặc trong túi đeo thắt lưng, hoặc thậm chí cả trong tất. Bạn chắc chắn không nên rút ra cả xấp tiền mệnh giá lớn khi đang mặc cả. Bạn có thể bị đánh giá là tham lam bủn xỉn nếu đòi người bán hàng rong giảm 50 rupee trong khi bạn có vài tờ 1.000 rupee trong túi.

Ngoài ra, người ta có thể nói không có đủ tiền lẻ để trả lại bạn nhằm nâng giá. Bạn cũng nên nhớ thanh toán bằng thẻ không phải là hình thức phổ biến ở chợ các nước châu Á, hoặc khi bạn di chuyển bằng phương tiện công cộng.

8. Giá niêm yết cố định

Nhiều cửa hàng ở châu Á cũng có giá cố định, không giảm. Trong khu du lịch, những cửa hàng này thường đặt một bảng hiệu gần cửa ra vào, ghi chú “giá cố định”, “không mặc cả”.

Ở một số chợ như Chatuchak (Bangkok), nhiều hàng không chấp nhận trả giá. Phần lớn cửa hiệu ở các trung tâm thương mại lớn ở Bangkok và Connaught Place của Delhi đều là nơi không được mặc cả. Bạn cũng không nên trả giá khi mua đồ ăn hoặc đồ uống, dù ở quán vỉa hè hay nhà hàng.

9. Tìm hiểu tập tục địa phương

Như mọi khu vực đa văn hóa khác của thế giới, cách kinh doanh ở châu Á cũng không giống nhau. Ví dụ, ở Singapore, Nhật Bản, và phần lớn ở Hàn Quốc, mặc cả không phổ biến như ở những địa điểm du lịch nổi tiếng giá rẻ như Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Thậm chí trong cùng một nước, không phải miền nào cũng chào đón việc bạn kỳ kèo bớt giá.

10. Đặt khách sạn hợp túi tiền khi bạn đến nơi

Bí quyết này dành cho tuýp người không ngại chút mạo hiểm khi du lịch. Những nơi đông khách du lịch có thể bị đặt kín chỗ trước, đặc biệt trong mùa lễ hội lớn. Điều rủi ro là bạn có thể phải kéo theo đống hành lý cho đến khi tìm được nơi nghỉ chân.

Nhưng khách sạn ở châu Á có thể cần được kiểm tra tận mắt, vì quảng cáo không chính xác với thực tế. Hơn nữa, giá phòng đặt online thường cao hơn nhiều so với bạn đích thân đến nơi, so sánh giá cả, và đăng ký phòng ở quầy lễ tân.

Điểm này đặc biệt đúng đối với các khu dành cho khách du lịch balo như đường Khaosan (Bangkok), hay Paharganj (Delhi), nơi có dãy khách sạn giá rẻ tương đối giống nhau. Hãy xem trước phòng, và kiểm tra trang thiết bị hoạt động hay không. Bạn có thể được giảm giá nếu thuê nhiều ngày.

11. Ứng xử lịch sự

Tỏ ra hằn học khi mặc cả sẽ chỉ gây bất lợi cho chính bạn. Bạn có thể khó chịu vì bị nhiều người bán rong hoặc tài xế chào mời liên tục, nhưng nổi giận chẳng đem lại kết quả. Họ cũng chỉ đang cố gắng kiếm sống.

12 bi kip bien ban thanh chuyen gia mac ca hinh anh 3
Trả giá với thái độ vui vẻ sẽ tạo tác dụng tích cực. Ảnh: Oyster.

12. Cân nhắc liệu bạn cần mặc cả không

Khách du lịch bụi có thể phải chi tiêu cực tiết kiệm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thu nhập của bạn có thể cao hơn mức sống của dân địa phương ở nhiều nước như Ấn Độ, Campuchia… Hãy suy nghĩ lại nếu bạn định kỳ kèo cả những món đồ nhỏ, ít tiền.

Nguồn: News.zing.vn