Ấn tượng của cô gái Việt lần đầu tham gia lễ hiến tế ở châu Phi

0
11
an-tuong-cua-co-gai-viet-lan-dau-tham-gia-le-hien-te-o-chau-phi

Trước khi thực sự tiếp xúc với những tín đồ theo đạo Hồi, cô gái Hà Nội mang trong mình khá nhiều định kiến về tôn giáo này.

Minh Ngọc, 22 tuổi, đang sống tại Sudan. Dưới đây là những chia sẻ của cô gái Hà Nội có dịp dự lễ hội Eids al-Adha cùng người dân địa phương hồi tháng 9.

Tôi may mắn được trải nghiệm 10 ngày Eids al-Adha, một kỳ nghỉ lễ dài nhất và cũng quan trọng nhất trong năm của người Sudan nói riêng và người Hồi Giáo nói chung. Tôi đã tưởng mười ngày này sẽ vô vị, song hóa ra tôi lại có những kỷ niệm đáng nhớ nhất từ trước tới giờ tại đất nước châu Phi này.

Còn được gọi là “lễ tế sinh, lễ hiến sinh” với tên gọi khác Id-ul-Zuha, Eid al-Adha là một dịp lễ kéo dài ba ngày. Vào dịp này, người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ tôn vinh Ibraham, người sáng lập và người truyền tin của đạo Hồi. Ibraham sẵn lòng hiến tế con trai của mình, trước khi Chúa trời ban cho ông ta một con cừu làm vật hiến tế thay thế. Người Hồi giáo tổ chức Eid al-Adha ngay sau Hajj, cuộc hành hương tới thánh địa Mecca. Eid al-Adha còn là dịp lễ của sự hạnh phúc, Eids dạy chúng ta cách mỉm cười và yêu cuộc sống. Đó là những gì tôi tìm hiểu được về kỷ nghỉ lễ này.

May mắn hơn, một đồng nghiệp người Sudan mời tôi về nhà cô ấy 3 ngày liền để ăn mừng Eid với gia đình. Quả thực đây là cơ hội hiếm có để tôi trải nghiệm lễ hội theo cách gần gũi với người bản địa nhất.

Tham dự buổi cầu nguyện Eid

Tôi không theo đạo Hồi nên không phải cầu nguyện. Sau bữa sáng lúc 12h trưa, tất cả đàn ông trong nhà mang thảm ra sân cầu nguyện khoảng 15 phút. Không khí hoàn toàn tĩnh lặng, tôi có thể phần nào cảm thấy họ chú tâm đến thế nào.

Điểm tôi thích nhất về Eid al-Adha là người dân ai nấy đều cố gắng sắm sửa quần áo mới cho dịp lễ này, cho dù họ nghèo tới mức nào. Họ sẽ tắm rửa sạch sẽ vào buổi sáng, diện đồ mới, cầu nguyện và ăn mừng cả ngày. Đồng nghiệp cũng nhắc tôi mặc một bộ đồ tươm tất nhất.

Lễ hiến tế

Theo truyền thống, mỗi người hay mỗi gia đình đủ điều kiện phải dâng hiến ít nhất một con cừu, hoặc bò, dê, lạc đà… để tưởng nhớ đến con vật mà Chúa trời gửi cho Abraham, thay thế con trai ông. Những con vật này phải ít nhất hai năm tuổi, chỉ được ăn thực vật.

Sự khác biệt giữa thịt bình thường và thịt Halal nằm ở cách người Hồi giáo mổ các con vật. Người làm lễ sẽ gọi tên thánh Allah và cầu nguyện trước khi thực hiện các nghi thức. Dụng cụ giết mổ phải được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo. Con vật phải còn sống trước khi bị mổ, nếu nó bị chết hoặc bất tỉnh trước khi mổ thì thịt không được coi là thịt Halal. Sau khi mổ, con vật được treo ngược lên để máu chảy ra hết bởi thịt halal phải là thịt không dính máu.

an-tuong-cua-co-gai-viet-lan-dau-tham-gia-le-hien-te-o-chau-phi

Con cừu được treo ngược trên cành cây sau khi cắt tiết.

Chứng kiến một người đàn ông mổ hai con cừu sống, tôi cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên tới họng. Xác hai con cừu được đặt trên đường khi hết máu, lũ trẻ con cứ thế nhảy qua nhảy lại trong vui sướng.

Thịt cừu bảy món

Sau lễ hiến tế, gia đình đồng nghiệp của tôi dùng tới bảy cách chế biến như nướng, xào với nui, xào xả ớt… Tôi đã thưởng thức trọn vẹn bữa ăn và nghĩ đây là cách mình ăn mừng đúng. Thú thực, nếu không chứng kiến cảnh giết mổ, có lẽ thịt cừu đối với tôi đã ngon hơn gấp bội.

an-tuong-cua-co-gai-viet-lan-dau-tham-gia-le-hien-te-o-chau-phi-1

Bữa thịt cừu ăn mừng lễ Eid al-Adha của nhà đồng nghiệp tôi.

Một phần ba chỗ thịt ấy sẽ được gia chủ chia sẻ cho bạn bè, người thân, hoặc quyên góp cho người nghèo. Dù nghèo đến mức nào, người Sudan cũng sẽ cố gắng san sẻ cho những người xung quanh vào mỗi dịp lễ.

Tiệc ăn mừng của “những quý cô Sudan nóng bỏng”

Trước khi chính tiệc bắt đầu, những quý cô sẽ tụ tập và thưởng thức tiệc trà nhẹ trước để cùng nhau nói chuyện, làm đẹp như lựa chọn quần áo đẹp, làm tóc, trang điểm… 

Một trong những điều tôi mong muốn thực hiện trước khi chết là được vẽ henna ở một quốc gia Đạo Hồi, và điều đó đã trở thành hiện thực trong bữa tiệc này. Trong khi người Ấn Độ sử dụng mực đỏ, người Sudan sử dụng mực đen để vẽ henna. Nếu đã kết hôn, bạn sẽ được vẽ heena kín 10 đầu ngón tay, ngón chân; còn người độc thân thì không cần. Khi người thân qua đời, người Sudan sẽ không được vẽ henna trong vài tháng.

an-tuong-cua-co-gai-viet-lan-dau-tham-gia-le-hien-te-o-chau-phi-2

Hình henna của tôi giữ được khoảng một tháng, nhiều bạn bè ở nhà vẫn nghĩ đó là hình xăm thật.

Sau khi mọi thứ tươm tất, họ cùng nhau ăn bữa cơm linh đình như tiệc cưới nhưng không khí cũng không kém thân mật. Khoảng 9h tối, bữa tiệc sôi động sẽ bắt đầu, mọi người nhảy múa và ca hát hết mình.

Những ký ức đẹp

Tạm biệt gia đình người đồng nghiệp, tôi trở về thủ đô Khartoum với những kỷ niệm đẹp về Eids al-Adha, và một túi đầy ắp thịt cừu do mẹ cô ấy dúi vào tay. Bọn trẻ trong nhà cũng tặng tôi rất nhiều quà, các em cứ chạy theo vẫy chào và nói tạm biệt tôi tới gần một cây số. Tất cả  tình cảm chân ái đó khiến tôi thực sự cảm động.

Trước đây, tôi từng mang một số định kiến về đạo Hồi. Từ khi trải nghiệm lễ hội truyền thống Eids al-Adha cùng người Hồi giáo và tìm hiểu sâu hơn, tôi đã có cái nhìn hoàn toàn khác về tôn giáo này. Không những thế, tôi cũng cảm thấy ngưỡng mộ và trân trọng họ hơn, đặc biệt là những con người đã chào đón tôi ở Sudan.

Nguồn: Vnexpress.net