​Những chiến binh săn đầu người cuối cùng ở Ấn Độ

0
7

Toàn cảnh làng Longwa – bên kia là những cánh rừng thăm thẳm, bên này là vùng đất trồng trọt màu mỡ của Ấn Độ

Là vùng đất xa xôi miền đông bắc Ấn Độ, bang Nagaland có 16 bộ tộc khác nhau, trong đó người Konyak là những chiến binh có lịch sử oai dũng nhất, chuyên tấn công các làng mạc để cướp đất đai và mở rộng quyền cai trị.

Họ thường lập làng ở các vùng đất cao, nơi có tầm quan sát tốt và dễ phát hiện kẻ thù đến tấn công.

Thế hệ cuối cùng

Trong quan niệm của bộ tộc từ nhiều thế kỷ nay, người Konyak là những chiến binh săn người dữ tợn. Đến tận những năm 1940, tục lệ săn người này mới bị cấm.

Giết chết và cắt đầu kẻ thù được coi là nghi lễ trưởng thành cho mọi thanh niên, chỉ khi hoàn thành nghi lễ này họ mới được ban cho những hình xăm uy thế trên mặt.

Thế hệ chiến binh người Konyak cuối cùng

Những chiến binh già như Pangshong (trong hình trên) thuộc thế hệ chiến binh cuối cùng ở Nagaland, thế hệ cuối cùng với những hình xăm mang dấu tích những cuộc chiến. Chính quyền ghi nhận vụ săn người gần nhất là từ năm 1969.

Trên tường nhà của người Konyak treo rất nhiều loại đầu của muông thú: trâu rừng, hươu, lợn nòi, chim mỏ sừng và mithun (một loài thuộc họ bò được thấy ở vùng đông bắc Ấn Độ) – dấu tích sau mỗi chuyến đi săn.

Trước kia thủ cấp của kẻ thù được treo lên tường, còn từ khi có luật cấm, chúng được đem đi chôn bên ngoài khu làng.

Các loại đầu chim thú treo trên tường
Nhà ở của người Konyak 

Nhà ở đây được làm bằng tre, rất rộng rãi và thường có nhiều gian. Những gian lớn tạo ra đủ không gian để cả gia đình vừa quây quần, vừa nấu ăn, làm chỗ ngủ và bố trí đồ đạc. Bếp lửa luôn được đặt chính giữa nhà. Các loại rau củ, ngô và thịt là thức ăn thường ngày.

Người Konyak ở Naga cũng ăn cơm. Thóc được giã thành gạo và đựng trong các thùng lớn bằng tre ở sau nhà.

Một bộ tộc, hai quốc gia

Làng Longwa đã có từ lâu, rất lâu trước khi đường biên giới Ấn độ và Myanmar được phân chia vào năm 1970. Không thể phân tách cộng đồng này làm đôi, chính quyền hai nước đã quyết định giữ nguyên ngôi làng, bất chấp việc đường phân định chạy qua tách rời hai nửa lãnh thổ về mặt hành chính.  

Đường biên giới thậm chí còn chạy thẳng qua nhà của tộc trưởng, điều này khiến mọi người thường hay nói đùa rằng tộc trưởng ăn tối ở Ấn Độ còn ngủ ở Myanmar.

Cây cột mốc biên giới trong làng một mặt viết bằng chữ Myanmar, còn mặt kia bằng chữ Hinđi
Con trai của tộc trưởng

Tộc trưởng là người đứng đầu bộ tộc, được người Konyak gọi là “Angh”. Mỗi Angh quản lý từ một đến vài làng. Vị trí này thường được truyền từ cha sang con. Các tộc trưởng được phép có nhiều vợ, vì vậy tất nhiên sẽ có nhiều con.

Cậu bé trong ảnh là một trong số các con của tộc trưởng đang quây quần bên bếp lửa.

Thay đổi theo thời gian

Tín ngưỡng của người dân nơi này là tín ngưỡng vật linh, họ tôn thờ các thực thể tự nhiên như sông suối, cây cỏ. Cuối thế kỷ 19, các giáo sĩ Thiên Chúa mới đến đây. Và từ đó cho đến cuối thế kỷ 20, hơn 90% dân số trong toàn bang đã chấp nhận đạo Thiên Chúa. 

Gần như mỗi ngôi làng ở đây đều có ít nhất một nhà thờ.

Nhà thờ Thiên Chúa giáo trong làng Longwa, gần bên cạnh nhà của tộc trưởng

 

Những thay đổi trong làng

Sự xâm lấn của tôn giáo khác đang ngày càng làm mờ nhạt các phong tục xưa cũ.

Những tập tục như rèn luyện các cậu bé trở thành chiến binh, hay những buổi tập trung trong nhà chính “Morung” của làng để kể về lịch sử, đức tin của bộ tộc hầu như mất hẳn.

Những phụ nữ Konyak trong trang phục truyền thống đi lễ nhà thờ vào chủ nhật
Cánh đàn ông tụ họp bên bếp lửa

Trong ảnh, một vài người đàn ông tụ họp bên bếp lửa, nhai trầu, nướng ngô và ôn lại những kỷ niệm vui buồn một thuở.

Thói quen mang đồ trang sức sặc sỡ cũng thay đổi nhiều. Trước kia cả cánh đàn ông lẫn phụ nữ  đều đeo những chiếc vòng cổ và vòng tay. 

Những chiếc vòng cổ có mặt bằng đồng cho nam giới từng mang ý nghĩa biểu trưng cho số lượng đầu kẻ thù mà anh ta đã chặt.

Đồ trang sức của một phụ nữ trong làng

Nằm xa khuất xa hẳn thế giới văn minh, những ngôi nhà gỗ mái lá trong làng Longwa là một bộ sưu tập lộng lẫy của truyền thống.

Tuy nhiên những ngôi nhà xây, mái tôn lại là minh chứng biết nói về sự thay đổi đang âm thầm diễn ra ở góc nhỏ hoang thẳm này.

Cuộc hôn phối khó cưỡng giữa quá khứ và thực tại sẽ mang lại điều gì, chưa ai có thể trả lời được cả.

Wanlem, cô gái người Konyak giã gạo để nấu cơm

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn