Xưởng ở Hòa Bình là nơi in những đồng tiền Việt Nam đầu tiên trong những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Được một người bạn là dân bản địa huyện Chi Nê (Hoà Bình) giới thiệu, chúng tôi đã được “mục sở thị” xưởng in tiền đầu tiên của Việt Nam – một điểm đến rất thú vị mà ít người biết. Xưởng nằm trong khuôn viên đồn điền Chi Nê rộng hơn 7.300 ha, được gia đình ông Đỗ Đình Thiện mua lại của chủ đồn điền người Pháp Bô – Ren với giá 2.000 lượng vàng và hiến cho nhà nước để làm xưởng in tiền.
Chính từ nhà máy in tiền Chi Nê, tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời và vực dậy nền tài chính cạn kiệt của quốc gia những ngày đầu độc lập. Đây cũng là nơi ra đời tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc lúc đó. Tờ 100 đồng Việt Nam còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh.
Tái hiện lại hình ảnh công nhân đang in tiền bên trong nhà máy. Ảnh: Yên Thảo |
Nhà máy in tiền lúc sơ khai máy móc còn thô sơ nên việc in ấn gặp rất nhiều khó khăn với các giai đoạn thủ công. Những đồng tiền đầu tiên ấy có chất lượng kém, màu sắc không đẹp, nhưng đó lại là một bước ngoặt lớn trong lịch sử vì đây là tờ tiền đại diện cho nền độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia. Cùng với việc vực dậy nền kinh tế non yếu của chính phủ lâm thời lúc bấy giờ, những đồng tiền này cũng chính thức khai tử đồng tiền Đông Dương mà người Pháp từng lưu hành ở Việt Nam.
Để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4h chiều đến 3h sáng hôm sau và tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò, xe ngựa chuyển cất giữ vào “kho bạc” tại gia đình ông Bùi Văn Xin, ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy.
Với vị trí chiến lược, đồn điền Chi Nê đã hai lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc và nghỉ lại. Trong chuyến thăm thứ hai, Chủ tịch đã tiên đoán đồn điền Chi Nê sẽ bị đánh bom và điều đó thành hiện thực vào năm 1947. Đồn điền Chi Nê bị tàn phá nghiêm trọng, nhà máy in tiền và kho bạc được chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.
Tái hiện việc in những tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Yên Thảo |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhà máy in tiền đã bị thay đổi và xuống cấp, nhiều di vật bị thất lạc. Đến năm 2010, Nhà nước đã thành lập Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền, tiến hành đầu tư trùng tu, nâng cấp công trình và chia làm ba phần: Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa, Khu xưởng in bạc và Kho để tiền. Tổng diện tích khu di tích rộng 15,5 ha với tổng mức đầu tư khoảng trên 270 tỷ đồng.
Xem thêm: Lạ lẫm với tour bắt buộc mặc đồ bảo hộ lao động
Yên Thảo
Nguồn: Vnexpress.net