Bộ ảnh “Tất cả là một” lấy cảm hứng từ những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống thường nhật ở Việt Nam.
Trong bộ áo dài cách tân, Stephane Bahler, nhiếp ảnh gia Thụy Sĩ hào hứng kể về những bức ảnh anh chụp tại Việt Nam trong suốt 14 năm. Đây là lần đầu tiên Stephane Bahler mang những bức ảnh của mình giới thiệu đến cộng đồng qua triển lãm “Tất cả là một”.
Tác giả chọn cách trưng bày ảnh theo bộ ba nhằm thể hiện triết lý duyên khởi của nhà Phật cũng như lý thuyết khoa học “tất cả là một”, vì vạn vật trên đời đều có sự liên kết với nhau.
Xuyên suốt các tác phẩm là hình ảnh đời thường của Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình.
Stephane Bahler dành nhiều thời gian rong ruổi khắp Việt Nam từ vùng quê cho đến thành thị. Anh đặc biệt yêu thích Hội An: “Tôi phải lòng nơi đây, tôi yêu từng viên đá, mảng tường vàng ở Hội An”.
Với ba ảnh mang tên “Hành trình của thời gian”, nhiếp ảnh gia tự hỏi: “Có biết bao câu chuyện, thăng trầm, niềm hạnh phúc mà những cỗ xe đó đã chứng kiến?”.
Theo Stephane Bahler, ẩm thực đường phố là linh hồn của Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Thụy Sĩ gọi những người này là vua bếp đường phố. Ở bất kỳ đâu bạn cũng có thể làm dịu chiếc bụng đói, ngồi trên vỉa hè, và nhìn ngắm những người xung quanh.
Cụm ảnh “Những dòng chảy của sự sống”. Theo tác giả, nhân loại xây dựng nền văn minh của mình bên cạnh dòng chảy của sông và biển, những dòng chảy đã mang đến sự sống, thức ăn và mọi sự vận động…hãy trân trọng những dòng chảy ấy.
Ngoài ảnh đời sống, Stephane Bahler cũng dành nhiều thời gian để chụp ảnh phong cảnh. “Thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp vô thường, hãy mở đôi mắt ngắm nhìn. Bạn sẽ không hối tiếc đâu”, anh chia sẻ.
“Biển giàu tài nguyên, phong phú, tràn đầy năng lượng, có lúc yên bình nhưng cũng có lúc giận dữ. Ta thật sự không thể hững hờ khi đứng trước biển”, Stephane Bahler bình luận về cụm ảnh “Vitamin sea”.
Triển lãm “Tất cả là một” kéo dài 6 tháng tại khách sạn Pullman Vũng Tàu. Sự kiện cũng đóng góp một phần cho tổ chức phi lợi nhuận, giúp các bé gái có cơ hội được đến trường và tạo điều kiện cho trẻ em ở châu Á và châu Phi đều biết đọc và biết viết.
Khương Nha
Nguồn: Vnexpress.net