Vì sao lãnh thổ Hà Lan liên tục thay đổi hình dạng

0
109
Lãnh thổ Hà Lan được đánh dấu màu xanh lá cây trên bản đồ. Ảnh: Country Reports.

Không lãnh thổ nước nào thay đổi nhiều như Hà Lan, nếu tiếp tục lấn biển họ có thể nối lại biên giới với Anh như hơn 8.000 năm trước.

Tên gọi tiếng Anh của Hà Lan là “Netherlands” xuất phát từ tiếng Hà Lan, có nghĩa là “vùng đất thấp”. Điều đó không sai, khi 26% diện tích quốc gia châu Âu nhỏ bé này nằm dưới mực nước biển. Một hệ thống đê điều, đụn cát và thoát nước phức tạp đã bảo vệ các cánh đồng và thành phố của Hà Lan khỏi Biển Bắc, phía bắc Đại Tây Dương. Trong hàng nghìn năm qua, Vương quốc Hà Lan đã nhiều lần vẽ lại bản đồ quốc gia.

Lãnh thổ Hà Lan được đánh dấu màu xanh lá cây trên bản đồ. Ảnh: Country Reports.

Lãnh thổ Hà Lan được đánh dấu màu xanh lá cây trên bản đồ. Ảnh: Country Reports.

Chính người Hà Lan tạo ra Hà Lan

Gần 7.770 km2 đất nông nghiệp tươi tốt hiện tại của Hà Lan là phần chìm dưới biển vào năm 1200. Khi đó, Amsterdam là một đầm lầy than bùn, còn Rotterdam là một vùng đồng bằng ngập lụt. Tuy nhiên, các kỹ sư của quốc gia này là bậc thầy trong lĩnh vực thoát nước các vùng ngập. Họ nghĩ ra phương pháp “đất lấn biển”: xây đê chắn biển rồi rút nước khỏi những vùng đất. Người dân ở đây còn có câu “Chúa tạo ra trái đất, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra Hà Lan”.

Thủ đô Amsterdam ngày nay. Ảnh: My Holiday Guru.

Thủ đô Amsterdam ngày nay. Ảnh: My Holiday Guru.

Biến biển thành đất 

Không quốc gia nào có hình dáng thay đổi qua nhiều thế kỷ hơn Hà Lan. Ví dụ, Zeeland là một tỉnh cực tây của đất nước này, và cái tên của nó nghĩa đen là “đất biển”, bởi vì vùng đất này chủ yếu thuộc Biển Bắc cho đến khi các con đê được xây dựng. Ngoài ra, cờ Zeeland còn có hình ảnh của một con sư tử nổi lên từ những ngọn sóng với dòng chữ “Tôi đấu tranh và vươn lên”. Hay Flevoland, nằm ở trung tâm Hà Lan, là hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới. Nó từng thuộc một vùng biển nội địa có tên Zuiderzee cho đến giữa thế kỷ 20.

Vì sao lãnh thổ Hà Lan liên tục thay đổi hình dạng
 
 

Vì sao lãnh thổ Hà Lan liên tục thay đổi hình dạng

Người Hà Lan lấn biển như thế nào. Video: Zuiderzeemuseum Enkhuizen.

“Hoa khổng lồ” có thể bảo vệ vương quốc Hà Lan

Theo số liệu năm 2016, Hà Lan là một trong những quốc gia đông dân nhất châu Âu, với 17 triệu dân. Với dân số đang trên đà phát triển, ngay cả khi mực nước biển dâng cao, cải tạo đất vẫn là vấn đề cần quan tâm. Năm 2008, một Ủy ban của chính phủ Hà Lan từng đề xuất phương án bảo vệ bờ biển bằng một loạt các hòn đảo nhân tạo có hình dạng như những bông hoa tulip khổng lồ. Một số người dùng Internet còn đùa rằng xây đảo nhân tạo hình lá cần sa có thể hiệu quả hơn, theo Condé Nast Traveler.

Thiết kế Đảo Tulip của nghệ sĩ Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Thiết kế Đảo Tulip của nghệ sĩ Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Hà Lan từng có biên giới giáp Anh

Về lý thuyết, người Hà Lan có thể tiếp tục khai hoang đất từ đại dương với nguồn năng lượng và mức chi phí đáng kể, cho đến khi lãnh thổ có đường biên giới giáp với Anh một lần nữa. Thực tế, sau Kỷ băng hà cuối cùng, khi mực nước biển hạ xuống, nước Anh từng nối với Hà Lan bởi một khu vực mà các nhà khảo cổ ngày nay gọi là “Doggerland”. Doggerland cuối cùng bị ngập lụt vì một trận siêu sóng thần vào khoảng năm 6200 trước Công nguyên – nghĩa là “chiến dịch Brexit” đầu tiên đã diễn ra từ 8.000 năm trước.

Nguồn: Vnexpress.net