Về miền Tây tát mương ăn tết 

0
11
Tát mương bằng thùng – Ảnh: Hoài Vũ

Hồi đó, mỗi lần đầu làng cuối xóm vang lên tiếng quết bánh phồng thình thịch cũng là lúc bà con miệt vườn chuẩn bị tát đìa và tát mương. Cá rọng đầy lu đầy khạp, ăn tới ra giêng vẫn còn.

Kể từ nửa tháng chạp, khi con nước bắt đầu rút bớt ra sông là mọi người cùng nhau ra mương vườn, kẻ phát cỏ, người kéo lục bình. Đâu đó xong xuôi, mọi người mới chia nhau tát từ sáng cho tới trưa. Có nơi tát bằng thùng, có nơi tát bằng gàu dai tùy mương lớn nhỏ. Không khí thật rôm rả vui vầy. 

Ngày nay, nơi miền quê xa lơ xa lắc nào đó, nếu có còn tát đìa tát mương chăng nữa, người ta cũng hay sử dụng máy bơm hoặc dùng lưới để chụp cá chứ ít khi mình trần chân đất dùng gàu dai hoặc thùng để tát cạn như ngày xưa. 

Tất cả những hình ảnh tát đìa, quậy mương năm xưa vì thế đã đi vào ký ức của những người dân quê.  

Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cau, mực nước đã giựt hơn phân nửa, cá bắt đầu động đậy, nhất là tôm càng nổi đỏ râu khiến ai nấy đều vui mừng hớn hở. Khi mực nước cạn dần, nhiều con cá lóc to cứ trườn qua trườn lại rồi lóc lên chỗ nước lắp xắp để tìm đường thoát thân.

Hai bên bờ mương, trẻ con đứng vây quanh, mỗi lần nhìn thấy tôm cá nổi đầu là cất tiếng reo hò vang dội.

Dưới mương, tuy nước đã cạn nhưng bùn lún tới gối, mọi người mạnh ai nấy mò, cá bắt được cho vào giỏ. Ngoài cá lóc, cá trê, rô, sặt, còn có lươn, cua, rùa, ốc. Nhìn các anh thanh niên trầm mình dưới bùn mò cá, cười nói huyên thuyên làm ai nấy cũng muốn nhào xuống.

Lũ nhỏ tha hồ mò bắt, đứa nào mình mẩy cũng lem luốc đầy bùn. Mấy con cá lóc bự cắm đầu xuống sình non thật sâu nên anh em phải thọc tay tới nách mới kéo chúng lên được…

Năm nay, có dịp trở lại quê nhà đúng lúc bà con tổ chức tát mương ăn tết, tôi sung sướng vô cùng vì được sống lại với những kỷ niệm của một thời thơ ấu. Tuy cá ngày nay không nhiều như những năm trước đây nhưng tình cảm con người đối với thiên nhiên không có gì thay đối.

Kéo lục bình, dọn mương tát cá tại huyện Phong Điền, Cần Thơ – Ảnh: Hoài Vũ

Nói đến tát đìa, tát mương, đặt lọp, đặt lờ, câu cá hình như ai cũng có hứng thú.

Tập trung từ sáng sớm, tất cả đều áo ngắn, quần đùi nhảy xuống mương mò cá, mỗi lần tóm được con cá to, cả bọn đều reo hò mừng rỡ như bắt được vàng. Sau khi tát xong, mọi người chia nhau làm cá, nấu nướng.

Hấp dẫn nhất là khi nhóm thanh niên chọn ra những con cá lóc to để nướng lửa rơm, mùi vị bốc lên thơm phức. Xong xuôi, tất cả quây quần bên bàn tiệc, vui mừng cởi mở, vừa thưởng thức những món hương đồng cỏ nội vừa ca vọng cổ và ngâm thơ:

“Bắt con cá lóc nướng trui,
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”…

Cuộc sống nông thôn ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Cá đồng ngày càng ít đi, đa số đều là cá nuôi bè, nuôi ao, ít nơi nào tổ chức tát đìa tát mương để bắt cá tự nhiên nữa, ngoại trừ một số hộ nông dân ở gần sông, gần rạch còn nhiều cá tôm. 

Dù ít có dịp về quê ăn tết nhưng mỗi lần nhìn con trăng hạ tuần tháng chạp và nghe gió bấc thổi về lao xao là lòng tôi lại nhớ mùa tát đìa và tát mương ăn tết, nhớ đến ray rứt, không sao ngăn được cảm hoài… 

Chiến lợi phẩm sau khi tát mương.
Chiến lợi phẩm sau khi tát mương – Ảnh: Hoài Vũ
Nướng cá thưởng thức tại chỗ sau khi tát mương – Ảnh: Hoài Vũ

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn