Các lệnh trừng phạt với Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ của nước này từ những nhà hàng mở ngoài lãnh thổ.
Có khoảng 130 nhà hàng Triều Tiên đang mở trên thế giới. Hầu hết nhà hàng Bình Nhưỡng được tìm thấy ở các thành phố Trung Quốc gần biên giới Triều Tiên, cũng như Bắc Kinh và Thượng Hải. Từ những năm 2000, chuỗi nhà hàng mở rộng sang các thành phố Đông Nam Á như Bangkok, Phnom Penh, Siem Riep, Viêng Chăn, Jakarta, Kuala Lumpur… Ngoài ra còn một nhà hàng ở Ulaanbaatar, Mông Cổ và một ở Kathmandu, Nepal.
Các nhà hàng này ngày càng trở nên phổ biến với những du khách tò mò về đất nước bí ẩn nhất thế giới. Tại Việt Nam, thực khách có thể tìm tới Bình Nhưỡng Quán và hhà hàng Koryo tại Hà Nội. Những món ăn nổi bật gồm kim chi các loại, mì lạnh Bình Nhưỡng, mực nướng và canh thịt chó.
Benjamin Habib, giảng viên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học La Trobe (Australia), cho rằng, hệ thống nhà hàng là một trong trong những hoạt động dễ nhận biết nhất của Triều Tiên tại nước ngoài. Không chỉ là hoạt động quảng bá văn hóa, ẩm thực, đây còn được coi là phần nổi trên tảng băng kinh tế phi chính thức của Bình Nhưỡng.
“Các nhà hàng có thể thu về từ 30.000 USD đến 300.000 USD mỗi năm”, Habib cho biết. Những nữ bồi bàn ở đây có thể vừa ca hát, nhảy múa, vừa phục vụ đồ ăn cho khách.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc có hiệu lực từ năm 2017 cấm các nước cấp thị thực lao động mới cho công dân Triều Tiên, đồng nghĩa với việc nhiều người, trong đó có các nữ bồi bàn trên, có thể đang cân nhắc trở về nhà vì visa sắp hết hạn vào năm nay.
Giữa tháng 3, chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu kiểm soát chặt chẽ visa của lao động Triều Tiên ở nước này. Những nhóm lao động Triều Tiên đang trở về nhà ngày một nhiều. 80% trong số những người về nước là phụ nữ trẻ, chưa tới 20% là đàn ông.
Thực khách vừa thưởng thức đồ ăn vừa xem các nữ phục vụ biểu diễn văn nghệ. Ảnh: Sweet Distance. |
Nhân viên trong các nhà hàng tại nước ngoài thường xuất thân từ những gia đình có uy tín trong giới thượng lưu Triều Tiên, công việc phục vụ bàn được xem là đặc quyền tại Bình Nhưỡng.
“Họ được trả rất khá so với mức thu nhập ở quê nhà, và khoảng 80% lương sẽ được gửi về Triều Tiên. Khoản tiền nhỏ mà những lao động tại nước ngoài kiếm được, đặc biệt trong các nhà hàng, có thể rất hấp dẫn. Hơn nữa, họ còn được bao ăn ba bữa một ngày”, Justin Hastings, chuyên gia về lao động Triều Tiên của Đại học Sydney (Australia) nói.
Ước tính, các lao động ở nước ngoài gửi về cho Triều Tiên từ 1,2 tới 2,3 tỷ USD, theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ (C4ADS).
Theo ABC
Nguồn: Vnexpress.net