Tục săn cá voi đẫm máu trên hòn đảo giữa Đại Tây Dương

0
12
Vùng biển nhuộm đỏ màu máu cá voi trên đảo Faroe. Ảnh: AFP.

Ngư dân đảo Faroe chỉ cần 10 phút để săn một đàn cá, rồi xẻ thịt chúng ngay bên bờ vịnh để lấy thịt và mỡ.

Vài ngày trong năm, vùng biển quanh quần đảo Faroe lại nhuốm màu đỏ từ máu của hàng trăm con cá voi. Cảnh tượng này là một phần không thể tránh trong tục lệ Grindadráp của dân trên hòn đảo tự trị của Đan Mạch, gần Na Uy và Iceland.

Grindadráp tồn tại từ năm 1584, khi những cư dân đầu tiên sinh sống tại Faroe săn cá voi lấy thịt, theo Condé Nast Traveller. Không thể trồng trọt gì nhiều ngoài khoai tây, họ sống dựa vào biển, và thịt cá voi hoa tiêu trở thành một phần thiết yếu trong những bữa ăn hàng ngày từ thời Vikings.

Tục săn cá voi có thể diễn ra vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Khi phát hiện đàn cá voi bơi ở vịnh, tàu thuyền tiếp cận và dồn chúng vào đất liền. Đợi đủ gần, các ngư dân phi thẳng móc sắt vào lỗ phun nước của lũ cá để kéo chúng lên bờ. Trong nháy mắt, họ cắt đứt tủy sống của cá voi bằng dao chuyên dụng mønustingari. Con cá hoàn toàn mất cảm giác và chết sau vài giây. 

Vùng biển nhuộm đỏ màu máu cá voi trên đảo Faroe. Ảnh: AFP.

Vùng biển nhuộm đỏ màu máu cá voi trên đảo Faroe. Ảnh: AFP.

Ngư dân chỉ cần khoảng 10 phút để săn một đàn cá. Hàng trăm con sẽ được mổ thịt ngay bên bờ vịnh cung cấp hàng tấn thịt và mỡ cho 50.000 người trên đảo. Nếu không tích trữ đủ cho mùa đông dài, họ phải nhập khẩu thịt, như hàng ngày mua rau, củ, quả… từ nơi khác, với giá cao gấp 10 lần nông sản bán tại bất kỳ đâu ở châu Âu.

Dù cư dân Faroe đã duy trì Grindadráp qua hàng trăm năm, khung cảnh bờ biển đẫm máu với xác cá la liệt vẫn gây sốc với những vị khách phương xa. Alastair Ward, đến từ Anh, ghé thăm làng Sandavágu trên đảo vào đúng dịp săn cá voi năm ngoái.

“Ngay cả trẻ em cũng tham gia, kéo dây thừng và nhảy lên lũ cá. Chúng tôi chỉ ngồi đó chứng kiến tất cả trong câm lặng, lòng phẫn nộ nhưng không thể làm gì khác”, Ward nói trên BBC.

Chàng trai Anh lo ngại về phương pháp săn bắt của ngư dân địa phương: “Tiếng kêu của những con cá voi thật kinh khủng. Chúng không hề chết theo một cách nhân văn”.

Đây là một hoạt động chung của cộng đồng dân cư Faroe, họ bắt được bao nhiêu cá voi sẽ chia đều bấy nhiêu, không lấy tiền. Ảnh: AFP.

Săn cá voi là hoạt động chung của cộng đồng Faroe, ngư dân bắt được bao nhiêu cá voi sẽ chia bấy nhiêu, không phải trả tiền. Dù chế độ ăn hiện đại đã thay đổi, nhiều người Faroe ngày nay vẫn gắn bó với truyền thống và coi thịt cá voi là cực phẩm. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, giới chức địa phương luôn khẳng định Grindadráp không hề tàn khốc, do người dân chỉ được dùng dụng cụ săn cá voi chuyên dụng và đảm bảo con vật chết trong vài giây cho tới vài phút.

Páll Nolsøe, người phát ngôn của cơ quan Ngoại giao và Thương mại trên quần đảo, khẳng định: “Săn cá voi là một phần trong cuộc sống thường ngày của người Faroe. Hoạt động đánh bắt cá voi hoa tiêu tại đây được quốc tế công nhận là hoàn toàn bền vững”.

Luật pháp Faroe quy định hoạt động săn cá voi chỉ diễn ra tại những vùng vịnh được cấp phép. Người dân phải báo cáo đầy đủ số lượng cá voi đánh bắt và không được phép khai thác thịt cá voi vì mục đích thương mại. 

Ước tính có khoảng 778.000 cá thể cá voi hoa tiêu tại vùng biển phía đông Bắc Đại Tây Dương, gồm 100.000 cá thể quanh quần đảo. Trong đó, người dân trên đảo săn bắt trung bình khoảng 800 con một năm.

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của động vật từ lâu đã chỉ trích Grindadráp là hủ tục tàn ác. Ảnh: AFP.

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của động vật từ lâu đã chỉ trích Grindadráp là hủ tục. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, theo Pal Weihe và Hogni Joensen, giám đốc y tế trên đảo, thịt cá voi không phù hợp với hệ tiêu hóa của con người. Người ăn thịt cá voi hay cá heo còn có nguy cơ gặp rắc rối với sức khỏe, do hàm lượng kim loại nặng như thủy ngân tích tụ trong thịt và mỡ của chúng.

Chính quyền Faroe chưa quản lý hoạt động tiêu thụ chặt chẽ dù khẳng định thịt cá voi được săn bắt không phục vụ mục đích thương mại. Hiện thịt cá voi được bày trong nhiều siêu thị, phục vụ thực khách trong nhà hàng và thậm chí bán cho du khách tại các chợ hải sản. 

Nguồn: Vnexpress.net