Trải nghiệm vượt Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng

0
6
trai-nghiem-vuot-buc-tuong-viet-nam-trong-hang-son-doong

Để vượt bức tường 90 m, hành trình chinh phục phải chia thành nhiều đoạn nhỏ, từ dốc đứng đến 45 độ.

Không chỉ du khách mà nhiều porter (người khuân đồ) cũng chưa một lần vượt bức tường này. Chính vì thế, buổi chiều hôm trước khi vượt Bức tường Việt Nam, ông Howard Limbert, chuyên gia hang động người Anh, đã có buổi hướng dẫn thực hành cho những porter chưa từng leo Bức tường Việt Nam.

trai-nghiem-vuot-buc-tuong-viet-nam-trong-hang-son-doong

Các porters thực hành leo Bức tường Việt Nam

Chuẩn bị chinh phục Bức tường Việt Nam

Sáng ngày cuối cùng trong chuyến thám hiểm Sơn Đoòng, sau khi đi bộ khoảng 45 phút qua các đồi cát cuối hang, chúng tôi đến dòng sông nước trong veo, và được các hướng dẫn viên đeo thiết bị an toàn trước khi lên thuyền chèo đến chân tường.

Để đảm bảo an toàn hơn, mỗi người chúng tôi còn được trang bị thêm một khóa dây để phòng trường hợp bị tụt xuống thì có người ở phía trên kéo lên hỗ trợ. Tại đây, ông Howard trực tiếp kiểm tra thiết bị của từng người trước khi lên xuồng cùng 2 hướng dẫn an toàn của đoàn đi trước để đón chúng tôi trên bức tường.

Lo lắng cho đoàn cũng như các porter lần đầu đi xuyên hang, ông Howard còn yêu cầu ông Adam Spillane, một chuyên gia leo núi người Anh khác, đến Bức tường Việt Nam từ phía cửa sau hang để đón và hỗ trợ đoàn.

trai-nghiem-vuot-buc-tuong-viet-nam-trong-hang-son-doong-1

Du khách trong bộ đồ bảo hộ. Ảnh: Đức Hùng.

Ba người chúng tôi đi thuyền mất khoảng 20 phút đến chân Bức tường Việt Nam. Từng người một leo lên cầu thang inox. Rất khó khăn để chúng tôi leo lên cầu thang vì thuyền nhỏ, chòng chành và rất dễ lật nếu không giữ cân bằng tốt. Lòng sông sâu khoảng 10 m, nước trong vắt và lạnh cóng.

Đoạn thang đầu tiên dài 25 m được làm bằng thép không gỉ bao gồm 10 m ngập trong lòng sông và 15 m gắn vào đá vôi. Thang được cố định ở phía chân và đỉnh thang, có thể tháo ra. Nếu không sợ độ cao và bóng tối, các du khách có thể dễ dàng vượt qua 15 m thang đầu tiên. Hết 15 m thang này, ông Howard đón và lắp dây an toàn vào cho tôi và mọi người gồm cả các porter.

Sau khi leo hết thang, du khách phải tự leo lên khoảng 50 m cho đến đỉnh bức tường, với sự hỗ trợ của dây leo núi được gắn vào các móc khóa bằng thép cố định ở một số điểm. Trong trường hợp khó khăn, ông Adam phía trên sẽ níu và kéo người trèo lên. Có lẽ nhiều người từng thực tập leo núi ở các địa điểm nhân tạo, song trải nghiệm thực sự khi treo mình trên bức tường cao 90 m bằng nhũ đá trơn bóng trong lòng hang tối, khi bạn luôn luôn phải nỗ lực hết mình, bởi hiểm nguy luôn rình rập và không còn chỗ quay đầu, thực là cảm giác không gì sánh được. Đây là đoạn khó và nguy hiểm nhất trong toàn bộ hành trình thám hiểm hang Sơn Đoòng.

trai-nghiem-vuot-buc-tuong-viet-nam-trong-hang-son-doong-2

Du khách vượt Bức tường Việt Nam. Ảnh: Ryan Deboodt.

Tôi leo lên không gặp nhiều khó khăn, nhưng có vài người trong đoàn tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của ông Adam. Hết đoạn dốc 50 m chúng tôi nghỉ và đợi cả đoàn lên tập kết trước khi leo tiếp khoảng 20 m trên đoạn dốc 45 độ. Theo quy định, chỉ từng người một được phép leo bức tường. Người này leo hết mới đến lượt người khác. Đoạn trên cùng nhìn khá dốc, nhưng lại là đoạn dễ leo nhất.

Trải nghiệm thực tế vượt tường, tôi nhận thấy bức tường đá rất rộng lớn, khách thám hiểm hang chỉ đi theo một lối nhỏ không có thạch nhũ. Có trực tiếp thấy các chuyên gia người nước ngoài và đội ngũ porter quan tâm tới bảo vệ môi trường trong hang, tôi mới thấy mình không phải quá lo lắng.

Thoát ra bằng cửa sau của hang Sơn Đoòng

Vượt qua được Bức tường Việt Nam, đoàn chúng tôi tháo đồ bảo hộ và nghỉ ngơi một lúc để lấy lại sức. Chúng tôi ăn một bữa trưa nhẹ, rồi tiếp tục hành trình đi 600 m trong đoạn hang có nhiều bùn lầy để leo lên cửa sau của.

trai-nghiem-vuot-buc-tuong-viet-nam-trong-hang-son-doong-3

Cửa sau của hang. Ảnh: Đức Hùng.

Theo anh Hồ Khanh, người phát hiện ra cửa vào hang Sơn Đoòng năm 1991, thì năm 1992 anh đã tình cờ tìm ra lối ra của hang Sơn Đoòng, nhưng không biết rằng hai cửa này thông với nhau. Năm 2011, khi ông Howard chỉ dẫn vị trí của cửa sau của hang để nhờ anh vào thám hiểm lối này, anh mất rất nhiều thời gian tìm kiếm. Do địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, che khuất, anh chỉ còn cách cửa hang 15 m mà vẫn không nhìn thấy lối vào. Có lẽ cũng bởi vậy nên hang Sơn Đoòng đã được bảo tồn nguyên vẹn trong nhiều năm.

Sau khi thoát ra từ cửa sau của hang, chúng tôi phải leo xuống mất khoảng 1,5 giờ mới tới được chân núi. Đoạn đường này rất nguy hiểm, dốc dựng đứng và đá tai mèo nhọn hoắt. Chính vì thế, dù đã đi ra khỏi hang nhưng ông Howard vẫn yêu cầu chúng tôi phải đội mũ bảo hiểm và luôn luôn tuân thủ các quy tắc an toàn.

Đến dưới chân núi, chúng tôi nghỉ ngơi khoảng 15 phút, tháo mũ bảo hiểm và đi tiếp khoảng 30 phút qua rừng rậm ra ngoài nhánh phía Tây đường Hồ Chí Minh nơi có xe đón đoàn. Ai ai cũng hài lòng và mãn nguyên sau khi vượt qua được tất cả những thử thách trong hành trình thám hiểm hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, nhiều thử thách cả về thể lực và ý chí. Nhưng tôi tin rằng, điều sẽ còn lưu lại rất lâu trong mỗi thành viên đoàn thám hiểm là những hình ảnh và cảm xúc không thể quên về thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp lạ thường của đất nước chúng ta.

Trải nghiệm vượt Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng
 
 

Trải nghiệm vượt Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng

 Du khách chinh phục Bức tường Việt Nam.

Xem tiếp: Hành trình chinh phục Bức tường Việt Nam

Nguồn: Vnexpress.net