Trải nghiệm trên chiếc máy bay vừa xuất xưởng

0
16
Cửa khẩu xuất cảnh rời châu Âu trong tòa nhà giao nhận máy bay của Airbus tại Hamburg, Đức.

Lần đầu tôi ngồi trên chuyến bay cất cánh từ một nhà máy mà không phải sân bay, tiếp viên không mặc đồng phục và hành khách tự phục vụ.

“Đây là chuyến bay mang số hiệu AA 9961, vừa cất cánh rời Hamburg trên hành trình đến Kular Lumpur. Chúng tôi có mì gói, đậu phộng và nước ở sau buồng lái, xin quý khách tự nhiên”. Đó là lời mở đầu của tiếp viên khi chúng tôi bắt đầu hành trình “ferry flight” (chuyến bàn giao máy bay) từ Đức qua Turkmenistan về Kualar Lumpur, Malaysia vào tháng 11. Cô không mặc đồng phục của tiếp viên, những điều cô nói cũng không giống các chuyến bay khác.

Là người từng bay nhiều nhưng đây là lần đầu tôi trải nghiệm “ferry flight”. Do đó, tôi mơ hồ lo sợ về những rủi ro với chiếc máy bay lần đầu xuất xưởng, dù nó đến từ hãng sản xuất máy bay lớn bậc nhất thế giới. Tôi thậm chí lên mạng tìm kiếm cái tên Turkmenistan kèm cụm từ nội chiến, tai nạn máy bay, xung đột vũ trang…

Tuy nhiên, chuyến bay thực tế đã mang đến những điều thú vị mà tôi không ngờ đến. Chúng tôi rời nước Đức không phải từ sân bay quốc tế Hamburg mà là từ nhà máy của Airbus. Sau lễ bàn giao máy bay giữa hai bên, chúng tôi bắt đầu làm thủ tục xuất cảnh và lên máy bay. Cửa khẩu an ninh là một chiếc bàn với 2 nhân viên xuất nhập cảnh, một máy scan hộ chiếu, một máy lấy vân tay và một con dấu. Lần đầu tiên tôi được mời ngồi khi xuất cảnh, dù chỉ mất một phút để hoàn thành việc đóng dấu cho mỗi người.

Cửa khẩu xuất cảnh rời châu Âu trong tòa nhà giao nhận máy bay của Airbus tại Hamburg, Đức.

Cửa khẩu xuất cảnh rời châu Âu trong tòa nhà giao nhận máy bay của Airbus tại Hamburg, Đức.

Cửa kiểm tra an ninh ở cuối hành lang, cách chỗ xuất cảnh một bức tường, gồm một băng chuyền ngắn, máy soi hành lý, cửa kiểm tra cho hành khách. Có khoảng 5 nhân viên giúp chúng tôi hoàn tất các thủ tục an ninh. 

Vừa bước qua cửa phòng để rời toà nhà nơi diễn ra lễ trao máy bay, chúng tôi đã nhìn thấy chiếc máy bay sặc sỡ với màu đỏ đặc trưng của Air Asia. Thậm chí nó còn sơn chữ “3 2 1 take off” (cất cánh). Chưa đầy 30 phút, đoàn 21 người chúng tôi đã có mặt đầy đủ bên trong chiếc máy bay mới.

Thảm trải lối đi trong cabin còn chưa bóc nilon, mùi da mới tràn ngập khoang máy bay. Ghế chưa được bọc hay dán decan, tất cả vẫn một màu đen của da điểm chút đỏ của dây bảo hiểm và miếng kê đầu. Mọi người đi lại ríu rít nói cười, từ phi hành đoàn đến khách mời. Chúng tôi không nói những câu chuyện như mọi khi. Chưa bao giờ tôi thấy không khí thân thiện đến vậy giữa phi hành đoàn và hành khách.

Bếp ăn tập thể trên chiếc máy bay mới.

“Bếp ăn tập thể” trên chiếc máy bay mới.

Việc ăn uống do mọi người tự phục vụ. Khi máy bay cất cánh xong, mỗi người lên tủ bếp sau buồng lái lấy cho mình một chai bia và bắt đầu màn chúc tụng, trò chuyện. Vị trí của tôi là nguyên dãy ghế số 5 và có thể tự chọn chỗ cho mình. Bởi chuyến bay này, chúng tôi không có thẻ lên tàu (boarding pass). Tôi quan sát mọi người và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Hơn 5 tiếng sau, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Ashgabat, Turkmenistan. Tiếng thông báo thắt dây an toàn khiến tôi tỉnh giấc và ngắm vùng đất mình chưa từng đặt chân đến. Khu nhà chính của sân bay điệu đà với những lớp mái cong như cung điện, đèn sáng chưng như đang giữa trung tâm giải trí nào đó. Đài quan sát lại trái ngược hoàn toàn, nó mang vẻ kiên cố, chắc chắn của một tượng đài. Hơn 60 phút đợi tiếp nguyên liệu, tôi ngắm từng chi tiết của sân bay và chợt thấy câu nói từng đọc được của một blogger du lịch nào đó thật đúng: “Turkmenistan là sự pha trộn của Triều Tiên và Las Vegas”.

Máy bay sau đó tiếp tục cất cánh. Quanh tôi râm ran tiếng nói cười. Hàng ghế trước và sau của tôi đều đã có thêm những vị khách đặc biệt, cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay. Có dịp nói chuyện với cơ trưởng – người vừa đổi ca để nghỉ, tôi tranh thủ mang hết thắc mắc của mình ra hỏi, từ việc ông đánh giá như thế nào về chiếc máy bay mới – A321 Neo, đến khi nào ông sẽ bay chuyến tiếp theo. 

Theo đó, ưu điểm vượt trội của nó là tiết kiệm 20% nhiên liệu, 50% tiếng ồn, tối ưu không gian chung. Nhưng hiện nhiều hãng hàng không giá rẻ tận dụng chỗ ngồi. Cơ trưởng này cho rằng nó không quá gây bất tiện cho hành khách nếu bay những chuyến ngắn.

Ông còn kể cho tôi về kỷ niệm trong hơn 30 năm làm nghề, những lần hạ cánh đáng sợ xuống đường băng ven biển, ấn tượng của ông với Cam Ranh của Việt Nam… Mải chuyện trò, tôi sau đó mới nghĩ đến việc ông cần nghỉ ngơi và yên tĩnh. Tôi vờ đi vứt rác và nán lại ở đó. Khi tôi quay về ghế, cả cơ trưởng và cơ phó đã ngủ.

Chúng tôi đều được đánh thức bởi thông báo hạ cánh xuống thủ đô Malaysia. Ai cũng hồ hởi và chọn cho mình chỗ ngồi sát cửa sổ, máy ảnh bật sẵn sàng để săn màn phun nước đón chào. Khi màn phun nước kết thúc và máy bay dừng hẳn, tiếng vỗ tay, hò reo trong cabin liên tục vang lên. Vậy là chúng tôi đã hoàn thành “nhiệm vụ” mang chiếc máy bay mới trị giá gần 130 triệu USD qua hơn 10.000 km về “nhà” của nó. Tôi không còn nhớ mình đã lo lắng như thế nào nữa.

  

Miu Nguyễn

Nguồn: Vnexpress.net