Trải nghiệm một Ninh Thuận thật khác trong 72 giờ

0
8
polyad

Chọn phương tiện là xe lửa, nhóm có dịp trekking núi Chúa và chiêm ngưỡng cánh đồng muối Cà Ná ấn tượng giữa vùng đất đầy nắng gió.

Nhiều năm trước, Ninh Thuận được biết đến là một trong những vùng cát trắng nghèo đầy nắng và gió… Hiện tại, vùng đất này đã thay đổi diện mạo để đón hàng triệu khách quốc tế mỗi năm. Địa phương này đang khai thác bền vững cảnh quan thiên nhiên, những di tích hàng nghìn năm tuổi… mà tạo hóa và lịch sử đã ban tặng.

Đi xe lửa đến trekking Núi Chúa (Ninh Thuận)

Trekking là một hình thức du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã. Loại hình du lịch này đang thu hút nhiều giới trẻ tham gia. Từng đến FansiPan chưa có cáp treo, Bạch Mộc Lương Tử rồi Tà Năng – Phan Dũng, tôi cùng nhóm bạn ở TP HCM đã có dịp trekking núi Chúa ở Ninh Thuận vì sự mới mẻ của vùng đất này.

polyad

Xe lửa là phương tiện di chuyển khi nhóm quyết định đến Phan Rang – Tháp Chàm.

Chúng tôi bắt đầu lên đường vào một buổi tối khi Sài Gòn đang đổ mưa bằng xe lửa. Chỉ riêng chọn đi bằng cách nào cũng khiến cả nhóm tốn khá nhiều thời gian. Cách nào cũng thuận lợi và đầy ưu điểm. Một số người đi trước khuyên nhóm nên di chuyển bằng xe đò giường nằm để “ngủ một giấc nhè nhẹ là tới Phan Rang – Tháp Chàm”. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng đi bằng xe hai bánh, mệt đâu nghỉ đó, chừng vài tiếng là tới nơi bởi quốc lộ 1 đường thông thoáng dễ chạy. Trong khi đó, vài em gái rụt rè thổ lộ “đi máy bay, tới sân bay quốc tế Cam Ranh, đón xe chừng 60 km là tới Phan Rang – Tháp Chàm”.

Là người dịch chuyển nhiều với các loại phương tiện từ xe hai bánh, 4 bánh, xe đò và cả máy bay nhưng chưa lần nào tôi đến Phan Rang bằng xe lửa. Tôi đã có lời đề nghị với nhóm bạn nên thử hình thức di chuyển này. Không ngờ, lời gợi ý này đã được cả nhóm đồng tình hưởng ứng “Lần này nhóm có dịp dập dềnh trên những thanh ray”.

Tôi và cả nhóm đã chọn chuyến tàu lúc 20h30.

Ra khỏi Sài Gòn là xe lửa bắt đầu tăng tốc. Lùi lũi trong bóng đêm. Chỉ sau vài tiếng, tôi nhận ra cánh đồng muối Cà Ná nổi tiếng cả nước của Ninh Thuận đang trong tầm mắt…

Ngày thứ nhất

Cả nhóm xuống tàu ở ga Tháp Chàm vào 4h. Ăn tô cháo gà nóng hổi, nhóm lên xe để kịp đón bình minh ở hang Rái trước khi bắt đầu trekking núi Chúa. Bác tài cười: “Cách Phan Rang 35 cây số là đến hang Rái. Đường bây giờ chạy ngon lắm, 40 phút là tới nhé”. Bác tài nói chẳng sai. Con đường êm như ru… Những vườn nho, đặc sản nổi tiếng của xứ Ninh Thuận loang loáng qua cửa kính. Có nhiều đoạn chạy ven biển, tôi chỉ thấy phía chân biển một vệt xanh mờ mờ…

polyad

Hang Rái gây ấn tượng bởi làn nước biển xanh trong cùng những vách đá lô nhô.

Khi đến Trung tâm Bảo tồn núi Chúa cũng là lúc màu xanh trời đậm nét hơn. Leo một đoạn dốc 300 mét, chúng tôi đã nhìn thấy biển và những vách đá lô nhô. Mặt trời vẫn chưa lên, cả nhóm nghỉ chân đợi bình minh đang dần ló rạng… Chưa bao giờ tôi thấy cảnh biển đẹp như vậy. Những tia nắng đầu ngày chiếu vào vách đá, tạo nên nhiều quầng sáng lung linh khi có đợt sóng kéo vào.

8h, chuyến khám phá bắt đầu. Từ chân núi Chúa, nhóm bắt đầu leo bằng những bậc thang được xây bằng đá có chiều dài chừng 6km. Không “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” như nhiều lần trekking trước đây, núi Chúa thoai thoải… mà lên. Chừng 17h, chúng tôi đã thấy lạnh và dựng trại ở độ cao 800 mét.

Ngày thứ hai

8 giờ sáng, cả nhóm lên đỉnh núi Chúa. Nhân viên khu bảo tồn chỉ vào những cây cổ thụ cách chừng 300m đang lao xao: “Đó là voọc”. Chừng 11h, nhóm đã tới đỉnh Cô Tuy cao 1.040m. Đây là đỉnh cao nhất của núi Chúa. Sau khi chụp những tấm hình kỷ niệm, chúng tôi ngắm đã mắt cảnh sắc và xuống núi.

19h, thành viên cuối cùng về tới chỗ đón. Ai cũng vui vì hoàn thành chuyến trekking ở một địa danh đầy mới mẻ.

Nếu đủ sức, bạn hãy thử một lần trekking núi Chúa nhé!

Vòng quanh một Phan Rang – Tháp Chàm thật mới

Ngày thứ 3

Phan Rang – Tháp Chàm đón chúng tôi bằng cái nắng thật dịu. Tôi chợt nhớ, gần 20 năm trước, làng biển Tri Thủy (Ninh Chữ) nơi tôi sinh ra, nghèo như bao làng biển miền Trung với những chiếc ghe nhàu nát, từng ô ruộng muối nhỏ xíu. Từ Phan Rang về biển Ninh Chữ gập ghềnh cát trắng, có những đoạn chạy ngang qua ruộng lúa… chỉ cần yếu tay lái là bạn có thể lọt xuống ruộng.

Còn bây giờ, Phan Rang đã khác. Quốc lộ 1 đã được nắn thành con đường tránh bên ngoài thành phố Phan Rang (nâng cấp năm 2007). Những khu phố mới mọc lên. Con đường xưa từ Phan Rang về biển Ninh Chữ đã xây mới, 6 làn xe. Dọc biển, những quần thể nghỉ dưỡng dành cho khách du lịch đã giăng kín. Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Crystal Bay và các đối tác động thổ tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với 3 tòa tháp: Lazurya, Nuvensa và Crystal Holidays 3.300 phòng tại trung tâm Công viên biển Bình Sơn.

Quy mô là thế, dự án tổ hợp chẳng màng nỗi lo công suất buồng phòng. SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tương lai sẽ nhộn nhịp bởi dòng khách quốc tế lớn sẵn có của Tập đoàn Crystal Bay. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư và phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam, với thế mạnh đặc biệt về hoạt động lữ hành và hệ sinh thái du lịch.

Tôi được biết, năm 2018, Crystal Bay đã đưa 60% khách Nga tới Việt Nam, sử dụng 4,3 triệu phòng một đêm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc. SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ hút dòng khách lớn tới Ninh Thuận, trở thành động lực mới thúc đẩy du lịch nơi đây đột phá, mở ra một xu hướng đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm mới tại Việt Nam.

polyad

Tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với 3 tòa tháp sẽ trở thành điểm đến đầy thú vị cho du khách.

Trước một Phan Rang – Tháp Chàm “thay da đổi thịt”, buổi chiều, cả nhóm rủ lên tháp cổ Poklong Garai. Con đường lên ga Tháp Chàm giờ đã trải nhựa phẳng lỳ. Leo khoảng 1.000 bậc thang, cả nhóm trầm lắng cảm nhận hồn cốt của di tích. Mưa nắng làm tháp cổ phai theo thời gian nhưng là “báu vật văn hóa” của mảnh đất này, nên Poklong Garai được chăm chút. Đến Ninh Thuận mà không ghé thăm tháp cổ Poklong Garai, hẳn là thiếu sót quá lớn.

Trời ngả về chiều. Cả nhóm quay trở lại thành phố, sắp xếp đồ để còn lên lại ga Tháp Chàm. Dù chọn chuyến đi 20h, nhưng các thành viên vẫn kịp dùng một bữa cơm gà luộc và kho theo vị miền Trung, ăn mà không biết ngán…

Tôi có một số lưu ý cho những bạn lần đầu đi Ninh Thuận. Ngoài xe lửa, bạn có thể đi theo nhều cách khác đền Ninh Thuận. Nếu đi xe hơi, xe máy, Sài Gòn – Phan Rang Tháp Chàm chỉ 350km; từ Vũng Tàu qua nơi đây sẽ là 300km. Trên đường đi, bạn nhớ ghé Cà Ná ăn hải sản. Từ Đà Lạt, bạn đi theo quốc lộ 27, qua Dran, đèo Ngoạn Mục (hay còn gọi là đèo Sông Pha), rồi thung lũng Ninh Sơn là tới Phan Rang, chừng 120km. Từ Sài Gòn ra Phan Rang – Tháp Chàm bằng máy bay, bạn sẽ tới sân bay quốc tế Cam Ranh, sau đó đón xe đi ngược lại chừng 60km.

Tiến Dũng

Nguồn: Vnexpress.net