Đến hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang), ai cũng tranh cãi đâu là thời điểm hồ đẹp nhất. Người thích buổi sáng mặt hồ phẳng lặng, kẻ thích chiều tà hoa bay lả tả. Lại có người khoái lúc về đêm, chèo thuyền độc mộc câu cá dưới ngàn sao.
Buổi sáng, Cấm Sơn trong xanh y tạc vịnh Hạ Long thu nhỏ. Càng đi càng thấy những hòn đảo nhỏ và không gian ba chiều cứ ngồn ngộn trước tầm mắt. Đây một hòn đảo cây lá xanh rì, kia những quả đồi nối tiếp quả đồi mây trôi lãng bãng. Đến rồi ai có thể quên những núi Ba Hòn, núi Kỉn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng hay làng Mấn, làng Đồng Mậm, đảo Lăn Lóc…
Diện tích mặt hồ lên tới 3.000 ha và dài khoảng 25 km, nơi rộng nhất 7 km, nhưng nơi hẹp nhất chỉ vài chục mét. Sáng sớm trên hồ Cấm Sơn hồ yên bình lắm. Từ trên cao nhìn xuống trông nó như một tấm gương phẳng lặng.
Du thuyền trên mặt hồ, hơi nước thanh khiết phảng phất khiến du khách có cảm giác thật sảng khoái. Nhiều người muốn dậy thật sớm hít thở trong bầu không khí của sông nước, núi rừng ấy và vui lây với sự hối hả của dân bản í ới gọi nhau đi chợ phiên.
Nếu đến đây vào mùa vải, bạn sẽ thấy những người đàn ông, đàn bà gánh vải trên những quả đồi nhấp nhô xuống thuyền. Chỉ cần đứng từ xa thôi sẽ thấy màu đỏ bạt ngàn trên những quả đồi. Những chiếc thuyền nan, thuyền mát chở quả trĩu nặng hối hả đi bán. Họ như có một cuộc chạy đua âm thầm với bình minh để giữ cái màu quả tươi đẹp nhất. Buổi sáng ở Cấm Sơn đẹp hơn với cuộc sống đời thường ấy.
Bóng chiều tà có một không hai còn sót lại trên bản Đồng Mậm, hồ Cấm Sơn. |
Nhưng rồi có những người lại yêu, thậm chí bị ám ảnh chỉ có chiều hoàng hôn trên hồ Cấm Sơn là đẹp nhất. Bởi lẽ xung quanh hồ bao phủ bởi những quả đồi dãy núi, đan xen như mạng nhện. Vậy là tùy thời điểm hoàng hôn khuất bóng mà nơi nọ, điểm kia sẽ được chiếu sáng. Người tinh ý có thể nhận ra và thưởng thức những bức tranh thủy mặc hiếm thấy này.
Cả một “vịnh Hạ Long” thu nhỏ đang dần bị lấn chiếm bởi màn đêm nhưng nơi đó ráng chiều vẫn rơi rớt lại một khoảng mà ta cảm tưởng có thể giơ lòng bàn tay ôm chặt. Ráng chiều đổ sau chiếc thuyền độc mộc, nhuộm cây rừng thành màu vàng sắc đỏ. Một ngôi nhà lưng chừng đồi nửa sáng, nửa tối và đằng sau chiếc thuyền sáng bừng, còn phía trước cũng là bóng tối.
Đây là thời điểm nước mặt hồ dâng cao, một số nơi bị chia cắt thành đảo nhỏ. |
Nhưng đó chưa phải đã hết vẻ đẹp của buổi chiều. Bạn hãy xuôi thuyền từ nơi mênh mông vào nơi hẹp nhất. Cây cổ cụ thẳng đứng hai bên, lau sậy lờn vờn mặt nước. Màu nước xanh rợn người nhưng lại cảm giác như đang được ngồi trên tầng mây, bởi lẽ hơi nước đã bắt đầu bốc lên.
Đang say sưa với cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, một cơn gió mạnh đi qua và rồi cây rừng xào xạc. Bạn có tin được không lá vàng bay phấp phới và không biết tự lúc nào hoa rừng chạm nhẹ bờ vai, bồng bềnh trên mặt nước. Cây cỏ thấy chiều đẹp nên tự ý họa thơ và từng đàn cá nhỏ dưới nước cũng nhảy lên đệm nhạc. Một lần trải qua ai cũng say buổi chiều ấy.
Nhưng tôi vẫn không quên được màn đêm trên mặt hồ. Ở Cấm Sơn nhiều nơi còn không có điện nên tuyệt nhiên ngồi thuyền nan lướt nhẹ trên sông sẽ có cảm giác trinh nguyên mình ta với mây trời lồng lộng.
Cấm Sơn nhiều nơi sâu đến cả trăm mét, ngồi thuyền nan chòng chàng mà không hề có cảm giác run sợ, bởi cái đẹp đã chiếm thế thượng phong nỗi sợ rồi. Trời đêm muôn ngàn vì tinh tú, ánh trăng rằm thanh mát đêm khuya. Đôi lúc trăng bị che khuất bởi một đảo nhỏ hay chỉ một nhành cây và người lữ khách lại có cảm giác hồi hộp nhìn trăng mà ngỡ gặp người yêu thuở đầu.
Bầu trời đẹp thế nhưng mặt nước cũng không kém phần thơ mộng. Người cục mịch sẽ bảo đêm tối thấy gì mà đẹp nhưng không phải. Nếu có dịp ngồi thuyền nan dạo đêm trong lòng hồ, bạn hãy thử đặt lòng bàn tay trên mặt nước. Đúng rồi, hơi sương như những tăm nhỏ chạm vào làn da, khua nhẹ mặt nước thấy mình như được tẩy rửa bụi trần.
Bạn hãy thử nhắm mắt vào và khi mở ra nhờ ánh đèn pin chiếu rọi phía sau mà nhìn thấy trên mặt hồ là sương phủ dày đặc không ngừng bốc lên hơi ấm. Lúc này ai cũng chung một cảm giác thôi là có thể thò tay bốc được.
Hồ Cấm Sơn sâu có những đoạn tới cả trăm mét. |
Đột nhiên bạn nghe được âm thanh cao vút của núi rừng: “Núi (ơ) núi, thuyền (ơ) thuyền, mây (ơ) mây, nước (ơ) nước/ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc…” thì lại càng chỉ muốn hồ đêm cứ ngân dài, ngân dài mãi.
Nhưng rồi thả hồn mãi sao được khi bên triền đồi ngọn đèn le lói vẫn đang đợi. Con cá to đang giãy trong lòng thuyền và đĩa gà đồi, chén rượu nóng vẫn đang chờ người lữ khách….
Bài và ảnh: Phan Dương
Nguồn: Vnexpress.net