Biến đổi khí hậu dẫn đến việc nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia như Maldives, Tuvalu… Những nơi này có nguy cơ bị xóa sổ nếu mực nước biển dâng cao.
Maldives là quốc đảo nổi tiếng với giới xê dịch toàn cầu vì quang cảnh tuyệt đẹp cùng những resort ấn tượng. Tuy nhiên, trong tương lai, du khách có lẽ sẽ không còn được đặt chân tới đây nữa. Điểm cao nhất ở Maldives chỉ cách mặt nước biển khoảng 2,5 m. Với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, Maldives sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nếu nước biển tiếp tục dâng. Ảnh: Getty.
Giới khoa học tính toán mực nước biển đã tăng 20 cm trong thế kỷ 20 và điều này không phải tin vui với gần 400.000 người dân ở quốc đảo Maldives. Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra Maldives có thể biến mất dần từ năm 2030 đến hết thế kỷ 21. Người dân trên các đảo buộc phải di cư để tránh thảm họa. Ảnh: Getty.
Tuvalu thuộc châu Đại Dương không được biết đến nhiều như Maldives. Tuy nhiên, đây cũng là một “thiên đường nơi hạ giới” với những bãi cát trắng trải dài cùng nhiều đảo san hô. Quốc đảo này đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ nhất thế giới. Điểm cao nhất của Tuvalu chỉ cao 5 m so với mực nước biển, khiến quốc đảo này chịu tổn thương nặng nề vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Guardian.
Chính phủ Tuvalu nói mực nước biển gần quốc gia này tăng lên 5 mm/năm kể từ năm 1993, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Hạn hán, axit hóa đại dương và những vấn đề rác thải cũng khiến chính quyền đau đầu giải quyết. Nhiều vùng đất ở Tuvalu đang chịu hiện tượng xói mòn do nước biển dâng. Chính phủ khuyến khích người dân ở lại nhưng nhiều người trẻ đã chọn cách ra đi. Ảnh: Guardian.
Kiribati là quốc đảo sở hữu khí hậu nhiệt đới, nằm ở vùng trung tâm Thái Bình Dương. Điểm cao nhất ở đây cũng không quá 2 m so với mực nước biển nên quốc đảo này là nơi dễ bị tổn thương bậc nhất do biến đổi khí hậu. Chuyện người dân Kiribati phải đi tị nạn cũng không còn quá hiếm gặp. Các thống kê chỉ ra cứ 7 đợt di dân ở Kiribati lại có một lần do biến đổi khí hậu. Người dân tới các nước khác làm việc (chủ yếu là New Zealand và Australia) gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới. Ảnh: Life After Carbon.
Đảo quốc Nauru nằm ở Nam Thái Bình Dương với diện tích khoảng 21 km2 và dân số hơn 10.000 người. Đây là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, không thu hút được nhiều khách tham quan. Theo thống kê, họ chỉ đón khoảng 160 du khách/năm. Ảnh: Getty.
Quốc đảo này đã bị khai thác quá nhiều trong quá khứ khiến phần lớn diện tích đất liền không còn phù hợp cho con người sinh sống. Người dân Nauru chủ yếu sống dọc bờ biển, nơi đang biến mất từng ngày vì biến đổi khí hậu làm tan băng. Ảnh: Anibare.
Palau nằm ở phía tây Thái Bình Dương, được tạo thành từ hơn 300 hòn đảo và sở hữu hệ sinh thái đa dạng. Đến Palau, du khách có thể tìm thấy những đảo san hô, đá vôi hay hồ sứa kỳ lạ. Du lịch là nguồn thu chính của quốc gia với hơn 21.000 dân này. Dù vậy, Palau đang chịu ảnh hưởng từng ngày vì sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng cao khiến các rạn san hô bị phá hủy nhanh, đất xói mòn. Ảnh: Swaraja.
Ngoài việc nâng cao ý thức người dân, chính quyền Palau yêu cầu khách du lịch cũng cần bảo vệ quốc đảo này. Trước khi đến đảo, bạn phải cam kết “đi lại nhẹ nhàng, hành động lịch sự và khám phá thân thiện”. Sáng kiến nhận được sự đồng tình lớn từ người dân và du khách. Họ hi vọng quy định này sẽ giúp thay đổi thái độ của khách du lịch về giữ gìn giá trị thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái của Palau. Ảnh: Pinterest.