Từ Venice (Italy), Paris (Pháp) đến Bangkok (Thái Lan), Hà Nội (Việt Nam)…, những con phố đông đúc thường ngày trở nên vắng vẻ vì Covid-19.
Covid-19 lây lan, hàng loạt thành phố và thị trấn trên thế giới đang bị phong tỏa, hàng nghìn đường bay tạm ngừng hoạt động và những sự kiện được lên kế hoạch trong nhiều năm cũng phải hủy bỏ hoặc sắp xếp lại. “Tránh tất cả những chuyến du lịch không cần thiết” dường như là lời khuyên chung với du khách hiện nay. Do đó, dịch bệnh khiến ngành du lịch toàn cầu đình trệ.
Trên ảnh là một nhà hàng gần như trống không trên bãi biển Ao Nang, Krabi, Thái Lan. Lượng khách Trung Quốc đến đây đã sụt giảm mạnh từ khi Covid-19 bùng phát cuối tháng 12/2019. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự đoán năm nay quốc gia này có thể mất 6 triệu lượt khách quốc tế, còn 33,8 triệu lượt, thấp nhấp trong bốn năm qua. Ảnh: Nicolas Asfouri.
Khung cảnh tương tự diễn ra tại một nhà hàng trên đường Yaowarat, trong phố người Hoa tại Bangkok, Thái Lan. Điểm ăn chơi về đêm đông khách bậc nhất thủ đô xứ chùa vàng vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đến nay, Thái Lan có 43 ca nhiễm nCoV và một ca tử vong đầu tiên vào 2/3. Chính phủ nước này khuyến cáo công dân không du lịch nước ngoài, yêu cầu các hãng hàng không ngừng quảng cáo vé máy bay giá rẻ. Ảnh: Mladen Antonov.
Một khách nước ngoài đeo khẩu trang ngừa bệnh khi ngồi xích lô trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Việt Nam cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng khách du lịch quốc tế. Việt Nam có 16 ca nhiễm bệnh song đã bình phục hoàn toàn. Ảnh: Manan Vatsyayana.
Khách du lịch thưa thớt rất nhiều so với thường ngày trên một bãi biển tại Boracay, Philippines. Người dân lo ngại tác động của Covid-19 đến ngành du lịch của địa phương nặng nề hơn cả thời gian Boracay đóng cửa vào năm 2018, vì lý do môi trường. Ảnh: Bloomberg.
Khách du lịch trong cung Gyeongbokgung tại Seoul, Hàn Quốc. Với 4.812 trường hợp nhiễm virus và 34 người tử vong, xứ sở kim chi là nước thiệt hại nặng nề nhất ngoài Trung Quốc. Ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban lệnh hạn chế nhập cảnh và tăng cường giám sát y tế với khách đến từ Hàn Quốc. Ảnh: Ed Jones.
Khách tham quan chùa cổ Kinkakuji, Kyoto, Nhật Bản. Rất nhiều khách du lịch và công ty lữ hành Trung Quốc đã hủy tour Nhật Bản từ đầu năm nay.. Đến 3/3, đất nước mặt trời mọc ghi nhận 980 trường hợp nhiễm nCoV, gồm cả 706 ca từ du thuyền Diamond Princess; ít nhất 12 người tử vong. Ảnh: Nicolas Datiche.
Nơi khách xếp hàng vào bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp ngày 1/3. Bảo tàng đông khách nhất thế giới phải đóng cửa do nhân viên lo ngại lây nhiễm virus. Hiện Pháp xác định hơn 191 ca nhiễm nCoV tại hơn 10 vùng và 1 người tử vong. Chính phủ nước này cấm mọi hoạt động tụ họp hơn 5.000 người trong nhà. Ảnh: Rafael Yaghobzadeh/AP.
Quảng trường phía trước nhà thờ Duomo tại Milan, Italy vắng vẻ. Milan không bị phong tỏa song nhiều điểm tham quan như nhà thờ này đã đóng cửa. Milan nằm ở Lombardy, một trong những tâm dịch của đất nước hình chiếc ủng. Ảnh: Bloomberg.
Khách tham quan đứng trước cánh cổng đóng kín của nhà thờ Duomo. Hiện Italy có 2.036 ca nhiễm và 52 người tử vong vì nCoV. Nhiều hãng hàng không đã tạm dừng chuyến bay đến nước này do lo ngại nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Bloomberg.
Khách du lịch đeo khẩu trang khi đi bộ trong trung tâm thương mại Galleria Vittorio Emanuele II ở Milan. Thành phố này là một trong những trung tâm thời trang lớn của thế giới, nơi tổ chức Tuần lễ thời trang vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, bộ sưu tập xuân hè 2020 của Giorgio Armani đã hé lộ trong một không gian riêng tư và phát trực tiếp, thay vì mời đông đảo khách như thông thường. Ảnh: Miguel Medina.
Quảng trường Colosseum tại Rome khá vắng khách. Khác với phần lớn thành phố khác, Rome chưa bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: Andreas Solaro.
Bảo Ngọc (Theo Conde Nast Traveler India)
Nguồn: Vnexpress.net