Đi bộ qua 29 tỉnh thành, thầy Tuấn Anh cùng hai học trò vận động người dân tập luyện thể dục thể thao và nhặt rác bảo vệ môi trường.
Là thạc sỹ giáo dục thể chất và huấn luyện viên dinh dưỡng Yoga, Nguyễn Thanh Tuấn Anh (29 tuổi, quê Bến Tre) luôn khao khát rèn luyện bản thân, học hỏi và giúp đỡ cộng đồng. Ngày 24/6, anh quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt, với sự đồng hành của 2 học trò tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Hành trình được chia thành 2 chặng: đi bộ 1.800 km từ TP HCM tới Hà Nội và đạp xe đạp từ Hà Nội lên Sa Pa, chinh phục đỉnh Fansipan.
Hành trình 50 ngày xuyên Việt
Từ phải qua, anh Tuấn Anh và 2 học trò Nguyễn Hùng Anh (20 tuổi, Bình Thuận), Nguyễn Công Trình (21 tuổi, Nam Định) trong chuyến đi bộ xuyên Việt. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn Anh. |
Mỗi ngày, 3 thành viên đi bộ trung bình 40 km. Ngày đạt quãng đường dài nhất là 100 km khi qua Nghệ An và Thanh Hóa. Theo anh Tuấn Anh, thử thách lớn nhất với các thành viên là điều kiện thời tiết. Cả nhóm đã đi bộ đường dài giữa cái nắng của tháng 6. Đôi lúc, trời đang nắng gắt bỗng mưa to, giông bão.
Khi cả nhóm chinh phục nóc nhà Đông Dương là lúc cơn bão số 4 đổ bộ vào miền Bắc. Trên cung đường leo núi từ cổng Cát Cát lên đỉnh Fansipan, nước lũ chảy xiết dưới chân, đường dốc trơn trượt. Có những lúc nhiệt độ giảm còn 4 – 7 độ C.
Tuy nhiên, các thành viên chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, thậm chí còn cán đích sớm hơn một ngày so với dự định. “Trong hành trình, cả nhóm đã áp dụng cách luôn suy nghĩ tích cực và không nói bất kỳ một từ tiêu cực nào. Chẳng hạn khi thấy trời đang nắng mà đổ mưa, thì phải suy nghĩ rằng mình sẽ khỏe mạnh. Ý chí cần thiết nhưng không đủ, quan trọng là cách mình sắp đặt suy nghĩ”, anh nói.
Trước chuyến đi, cả nhóm đã có thời gian 1,5 tháng để tập luyện về dinh dưỡng, yoga, đi bộ đường dài và các kỹ năng tự vệ, sinh tồn. Mỗi sáng, 3 thầy trò thức dậy vào lúc 5 giờ, tập luyện với những bài tập có độ khó tăng dần. Trước khi ấn định ngày khởi hành, cả nhóm đã khởi động bằng hành trình đi bộ một ngày từ TP HCM tới thành phố Bến Tre, với quãng đường khoảng 100 km.
Xuyên suốt hành trình, nhóm vẫn giữ nguyên kỷ luật, thức dậy từ sớm và tập luyện. Anh Tuấn Anh cho biết, để giữ sức khỏe, các thành viên phải tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn, uống nhiều nước hơn bình thường, mỗi ngày trung bình khoảng 3 – 5 lít nước có pha điện giải.
Kẻ ăn mày giàu có
Trước khi lên đường, cả nhóm đã liên hệ trước với một số trung tâm, hội nhóm thể thao, yoga tại các tỉnh. Lúc xuất phát, mỗi người mang theo 500.000 đồng. Suốt hành trình, có 80% số ngày các thành viên ngủ tại nhà dân và 20% còn lại ở các địa điểm rèn luyện.
“Tôi thường đùa rằng mình là kẻ ăn mày giàu có. Khi đi tới địa phương nào thì ở đó cũng có nhiều người dân yêu thương và giúp đỡ chúng tôi, từ bữa ăn tới nơi ngủ an toàn. Có nhiều người dù mới gặp lần đầu, đã tin tưởng cho chúng tôi ở trong nhà của họ và đối xử thân thiết như gia đình. Sau khi chia tay, đến nay người dân vẫn liên lạc thăm hỏi”, anh Tuấn Anh kể.
Một trong những kỷ niệm anh nhớ nhất là tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), một chú thương binh ngỏ ý mời nước và tặng nhóm 500.000 đồng làm lộ phí. Họ từ chối và chỉ mang theo 3 chai nước. “Chú ôm chặt và hỏi han, điều đó càng làm chúng tôi xúc động”, thầy giáo nói.
Hay một lần khác khi cả nhóm đi qua một khu chợ ở Khánh Hòa. Vì nhiệt độ lên tới gần 40 độ C, 3 thầy trò quyết định dừng mua một nải chuối bổ sung dinh dưỡng. Lúc này, nhiều người trong chợ tới hỏi thăm. Sau khi nghe chia sẻ về mục đích kêu gọi bảo vệ môi trường của hành trình, họ ủng hộ và tặng nhiều thứ từ bánh mì, hoa quả, đến nước uống.
Theo anh Tuấn Anh, điều may mắn nhất của cả nhóm là gặp được những người giàu lòng yêu thương. Trong đó có anh Đoàn Hồng, một nhiếp ảnh gia nhóm gặp tại Quảng Trị. Ngày nhóm đi bộ xuyên đêm ra Hà Nội, anh Hồng đã chờ đợi tới 3 giờ sáng, để chụp cho họ những bức hình đầu tiên tại thủ đô. Tại đây, anh Hồng kết nối nhóm với nhiều người khác. Đặc biệt, những chiếc xe đạp thể thao trên đường chinh phục Sa Pa cũng được mượn từ một người bạn của anh.
Bên cạnh câu chuyện ấm áp về tình người, điều anh Tuấn Anh ấn tượng trong hành trình là cảnh đẹp Việt Nam. Anh cho biết mình bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của phá Tam Giang, Thừa Thiên – Huế trong cảnh hoàng hôn. “Ngay lúc ấy, tôi phải la lớn ‘tôi yêu Việt Nam’, mặc kệ xung quanh có nhiều người nhìn”, Tuấn Anh nói. Ngoài ra, anh cũng yêu thích cảnh ở đèo Cả và đèo Hải Vân.
Hành trình của cuộc đời tỏa sáng
Chuyến đi xuyên Việt được Tuấn Anh gọi tên là “Hành trình của cuộc đời tỏa sáng”, nhằm rèn luyện chính bản thân mình, kết nối và giúp đỡ cộng đồng xung quanh. “Một ngọn đèn nhỏ chỉ có thể soi cho riêng mình. Tuy nhiên khi mình là cây đèn lớn hơn, mình có thể lan tỏa điều tốt đẹp tới cho nhiều người”, anh nói.
Trong hành trình tập luyện và đi bộ xuyên Việt, cả đội cùng các trung tâm thể dục thể thao địa phương vận động người dân ở các tỉnh thành hạn chế đồ nhựa, nhặt và phân loại rác thải. Ở bãi biển Nha Trang và Đà Nẵng, hơn 30 người đã tham gia với nhóm. Tại thành phố Vinh, Nghệ An, con số này là hơn 40 người và ở Hà Nội là 50.
Nhóm cùng người dân thành phố Vinh nhặt rác thải bên bờ sông Lam. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn Anh. |
“Không ai có thể nhặt hết rác trong môi trường nhưng mỗi người đều có thể hạn chế xả rác, giúp khu mình sống sạch đẹp, khi có dịp đi xa thì góp phần đưa rác về đúng nơi của nó”, anh nói.
Không kêu gọi quyên góp nhưng trong chuyến đi, cả nhóm đã được nhiều người dân, bạn bè đồng nghiệp và chủ doanh nghiệp hỗ trợ chi phí lên tới 40 triệu đồng. Số tiền này được anh Tuấn Anh và hai học trò trao tặng cho quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức – nơi anh từng công tác và giảng dạy.
Lan Hương
Nguồn: Vnexpress.net