“Đừng cất tiếng” là tên một bài thơ in trong tập “Thanh âm” của Tạ Anh Thư vừa mới xuất bản. Bài thơ gợi lên những thanh âm trong tĩnh lặng của thế giới và lòng người.
Đừng cất tiếng
Trăng vừa vào cửa
ửng như quả chín mùa thu.
***
Đừng cất tiếng
Bầy chim vừa xếp cánh bay
Mắt khép tổ rơm gác cũ.
***
Đừng cất tiếng
Câu ru hãy còn ngân
Trên bầu vú.
***
Nếp áo lên men từ cơn gió trước
Chiều nay thoảng hương bần thần
Người
vừa nghỉ ngơi đôi chân.
***
Đừng cất tiếng.
Tập thơ Thanh âm của Tạ Anh Thư. Ảnh: FBNV.
Lời bình
Bài thơ Đừng cất tiếng trong từng khổ – đoạn đã mang dáng dấp, tinh thần của một bài Haiku. Sự chuyển động tĩnh lặng của thời gian trong trái chín, cái khép mắt nôn nao của cánh chim rời tổ; tiếng ru còn ngân trên bầu vú, men say của cuộc lữ hành bất chợt ngơ ngác lúc dừng chân… cho ta niềm u tịch cổ xưa.
Thể thơ là một thứ khuôn khổ mà các nhà thơ tiền phong luôn nuôi ý định vượt qua. Vượt qua hình thức của thể (ví như: Lục bát, Haiku…) để tạo nên đời sống của thể loại (Thơ) chính là con đường cách tân đầy vương giả. Chỉ giữ lấy thơ như là dưỡng chất của thể loại và thách thức tính cứng nhắc của thể là một khoái cảm đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Chắc là Tạ Anh Thư đã nghĩ đến điều đó khi gợi lên không khí Haiku mà vượt thoát hình hài Haiku.
Đừng cất tiếng không phải là sự câm lặng, mà để lắng nghe thanh âm từ tịch lặng. Nhặt lên từng khoảnh khắc, xâu chuỗi nên tứ thơ, kết thành một cấu trúc khép kín, bài thơ giữ người đọc trong không gian tách biệt với thế giới ồn ào, mỏi mệt ngoài kia. Đọc bài thơ, với ta, có thể là một cách tự dưỡng vậy!
Nguồn: News.zing.vn