Taxi ở Nhật Bản

0
18
photo-JPG-6350-1403930704.jpg

Cước taxi ở Nhật Bản khá cao nhưng có thể khiến mọi khách đi xe hài lòng.

photo-JPG-6350-1403930704.jpg

Một chiếc xe taxi ở đường phố Nhật Bản. Ảnh: Ngọc Diệp.

Nhật Bản là nước có cước phí taxi đắt nhất châu Á. Giá tại các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Nagoya, Hiroshima hay Nagasaki tương đối đồng đều, khoảng 500-600 yen/km (tương đương 105.000-115.000 VND), gần gấp hai lần so với New Zealand và gấp 7 lần so với New Delhi, Ấn Độ. Thế nhưng, chất lượng dịch vụ mà khách đi taxi được hưởng có thể nói là xứng đáng.

Ưu điểm của taxi ở Nhật là thái độ phục vụ khách. Tài xế ở đây thường mặc áo sơ mi trắng hoặc xanh dương, sơ vin phẳng phiu, tay đeo găng; luôn tỏ thái độ lịch sự như cúi chào, vận chuyển hành lý giúp khách, không cầm tiền trực tiếp mà sử dụng khay đựng tiền.

Ở Nhật, tài xế là người hỏi khách lộ trình đi và tính nhẩm số tiền cước đi xe. Họ sẽ khuyên khách đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm nếu cần thiết. Trong nhiều trường hợp, họ không đi đường dài mà chở khách đến ga tàu điện ngầm, hướng dẫn khách vào quầy hỏi thông tin để di chuyển bằng phương tiện này thay vì đi taxi.

Khi màn hình tính cước hiển thị số tiền chẵn, chẳng hạn như 1.000-2.000 yên, tài xế sẽ tự ngắt đồng hồ để không tính thêm tiền, dù vẫn còn khoảng hơn một trăm mét mới đến nơi. Phần lớn khách đi taxi thường bỏ qua tiền thừa nếu số tiền nhỏ, hoặc lái xe cố tình lờ đi để không phải trả lại khách. Chuyện này sẽ không bao giờ có ở Nhật, khi tài xế nhất định trả lại tiền thừa cho khách bằng mọi cách.

Người Nhật nguyên tắc và tuân thủ luật pháp trong việc chở khách bằng taxi. Không ai có thể thuyết phục được tài xế chở quá số người theo quy định. Nếu đã đủ 4 người trên một xe, người còn lại sẽ phải đi xe khác.

Ở Nhật, chỉ cần biết lái xe, hiểu đường phố và có đủ sức khỏe thì người tàn tật vẫn có thể lái taxi. Với kinh nghiệm đi đến nhiều trung tâm và thành phố du lịch lớn của Nhật, tôi từng gặp nhiều tài xế chỉ cao khoảng 1,5 m, thậm chí chân hơi khoèo, đi lại khó khăn. Họ từ chối sự giúp đỡ của tôi và lịch sự thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hành lý. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy lái xe taxi nào bị khoèo chân cả.

Trong một số lần đi taxi, không biết có phải may mắn không, nhưng tôi gặp được khá nhiều tài xế thích nói chuyện với tôi. Họ hỏi tôi đi đâu, đến Nhật làm gì và gợi ý một số địa điểm du lịch nổi tiếng mà tôi nên đến. Cũng có khi họ chia sẻ thông tin về địa điểm nào cần đặt trước, dự kiến số tiền bao nhiêu hay địa điểm nào đẹp.

Ngồi trên dưới 40 chiếc taxi ở nhiều địa điểm khác nhau, tôi mới gặp tài xế ở Kyoto và Hiroshima nói được chút ít tiếng Anh. Khi ngồi trên xe với tài xế với người không biết tiếng Anh, người đi thường sử dụng đến những bức ảnh và địa chỉ cần đến. Việc đi lại không vì thế mà bị ảnh hưởng nhiều.

Taxi ở Nhật có rất nhiều điểm cộng, nhưng không biết nhiều về đường phố là điểm yếu cần cải thiện của tài xế. Trong nhiều trường hợp, khi đến nơi tôi mới biết địa điểm cần đến chỉ cách điểm đỗ xe hơn một km, trong khi lái xe phải đi lòng vòng hoặc gọi về tổng đài hỏi rất lâu để hỏi đường.

Tuy nhiên, nếu phát hiện đi nhầm đường, họ sẽ chỉnh lại đồng hồ tính cước về 0 hoặc giảm cước để khách không chịu thiệt. Tính cách tuyệt vời của người Nhật được thể hiện trong những tình huống không ngờ đến.

Các hãng taxi ở Nhật như Toyota Prius, Toyota Crown, Toyota Comfort, Toyota Crown Sedan, Nissan thường rất đẹp và sang trọng. Nhật Bản không quy định về kiểu dáng và màu sắc xe, nên taxi ở Tokyo cũng như nhiều thành phố du lịch lớn thường đa màu, từ đỏ, hồng, xanh lá cây, đen. Riêng ở Osaka, taxi có màu đen chủ yếu.

Ngọc Diệp

Nguồn: Vnexpress.net