Dường như những gì người Tana Toraja (Indonesia) làm đều là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc sống khác sẽ bắt đầu khi kết thúc kiếp hiện sinh.
Nghi lễ quan trọng nhất của cộng đồng người Tana Toraja, đảo Sulawesi, được coi như bữa đại tiệc táng. Theo lẽ thường, mỗi một người trong cộng đồng ở Rantepao chết đi được tổ chức đám ma 2 lần. Đám ma lần đầu được thực hiện ngay sau khi chết. Đám ma lần thứ hai thường được tổ chức vào dịp tháng 8 khi mùa khô bắt đầu. Đám ma lần thứ hai của người Tana Toraja được coi là tục lệ đắt đỏ nhất, một đại tiệc táng và được xếp vào một trong 10 tục lệ táng người kỳ lạ nhất trên thế giới.
Người Rantepao tin rằng, cái chết không phải là một sự kiện đột ngột và bất ngờ, cái chết là ngưỡng quan trọng để bước sang thế giới Puya – thế giới của linh hồn. Trong thời gian chờ đợi đến lễ tang thứ hai, cơ thể của người quá cố được bọc trong nhiều lớp vải và đặt trong ngôi nhà cộng đồng truyền thống của làng.
Đám ma lần thứ hai là một sự kiện mang tính nghi thức thiêng liêng, kéo dài trong nhiều ngày, thường có sự tham dự của hàng trăm, hàng nghìn người và cực kỳ tốn kém tùy thuộc vào vị thế và tầm quan trọng của người quá cố. Sau khi gia đình của người quá cố hoàn tất việc chuẩn bị các vật hiến tế cho nghi lễ, khi đó cuộc hành trình tới Puya của người quá cố mới bắt đầu.
Ngôi nhà cộng đồng của làng, nơi tổ chức các nghi lễ an táng cho người quá cố bao giờ cũng cao nhất và được trang trí nổi bật nhất. Nghi lễ chính của đại tiệc táng là giết mổ trâu nước. Bên con đường ven bờ suối chảy qua làng, thanh niên trai tráng đang tập trung giết mổ những con trâu nước trong khi các đoàn rước của các dòng họ với những vật hiến tế có giá trị dành cho người chết lần lượt đi qua khu vực lễ đài.
Đỉnh điểm của lễ an táng là khi cả vài chục con trâu, con lợn được đem ra giết mổ cùng một lúc. Người ta cắm những ống tre dài và nhọn vào yết hầu con vật cho máu chảy ra thành suối ở khu vực hành lễ. Một hình ảnh tôi khó có thể quên. Người Rantepao tin rằng người chết sẽ cần rất nhiều những con trâu để làm cho cuộc hành trình của mình đến với Puya nhanh hơn.
Trong một cái lán dựng tạm gần đó, người làng gõ trống chơi đàn, từng nhóm người trong trang phục truyền thống rước những con vật hiến tế bắt đầu nhảy múa, hát ca. Những người khách tham quan như chúng tôi cũng được khuyến khích nhập vào đám rước. Mọi người đến dự lễ tang thường mang theo những vật hiến tế và cũng được chia phần thịt từ con vật mới bị giết khi ra về.
Những cặp sừng trâu thường được trân trọng treo dọc theo cột trụ phía trước cửa nhà. Gia đình nào có càng nhiều sừng trâu sau đại tiệc táng càng chứng tỏ sự thịnh vượng và vị thế của gia đình đó với cộng đồng.
Sau nghi lễ chính và đại tiệc táng ở làng, đám rước quan tài người chết tiến lên núi. Từng đoàn người đi sau quan tài và miệng luôn lầm rầm khấn niệm. Nơi chôn cất người chết là một khuôn mộ được đục sẵn vào trong vách đá. Người làng hò reo nhảy múa với ý nghĩa xua đuổi tà ma, vừa để cổ vũ cho những người đưa quan tài người chết vào sâu trong vách núi.
Có 4 cách an táng theo tục lệ của người Toraja. Cách thứ nhất là đưa quan tài vào trong một cái hang hoặc hốc đá tự nhiên trên vách núi. Ngay trong làng Londa, rất dễ quan sát thấy những hang đá đủ lớn để chứa hài cốt của cả một gia đình.
Cách thứ hai là táng theo hình thức mộ treo. Quan tài người chết được đưa lên những vách đá hiểm trở, đặt vào gờ đá tự nhiên hoặc trước đó người thân của người quá cố đã đục sẵn những lỗ sâu vào trong đá, gài vào đó những thân cây gỗ lớn làm giá đỡ cho quan tài. Kiểu táng này tôi bắt gặp phổ biến nhất ở làng Pala Tokke.
Cách thứ ba là mai táng trong một khuân mộ bằng đá được chạm khắc, đục đẽo sâu vào trong vách đá. Trong đó, có chứa bất kỳ tài sản mà người quá cố sẽ cần ở thế giới bên kia. Hình thức mai táng này có thể thấy chủ yếu ở làng Lemo và Kete Kesu. Việc đục vách đá càng sâu trong rừng và trên những vách đá treo leo thường rất tốn kém, phải mất một vài tháng để hoàn thành.
Nếu người chết là những đứa trẻ, quan tài có thể được treo bởi sợi dây thừng vào một vách đá hoặc người ta khoét một cái cây đủ lớn để đưa thi hài của những đứa trẻ vào trong đó. Kiểu mai táng này rất dễ tìm thấy ở làng Kambira. Người ta cũng thường chạm khắc một tượng gỗ mô phỏng gương mặt và hình hài của người quá cố gọi là tau tau, được đặt trước khuân mộ và hướng mặt ra ngoài với ý nghĩa dõi theo, bảo vệ cho vùng đất gia tộc mình.
Thông qua những nghi thức an táng, cấu trúc xã hội ở Rantepao cũng được phân chia thành các tầng lớp hạ lưu, trung lưu và thượng lưu rất rõ rệt. Sự phân hóa này không chỉ thể hiện vị thế giữa các gia đình trong một làng, mà còn là giữa các làng trong một cộng đồng người ở Toraja. Tuy nhiên, cái giá để có được vị thế trong cộng đồng đôi khi quá sức với một số hộ gia đình ở đây. Ngoài việc lo cho lễ đại tiệc táng tốn kém, người chết được mang theo rất nhiều của cải có giá trị của gia đình cùng chôn sau lễ tang lần thứ hai.
>>> Đọc tiếp: Kiến trúc nhà độc đáo ở Tana Toraja
>>> Xem tiếp: Ảnh về Tana Toraja, đảo Sulawesi, Indonesia
Theo VnTravellive
Nguồn: Vnexpress.net