Sự thật đằng sau nghề phóng viên du lịch

0
8
su-that-dang-sau-nghe-phong-vien-du-lich

Các chuyến đi không được tài trợ và bài viết luôn phải khác biệt, gửi đúng hẹn là những điều mà phóng viên du lịch cần chấp nhận.

Bài viết là lời chia sẻ của Aimee Chan, phóng viên du lịch, nhà sáng lập tạp chí du lịch gia đình Suitcases & Strollers.

Aimee Chan là người bị ám ảnh với những chuyến đi. Nhắc đến nghề phóng viên du lịch, đa số mọi người đều nghĩ về những chuyến bay, khách sạn, bữa ăn miễn phí, có tài trợ, được đi đến nhiều nơi trên thế giới, không phải chịu sức ép công việc và tận hưởng cuộc sống đáng mơ ước. Nhưng thực sự vẫn có những điều mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Chuẩn bị tinh thần cho việc giảm thu nhập

Nhà báo hay phóng viên du lịch viết bài không vì tiền bạc, nếu không muốn nói sự thật hoàn toàn ngược lại: công việc này không bao giờ biến ta trở nên giàu có. Họ viết vì sở thích chứ không vì nhuận bút. Và khi bạn được trả, số tiền cũng rất ít ỏi. Nếu bạn đặt mục tiêu kiếm tiền, tốt hơn hãy tìm đến một công ty an toàn hoặc có nguồn thu ổn định, sau đó hãy nghĩ đến chuyện sống hết mình vì đam mê du lịch và sự tự do.

su-that-dang-sau-nghe-phong-vien-du-lich

Không phải chuyến đi nào cũng tràn đầy niềm vui. Ảnh: Lonelyplanet.

Những chuyến đi không được tài trợ

Các nhà xuất bản thường không trả tiền cho chuyến đi trừ khi bạn là nhân viên chính thức và có ngân sách cho chuyến đi đó. Nhiều khả năng bạn sẽ phải tự thanh toán mọi loại chi phí và sau đấy kiếm tiền bằng cách bán câu chuyện hay kinh nghiệm có được từ hành trình. Không có điều gì đảm bảo bạn sẽ bù được số tiền bỏ ra ban đầu, nhưng ít nhất bạn đã có một chuyến đi ý nghĩa.

Không phải chuyến đi nào cũng giống nghỉ dưỡng

Nếu bạn là phóng viên, đừng nghĩ đến việc nằm dài trên bãi biển, ôm laptop và nhâm nhi nước dừa. Nếu bạn được tài trợ thì nhiều khả năng nhà tổ chức sẽ xếp lịch làm việc của bạn từ sáng sớm đến tối muộn. Kể cả không như thế thì bạn cũng cần phải đi thật nhiều nơi, trải nghiệm mọi điều có thể, từng khách sạn, điểm đến, trò chơi, giờ mở cửa, giá cả và những thông tin cần thiết để hoàn thành câu chuyện đã được “đặt hàng”.

su-that-dang-sau-nghe-phong-vien-du-lich-1

Cuốn sổ, cây bút và chiếc laptop là vật dụng không thể thiếu của những người làm nghề báo. Ảnh: Writers career.

Luôn phải khác biệt

Đây gần như là yêu cầu chung với mọi ngành nghề, nhưng càng quan trọng hơn với một phóng viên du lịch. “Tôi đang có kỳ nghỉ tuyệt vời ở Na Uy, tôi sẽ được đăng bài khi viết về nó chứ? Không, hãy chứng tỏ rằng bạn là người đầu tiên đến một khách sạn xa xôi tại một khu vực không ai lưu tới ở Na Uy. Còn nếu không, hãy có một sự kiện độc đáo, một câu chuyện hấp dẫn để viết về nó”. Luôn nhớ, bạn phải thật sự khác biệt và đứng ở bên ngoài đám đông.

Hành động chuyên nghiệp

Nếu bước chân vào nghề này, bạn cần phải thực hiện nó một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp. Ban biên tập cần bài đúng hạn, bạn sẽ không được phép có lời bao biện cho sự trễ hẹn của mình. Họ không quan tâm bạn đang ở Papua New Guinea không có quyền truy cập wi-fi hay bị một con khỉ cướp máy tính ở Thái Lan. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy hoàn thành công việc được giao.

su-that-dang-sau-nghe-phong-vien-du-lich-2

Sau tất cả, phóng viên du lịch vẫn là một công việc hấp dẫn. Ảnh: Huffington Post.

Dù thế nào đi nữa, phóng viên du lịch vẫn là một trong những công việc thú vị nhất thế giới. Nếu bạn thực sự là người thích xê dịch thì việc lang thang khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ người mới, hòa nhập vào những nền văn hóa khác nhau chính là động lực để đi làm mỗi ngày. Sau tất cả, việc chắp bút viết về những điều mới lạ, truyền cảm hứng cho người đọc chính là phần thưởng tuyệt vời nhất cho những con người sống và cống hiến vì nghề này.

Xem thêm: 9 tuyệt chiêu đi du lịch miễn phí của người nước ngoài

Nguồn: Vnexpress.net