Họp với quản lý khách sạn Australia, HDV Chiêu Hoàng mặc vest chỉnh tề. Vài tiếng sau, họ không nhận ra khi anh bắn vít như công nhân.
Lê Chiêu Hoàng là một hướng dẫn viên (HDV) có 18 năm kinh nghiệm của Vietravel tại Hà Nội. Vốn dày dặn tuổi nghề, anh Hoàng đã trải qua không ít thách thức trong những chuyến đi của mình. Một trong những hành trình đáng nhớ của HDV này là chuyến đi cùng đoàn 200 khách đến Australia vào đầu tháng 4/2015.
HDV Lê Chiêu Hoàng. Ảnh: NVCC. |
Đoàn khách lần đó là cán bộ, nhân viên và khách hàng của một ngân hàng. Anh Hoàng cần phối hợp với đội hậu cần của đoàn để tổ chức một đêm tiệc tri ân tại xứ sở chuột túi. Khi phụ trách tour du lịch kết hợp sự kiện, anh Hoàng cho biết, HDV cũng là một phần của ban tổ chức, phải xắn tay chuẩn bị mọi thứ.
Hành trang của anh không đơn thuần là áo quần, thuốc men hay những giấy tờ về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách, mà có cả những thiết bị chuyên dụng như bộ đàm, máy bắn vít, ổ cắm, dây điện… Quá trình đi lại mất thời gian hơn, một phần vì phải vận chuyển lượng đồ đạc cồng kềnh, một phần bởi hành lý bị soi chiếu kỹ hơn. Nhất là khi mang theo lượng lớn bộ đàm, anh cần trình ra những giấy tờ cần thiết với cán bộ hải quan.
Năm ấy, đoàn 200 khách của anh Hoàng tới Australia trùng vào dịp nghỉ lễ, do đó ban tổ chức không thể nhờ khách sạn cho thuê phòng hội nghị hỗ trợ dựng phông cho sân khấu. Do đó, anh Hoàng và đội hậu cần quyết định thiết kế khung từ nhà, và phải mang những ống thép dài hai mét sang Australia dựng phông sân khấu khoảng 5×12 m.
Ban đầu tới Australia, anh Hoàng và đội điều hành phải bàn bạc với quản lý của khách sạn về quá trình dựng sân khấu và bài trí phòng tiệc. HDV này phải mặc vest cho phù hợp với cuộc họp đối tác. Nhưng chỉ vài tiếng sau, những nhân viên khách sạn bất ngờ khi thấy anh xắn tay đứng bắn vít trong hội trường.
“Tôi chưa bao giờ làm việc này trước đó, nhưng bắn vít một lát là quen thao tác”, anh Hoàng nhớ về lần đầu “đóng vai công nhân”. Đến khi đêm tiệc bắt đầu, đối tác lại ngỡ ngàng khi phát hiện một trong hai MC trên sân khấu chính là “anh công nhân” vài tiếng trước. Anh Hoàng lại ăn mặc lịch thiệp và trổ tài khuấy động hội trường với những trò chơi hài hước. Anh phải chạy liên tục, vừa hỗ trợ ban tổ chức điều hành chương trình, chuẩn bị quà cáp cho khách, vừa kiểm soát thực đơn tiệc, bao quát tình hình.
Kết thúc chương trình, ban tổ chức mới có thể thoải mái kéo nhau đi ăn uống buổi đêm. Nhưng cả đội đang ăn tối, khách sạn lại gọi điện báo dỡ sân khấu để trả hội trường. Nếu không gỡ khung thép, nhân viên khách sạn không thể mang khỏi phòng để vứt rác, ban tổ chức sẽ tốn thêm tiền dịch vụ phát sinh. Do đó, anh Hoàng và cả đội lại tất tả về khách sạn tháo từng ống, vít và xếp lại đồ đạc.
“Các bạn nước ngoài phải công nhận người Việt Nam đa năng, toàn bộ nhân viên khách sạn thấy hình ảnh của mình thay đổi liên tục – vừa MC, kiêm ca sĩ. Cả đội khách sạn đứng nói mãi với mình về chuyện đó”, anh Hoàng kể.
Anh Lê Chiêu Hoàng trong một đêm tiệc. Ảnh: Phạm Điện. |
HDV này lý giải, bản thân nhiều lúc phải đóng nhiều vai trong quá trình làm việc: “Chúng tôi được giao việc gì cũng phải làm, kể cả nấu cơm. Một số tour có khách kén ăn, tôi phải mang theo nồi cơm, đồ ăn từ Việt Nam để chuẩn bị từng bữa cho đoàn”.
Anh Hoàng tâm niệm khách hàng như người thân trong gia đình, nên anh luôn cố gắng để tất cả thoải mái, mọi khó khăn đều được sẻ chia. Hành trình nào cũng có những thách thức riêng, nhưng may mắn anh chưa gặp ca nào phải “bó tay”. “Với HDV, đến đâu cũng liên lạc với người địa phương, đối tác, đồng nghiệp hay những mối quan hệ cá nhân khi cần. Chúng tôi sẵn sàng hết mình với công việc, và yên tâm luôn có người hỗ trợ”, anh Hoàng bày tỏ.
Nguồn: Vnexpress.net