Sự cố vỡ ly trong những ngày đầu đi làm của bartender Việt

0
23
Anh Phước Nguyễn, 23 tuổi và có 2 năm làm trong nghề bartender. Anh hiện làm việc ở Buôn Ma Thuột, Dak Lak. Ảnh: NVCC.

Khi mới nhận việc bartender, Minh Nga làm vỡ cốc nhiều đến nỗi quản lý phải ái ngại cô lấy đâu tiền để sống sau khi đền cho quán.

Duy Hùng, 29 tuổi, là nhân viên tổ pha chế (bartender) của một khách sạn ở Hạ Long, Quảng Ninh. Nhớ về những ngày đầu đi làm, Hùng kể anh từng làm vỡ ly cocktail đúng sáng mùng một. Trùng hợp là lúc sau, cả nhà hàng, bếp xảy ra vài vụ đổ vỡ nữa. Không ai nói gì nhưng Hùng tự trách đó là do “dớp” của mình.

Lần khác, Hùng nghiêng tay làm rơi cả khay đựng cốc nhưng may mắn giơ chân ra đỡ kịp, giữ chặt hai chiếc vào tường. Toàn bộ số còn lại trên khay, anh ôm vào người rồi đứng im. Cuối cùng, 3 cốc bị vỡ trên tổng số gần 20 chiếc. Khách sạn nơi Hùng làm việc quy định ly, cốc vỡ sẽ được trích quỹ ra mua, nên anh không phải đền tiền.

Anh Phước Nguyễn, 23 tuổi và có 2 năm làm trong nghề bartender. Anh hiện làm việc ở Buôn Ma Thuột, Dak Lak. Ảnh: NVCC.

Phước Nguyễn, 23 tuổi, có hai năm làm trong nghề bartender, hiện làm việc ở Buôn Ma Thuột, Đak Lak. Anh từng phải đến 1,4 triệu đồng vì làm vỡ 17 ly và một chai rượu trong ngày đầu đi làm. Hiện tại, Phước quen tay hơn nên không còn làm đổ vỡ đồ nhiều như trước. Ảnh: NVCC.

Đức Thắng, bartender 21 tuổi, người Sơn La, gặp sự cố tương tự Phước. Ngày thứ hai đi làm, cũng là ngày nhà hàng nơi anh làm việc khai trương. Thắng làm vỡ gần 40 ly dùng để pha chế cocktail khi bưng bê do sàn trơn trượt. Lần đó, quản lý không bắt Thắng đền tiền, mà đứng ra chịu toàn bộ trách nhiệm.

Khi mới vào nghề, Trọng Hiển, 25 tuổi cũng không tránh khỏi sai sót. Thời gian đó, anh làm trong một khách sạn ở TP HCM. Vì không muốn sếp ấn tượng xấu với mình do ngày đầu nhận việc đã làm vỡ cốc, Hiển lén ra ngoài mua để bù vào. Nhưng chiếc cốc anh làm vỡ không bán lẻ. Chàng nhân viên trẻ phải mua cả bộ 6 chiếc, hết 80.000 đồng. Khi bạn bè trêu, anh trả lời hài hước: “Sau sự cố đó mình yên tâm hơn, vì nếu lỡ làm vỡ cũng có 5 cái dự phòng”.

Không ít các bartender tập sự đã có kinh nghiệm đau thương khi làm vỡ ly, cốc đựng đồ uống. Ảnh: Phương Anh.

Không ít bartender làm vỡ ly, cốc đựng đồ uống trong thời gian tập sự. Ảnh: Phương Anh.

Với Huỳnh Nhung, những ngày đầu đi làm tại một khách sạn ở TP HCM cách đây 5 năm có dư vị của nước mắt. Cô được một khách tip 200.000 đồng nên vội chạy đi khoe mọi người, do chưa bao giờ nhận được số tiền tip lớn như vậy Không để ý, Nhung đá vỡ 24 ly đựng rượu vang đặt dưới đất, giá mỗi chiếc ly khoảng 60.000 -70.000 đồng. Nghĩ đến số tiền phải trả quá lớn, cô gái bật khóc.

Tuy nhiên, thương Nhung là nhân viên mới, nên quản lý đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng quyên góp. Sau này, Nhung trở thành chủ một quán nhỏ. Khi thấy nhân viên làm vỡ đồ, cô lại nhớ về kỷ niệm khi xưa và không bao giờ bắt họ phải đền.

Minh Nga, 26 tuổi, làm ở Hà Nội cho biết: “Mọi người thường gọi tôi là cô gái vàng của làng làm vỡ cốc. Mỗi tháng, tôi luôn là người đền tiền cho khách sạn nhiều nhất. Có lần, quản lý còn ái ngại bảo suốt ngày làm vỡ thế này thì cuối tháng còn bao nhiêu lương”. Cô từng dành nguyên hai tháng lương đầu tiên chỉ để đền. Nhưng nhờ những sự cố đó, hiện Nga có thể hất cốc biểu diễn đẹp mắt và được nhiều khách hàng khen ngợi.

Anh Minh 

Nguồn: Vnexpress.net