Khi đi cắm trại, người Nhật không dùng điện thoại mà mở radio, nhún nhảy theo nhạc, cùng con lần mò tìm châu chấu, cánh cam trong bụi rậm…
Dưới đây là chia sẻ của anh Hoài Nam, người Việt hiện sinh sống tại Nhật Bản nhiều năm.
Tại Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, mọi người luôn tìm về thiên nhiên trong những ngày nghỉ và cắm trại là cách để thư giãn, cũng như giáo dục trẻ em về thế giới bên ngoài đô thị.
Hàng nghìn điểm cắm trại
Muốn đi cắm trại ở Nhật, chỉ gần lên mạng gõ từ khóa “camp-jo” (theo tiếng Nhật là khu cắm trại) hoặc vào các website như Nap Camp hay Campjo, bạn sẽ tìm thấy hàng nghìn điểm có thể hạ lều. Trải dài từ phía bắc là Hokkaido đến miền nam đảo Kyushu, hơn 3.000 điểm cắm trại được dựng lên, rất phong phú và đa dạng về loại hình.
Nếu như du lịch nội địa tại Nhật nổi tiếng với sự đắt đỏ, giá khách sạn cao và dịch vụ ăn uống đi lại ngốn kha khá hầu bao của bạn, cắm trại thì ngược lại. Giá thuê một chỗ cắm trại tùy theo địa điểm từ vài trăm yên đến cao nhất khoảng 5.000 yen mỗi người một đêm (một triệu đồng).
Các khu vực cắm trại tại Nhật có hai kiểu là khu cắm trại thông thường (đậu xe tại bãi xe, tự di chuyển đến nơi hạ trại) và auto camp-jo (đậu xe ngay cạnh lều của mình). Kiểu auto camp-jo ngày nay đang rất thịnh hành bởi chỉ cần lái xe vào khu vực đã đặt trước và xả đồ từ trên xe xuống, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức.
Auto camp tiện lợi khi bạn có thể đỗ và hạ trại ngaybên cạnh xe của mình. Ảnh: Hoài Nam. |
Người Nhật nổi tiếng với sự “komakai” – chi tiết của mình, do đó, từng khu cắm trại đều có ghi rất rõ có nhà vệ sinh, phòng tắm, ổ điện… hay không. Tại đó còn có khá nhiều điểm vui chơi giải trí đi kèm, đa phần là công viên nhỏ giữa rừng với xích đu, nhà gỗ, hồ bơi đắp bằng đá giữa suối, tiện nghi hơn nữa là sân tennis, mê lộ, các trò chơi đu dây, cầu treo bắc ngang giữa những thân gỗ cao, ao câu cá… Thử thách hơn một chút là các cung đường trekking, leo núi, đi sâu vào đầu nguồn những con suối.
Mùa cắm trại tại Nhật chủ yếu kéo dài từ mùa hè – tháng 7 đến tháng 8 kéo dài sang đầu tháng 9, khi trời chớm thu. Những du khách “nghiện” cắm trại có thể tiếp tục đi vào tháng 10, tháng 11 và thậm chí tháng 12 khi bắt đầu có tuyết rơi. Giờ của các khu trại phổ biến là 13h check-in và 10h check-out. Việc này nhằm giúp cho các nhân viên có sự chuẩn bị tốt hơn để đón khách. Cũng như khách sạn, bạn nên đặt chỗ trước đặc biệt vào mùa cao điểm, ngày lễ và cuối tuần.
“Xách” xe lên và đi
Bạn vẫn có thể đi cắm trại bằng tàu điện hay bus, chỉ cần đến ga hoặc trạm gần nhất và đi bộ. Nhưng đa phần khu cắm trại nằm sâu trong các khu vực núi hoặc sát biển, do đó tiện nhất vẫn là ôtô. Nếu có bằng lái quốc tế (IDP), bạn có thể thuê xe để di chuyển (lưu ý Nhật tay lái nghịch với Việt Nam), hay nhất vẫn là rủ thêm người địa phương có thể lái xe đi cùng.
Thuê xe tự lái tại Nhật có giá khoảng 5.000 – 10.000 yen mỗi ngày (1-2 triệu đồng) tùy theo loại xe. Các điểm thuê xe có ở rất nhiều nơi, đặc biệt là ngay các nhà ga lớn. Website NR Group Global có tiếng Anh sẽ giúp bạn tìm hiểu dễ dàng hơn.
Sau khi có phương tiện di chuyển, hãy chất đồ lên xe và chú ý những vật dụng có góc cứng như bàn, ghế gấp, bếp than… phải được đóng gói trong hộp hay bịt các góc để không làm xước xe hay rách ghế.
Hệ thống đường cao tốc của Nhật rất tốt nhưng cũng rắc rối với đủ bảng hiệu và chữ tiếng Nhật lớn, kèm tiếng Anh nhỏ hơn bên dưới. Việc lái xe với GPS bằng tiếng Nhật cũng có thể là cực hình cho những ai không quen thứ ngôn ngữ khó bậc nhất hành tinh này.
Khách nước ngoài được khuyên dùng GPS của điện thoại với ngôn ngữ mẹ đẻ, giúp giảm bớt phần nào sự căng thẳng. Vượt qua được cung đường mượt mà gần như không chút mấp mô, các khu cắm trại thường nằm gần những lối ra vào của cao tốc sẽ đưa bạn vào một thế giới hoàn toàn khác.
Hạ trại
Với trình độ cắm trại thuộc hạng beginner (người kém kinh nghiệm), tôi chọn auto camp để bắt đầu. Điểm đến lần này là tỉnh Nagano, khu cắm trại Achi-Seinaiji nằm cách đường cao tốc khoảng 10 phút lái xe. Tại đây, từng lô đất được phân ra rất rõ ràng, có thêm bộ bàn ghế gỗ gắn cố định, diện tích đủ để đậu xe và dựng chiếc lều dành cho 4 người. Seinaiji có toilet sạch sẽ, nhà tắm nước nóng và có thể xem là khu trại khá tiện nghi. Không có điện tại khu nền trại nhưng toilet và máng nước được thắp điện mỗi khi đêm về.
Bước thú vị nhất của việc cắm trại có lẽ là dựng lều. Với chiếc lều kích thước 8m x 4m, một mình bạn sẽ mất khoảng một tiếng trở lên cho lần đầu tiên dựng trại, bao gồm cả việc vừa đọc nội dung hướng dẫn và cả… cãi nhau với đối tác xem gắn khung thế nào. Đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ để sau này nhắc lại bạn có thể phì cười vì sự nóng nảy của mình.
Công đoạn dựng những chiếc lều không cần sức mạnh, ngược lại bạn chỉ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ, biết quan sát và làm theo đúng hướng dẫn sử dụng. Chẳng vì thế mà các gia đình xung quanh nơi tôi cắm trại, một bà mẹ và hai cô con gái thoăn thoắt dựng chiếc lều hình tam giác kiểu của người da đỏ một cách rất nhẹ nhàng.
Người đi cắm trại mang theo mình đủ loại trang thiết bị tùy theo số người, phương tiện. Bên cạnh lều, các gia đình thường có bàn ghế xếp, thùng lạnh, bếp than, củi, nệm lót chất đầy cốp xe. Nhóm đi xe gắn máy gọn hơn với một balô trong đó là lều đơn và vài vật dụng cơ bản gồm túi ngủ, bếp ga gấp to bằng nắm tay, ca nước, xoong nhỏ, thức ăn đóng hộp thế là họ đã có thể tha hồ “chinh chiến” khắp mọi nơi. Từ trên cao nhìn xuống, khu cắm trại cứ như một bức tranh sinh động với lều đủ loại hình dáng và màu sắc.
Sau khi chiếc lều của bản thân được dựng lên, cảm giác thỏa mãn dâng cao như bạn vừa xây cho mình một căn nhà vậy. Nào là “phòng” ngủ, “phòng” khách, bàn ghế, tủ lạnh (thực chất là thùng đá) và chỉ cần vén màn hai bên lên là đã có thể đón những cơn gió mát rượi lùa vào.
Đường trekking lên đỉnh núi tại khu cắm trại Ugakei, thành phố Inabe, tỉnh Mie. Ảnh: Hoài Nam. |
Hòa mình với thiên nhiên
Rất nhiều gia đình đưa nhau đến khu cắm trại, dựng lều và cho trẻ em chơi đùa dưới làn nước mát lạnh của những con suối gần đó. Khác hẳn với những người Nhật sạch sẽ, bóng bẩy giữa lòng đô thị, khi đi cắm trại, mọi người như rũ bỏ lớp áo khô cứng của một xã hội công nghiệp.
Họ mặc áo thun ba lỗ, đi dép xỏ ngón, lóng ngóng nhóm bếp, quạt quạt, thổi thổi để chuẩn bị bữa tối. Họ không dùng điện thoại mà mở radio, nhún nhảy theo nhạc, lần mò dí tận mắt xem đám châu chấu hay cánh cam nhỏ một cách say mê. Đám trẻ nhỏ cầm vợt và chiếc hộp đựng đầy những côn trùng vừa bắt được tha hồ la hét gọi tên nhau. Có lẽ lâu lắm rồi chúng mới được “xả láng” như vậy, bởi làm ồn là một điều tối kỵ ở thành phố.
Với nhiều phụ huynh Nhật Bản, cắm trại là cơ hội để trẻ em vui đùa giữa thiên nhiên. |
Đêm về, xung quanh lều của chúng tôi là những gia đình, nhóm bạn đồng loạt nổi lửa. Đủ loại bếp lò được họ mang đến, cũng có than, có cây gỗ thông chẻ nhỏ để nhóm bếp hệt như những ngày tôi còn bé ở Việt Nam.
Bếp lửa hồng rực lên giữa màn đêm, không khí bắt đầu se lạnh đến mức phải mặc áo khoác mỏng. Chiếc ghế gấp được ngả ra, có hẳn cả chỗ để gắn vừa lon bia ở thành ghế và lưng thì cắm được chiếc ô che nắng che sương. Các nhà sản xuất ở Nhật quả là biết cách yêu chiều các thượng đế của mình.
Những miếng thịt được nướng trên bếp tỏa hương thơm lừng, bữa tiệc BBQ cứ thế tiếp tục cho đến tận đêm khuya, tiếng trò chuyện rù rì hòa cùng tiếng kêu của côn trùng giữa màn đêm bỗng thật thanh bình biết bao.
Sau khi đã no nê với bữa tối, cứ để bếp lửa tỏa hơi ấm rồi từ từ tàn tới sáng, giờ là lúc bạn có thể ngửa mặt và nhìn lên khoảng không trên đầu. Bạn có tự hỏi từ bao giờ mình chưa nhìn thấy một bầu trời đầy sao, cuộc sống đô thị vội vã với những ánh đèn đã làm nhòa đi ánh sáng lấp lánh của những vì tinh tú. Thật thú vị khi tôi lại được thỏa thuê trải nghiệm cảm giác này ở mãi tận đất nước mặt trời mọc xa xôi. Đêm đó không chỉ có sao mà có cả vầng trăng khuyết làm bầu bạn với những “camper” yêu xê dịch.
Nguồn: Vnexpress.net