Năm 1991, trong lần vào rừng tìm trầm, một người đàn ông địa phương vô tình phát hiện ra hang động lớn. Gần 20 năm sau, thế giới mới biết bên trong Sơn Đoòng hùng vĩ ra sao.
Nằm trong hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 hang động khác ở Việt Nam. Năm 2014, The New York Times xếp địa danh này vào vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa danh cần đến của năm. Ảnh: Alesha Bradford.
Thực tế, Sơn Đoòng được một người dân địa phương tên Hồ Khanh phát hiện vào năm 1991. Theo lời kể của người này, trong một lần tìm trầm ở rừng, ông gặp cơn mưa lớn. Sợ lũ quét xảy ra, ông quyết định tìm chỗ trú. Nơi đó chính là hang Sơn Đoòng. Ảnh: Jarryd Salem.
Vào thời điểm đó, Hồ Khanh không biết đến giá trị của hang động. Không lâu sau chuyến đi ấy, ông bỏ nghề tìm trầm và quay lại làm ruộng. Tung tích của Sơn Đoòng nằm trong bóng tối cho đến năm 2006, khi một đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hoàng gia Anh đến Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm hang động mới. Ảnh: Jarryd Salem.
Hồ Khanh đã đem câu chuyện của mình kể cho họ nghe và hành trình tìm lại hang động năm xưa bắt đầu. Với sự trợ giúp của các thiết bị khoa học tối tân, họ chính thức gặp Sơn Đoòng vào năm 2009. Ảnh: Alesha Bradford.
Theo các nhà địa chất học, hang Sơn Đoòng được hình thành cách đây khoảng 2-5 triệu năm, khi nước sông chảy ngang vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước gây xói mòn và tạo ra đường hầm khổng lồ như ngày nay. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ.
Hang có chiều rộng 150 m, cao hơn 200 m và chiều dài lên đến gần 9 km. Theo ước tính, dung tích của Sơn Đoòng là 38,5 triệu m3, tương đương 15.000 bể bơi chuẩn Olympic. Các ghi nhận cho biết một số đoạn hang cao và rộng đến mức có thể “nhét” vừa một tòa nhà cao 40 tầng ở thành phố New York (Mỹ). National Geographic thậm chí còn so sánh Sơn Đoòng cao đến mức xếp chồng 25 xe bus 2 tầng vẫn có thể vào thoải mái. Ảnh: Simon Dunne.
Với kích thước này, Sơn Đoòng vượt qua hang Deer của Malaysia để là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Không chỉ nổi tiếng bởi kích thước khổng lồ, Sơn Đoòng còn được biết tới bởi sự đa dạng trong cảnh quan sinh vật. Trong hang, các nhà thám hiểm phát hiện cả cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, chưa hề có dấu vết của con người. Các chuyên gia thậm chí còn gọi khu rừng trong hang là “vườn địa đàng” nhằm tôn vinh vẻ đẹp tuyệt mĩ. Ảnh: Simon Dunne.
Một đặc điểm khác của Sơn Đoòng là hệ thống nhũ đá và “ngọc trai” hang động khổng lồ. Trải qua hàng triệu năm dưới tác động của ngoại lực, những cột măng đá trong hang cao đến 70 m.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện những viên “ngọc trai” hang động to bậc nhất thế giới ở Sơn Đoòng. Thông thường, các viên “ngọc trai” dạng này chỉ có đường kính khoảng 1 cm nhưng tại Sơn Đoòng, kích thước bằng quả bóng chày. Bên cạnh đó, hang còn có những quần thể san hô và di tích thú hóa thạch. Ảnh: Jarryd Salem.
Trong hang, người ta còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5 km. Các nhà khoa học cho biết Sơn Đoòng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn bởi các phương tiện hiện đại nhất ngày nay vẫn chưa khám phá được hết nơi đây. Ảnh: Ryan Deboodt.
Sự hùng vĩ và đồ sộ về cảnh quan của Sơn Đoòng khiến nơi đây được thế giới vinh danh là “Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam”. Ảnh: Ryan Deboodt