Singapore không chỉ nổi tiếng với danh hiệu quốc gia sạch nhất thế giới, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu, mà còn được biết đến là mảnh đất ươm mầm cho nghệ thuật.
Đảo quốc sư tử đứng thứ 176 về diện tích, thuộc nhóm những quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Tuy nhiên, đất nước này lại có sự đa dạng về văn hóa nhờ sự giao thoa của nhiều sắc dân cùng nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Kể từ khi Stamford Raffles tới đây năm 1819 để đặt những viên gạch đầu tiên cho một thương cảng bận rộn, Singapore đã trải qua 200 năm đầy biến động của lịch sử để trở thành một trong những quốc gia có trình độ phát triển hàng đầu.
Vị trí trọng yếu trên những tuyến đường biển quan trọng và sự đa dạng văn hóa là nền tảng để tạo nên một Singapore không chỉ mạnh về kinh tế mà còn nổi bật với đời sống nghệ thuật phong phú, đa màu sắc. Sau bước chuyển mình về kinh tế suốt hơn 5 thập kỷ qua, quốc gia này đang trong cuộc chuyển mình thứ hai về nghệ thuật dựa trên nền văn hóa đa dạng.
200 năm, 50 bảo tàng
Bảo tàng đầu tiên của Singapore được mở vào năm 1849 là Raffles Library and Museum (Bảo tàng và Thư viện Raffles), lấy theo tên của người khai sinh mảnh đất này thời hiện đại. Ngày nay, nơi đây là Bảo tàng Quốc gia Singapore với nét kiến trúc độc đáo và giàu tính biểu tượng. Kể từ cột mốc kể trên, Singapore ngày nay có hơn 50 bảo tàng các loại với hàng trăm nghìn hiện vật khác nhau.
Kể từ những năm 1990, khi Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Singapore được thành lập để dẫn dắt sự phát triển của nghệ thuật trình diễn, thị giác và các loại hình nghệ thuật văn học, đảo quốc sư tử thực sự trở thành một điểm đến quốc tế đầy năng động, nơi giao thoa của nghệ thuật Đông – Tây.
Phòng trưng bày Quốc gia Singapore là bảo tàng hàng đầu của đất nước này, với hơn 8.000 tác phẩm của Singapore và các nghệ sĩ Đông Nam Á. Trong khi đó, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tập trung vào nghệ thuật đương đại; Bảo tàng Thiết kế Red Dot giới thiệu nghệ thuật và thiết kế độc đáo của những hiện vật vốn dùng trong cuộc sống thường ngày; Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật với hình dáng bông hoa sen là nơi tổ chức các cuộc trưng bày kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học; và Nhà hát Esplanade với thiết kế mô phỏng chiếc micro cổ điển (nhưng thường được gọi là trái sầu riêng) là trung tâm nghệ thuật trình diễn với lịch diễn bận rộn hàng đầu thế giới.
Bảo tàng Quốc gia Singapore. Ảnh: CPG. |
Bảo tàng là nơi lưu giữ quan trọng đối với tri thức, là nơi bảo vệ những hiện vật trưng bày đại diện cho cả một quá trình tuyển chọn, tìm kiếm, bảo tồn. Những hiện vật này có thể tới từ khắp nơi trên thế giới hoặc ngay từ một góc nhỏ nào đó của Singapore. Tất cả đều mang trong mình những hoài niệm, những câu chuyện. Các bảo tàng lưu giữ những nhịp đập của các cộng đồng và quá khứ chung của họ.
Khi nghệ thuật chiếm lĩnh
Nhưng người Singapore không chỉ lưu giữ quá khứ và trưng bày các hiện vật nghệ thuật của họ ở các bảo tàng hay gallery. Họ còn muốn đưa sự cảm thụ nghệ thuật lên một mức độ cao hơn, thông qua sự giao lưu với những người yêu nghệ thuật và các chuyên gia từ những quốc gia khác.
Đó là lý do Singapore Art Week 2019 (SAW – Tuần lễ Nghệ thuật Singapore) ra đời và 2019 là năm thứ 7 chuỗi sự kiện này được tổ chức. Chủ đề của năm nay là Art Takes Over (tạm dịch: Khi nghệ thuật chiếm lĩnh).
SAW là sáng kiến của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National Arts Council), Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board) và Bộ Phát triển Kinh tế Singapore (Singapore Economic Development Board), nhằm củng cố vị trí của Singapore như một điểm đến về nghệ thuật thị giác hàng đầu của châu Á.
Màn trình diễn ánh sáng sẽ được tổ chức trong thời gian Tuần lễ Nghệ thuật Singapore và từ 28/1 – 24/2 để kỷ niệm 200 năm quốc đảo này được hình thành. Ảnh: Artweek.sg. |
Từ ngày 19-27/1, hàng loạt sự kiện lần lượt diễn ra như S.E.A Focus (Tiêu điểm Đông Nam Á), Art After Dark (Nghệ thuật sau màn đêm), Light to Night 2019: Traces and Echoes (Những dấu ấn và tiếng vang), ARTWALK Little India 2019 (Con đường Nghệ thuật Khu Tiểu Ấn)… Các nghệ sĩ, gallery trên khắp thế giới đã cùng hội tụ tại Singapore trong hơn 1 tuần lễ để cùng thưởng thức các tác phẩm, trao đổi quan điểm và chia sẻ những xu hướng mới.
Trong các sự kiện kể trên, S.E.A Focus gây được nhiều sự chú ý khi lần đầu tiên được tổ chức với mô hình hội chợ nghệ thuật quy tụ 26 gallery từ nhiều nước. Bibi Chia, một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng 37 tuổi và là người thường xuyên tham gia các hội chợ nghệ thuật, nói với SCMP rằng bà thấy cách tổ chức của S.E.A Focus giúp người xem dễ tiếp cận.
“Truyền thông xã hội của họ có rất nhiều thông tin và tôi biết chính xác tác phẩm nào mà tôi muốn xem”, bà Chia nói. Vị bác sĩ yêu nghệ thuật này cũng chia sẻ rằng bà thấy thật ngộ nghĩnh khi nhìn các nhà sưu tập nghệ thuật cầm trên tay bánh mì kẹp xúc xích và một ly cocktail, thay vì chỉ thấy rượu champagne, vang đỏ và giày cao gót tại những hội chợ nghệ thuật thông thường.
Đó là cách người Singapore chọn để ứng xử với nghệ thuật, để nó không chỉ là những đường nét sang trọng trong bảo tàng hoặc phòng trưng bày, mà còn là sự giản dị và đời thường tại những hội chợ như S.E.A Focus. Khi nghệ thuật chiếm lĩnh, chúng ta đều sẽ nhìn mọi vật qua một lăng kính mới.
Nguồn: News.zing.vn