Singapore học Nhật Bản, Việt Nam kích cầu du lịch nội địa

0
11
Kich cau du lich noi dia anh 1

Làm theo chiến dịch kích cầu du lịch nội địa hàng tỷ USD của Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Singapore muốn du khách trong nước có cái nhìn mới về quốc đảo.

Trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để thúc đẩy nền kinh tế, Singapore đã kích cầu du lịch nội địa bằng khoản tiền 32,4 triệu USD. Với giải pháp này, chính quyền hy vọng người dân Singapore sẽ chi cho thị trường du lịch trong nước một phần trong số 34 triệu đô la Singapore mà họ đã trả cho du lịch nước ngoài năm 2018.

Du lịch nội địa còn nhiều bất lợi

Chiến dịch này hướng đến khách du lịch trong nước. Singapore đã học tập Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản trong nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp không khói, khi du lịch toàn cầu vẫn đang đóng băng.

Tại buổi phát động chiến dịch, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing, cho biết du lịch toàn cầu khó có thể phục hồi trong thời gian tới, khi chưa tìm ra vaccine hay kit thử nhanh có giá cả phải chăng. Tuy nhiên, thị trường du lịch trong nước lại có cơ hội mới.

Năm 2018, người dân Singapore chỉ bỏ ra 27 triệu đô la Singapore cho du lịch trong nước, khác hẳn với số tiền trả cho du lịch nước ngoài. “Bây giờ, chúng tôi không thể chuyển toàn bộ các chi tiêu ở nước ngoài vào trong nước, song ngay lúc này, nếu nắm bắt được một phần chi tiêu ở nước ngoài cho thị trường trong nước, tôi nghĩ đó sẽ là một sự thúc đẩy đáng kể cho du lịch nội địa”.

Nhật Bản đã chi hơn 12 tỷ USD để kích cầu du lịch nội địa, mặc dù người dân Tokyo đã bị cấm tham gia chương trình “Go to Travel” do sự bùng phát của dịch bệnh. Thái Lan vừa đưa ra chương trình với mức chi 641 triệu USD để kích cầu du lịch nội địa thông qua các khoản trợ cấp về chỗ ở, phương tiện di chuyển và chứng từ điện tử sử dụng cho ăn uống và các dịch vụ khác. Việt Nam cũng đã khuyến khích người dân du lịch trong nước bằng việc giảm giá vé và tăng cường các chuyến bay nội địa.

Hạn chế rõ nhất đối với du lịch nội địa Singapore đó là diện tích của quốc đảo. Trong khi người dân Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, ô tô trên khắp đất nước, đến các khu nghỉ dưỡng ngoài bãi biển, thị trấn miền núi hay các thành phố lớn thì diện tích đất liền của Singapore chỉ là 721,5 km2.

Ông Keith Tan, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, biết rõ được điều này. “Không có gì lạ khi người dân Singapore nói rằng họ không có gì để làm ở đây hoặc họ đã thấy và làm tất cả những gì được cung cấp. Chiến dịch mới này có tên là Singapore Rediscovers sẽ thúc đẩy du khách trong nước khám phá Singapore ở các khía cạnh khác nhau”, ông nói. “Chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi được thói quen du lịch của người dân Singapore”, ông Tan chia sẻ thêm.

Để bắt đầu, Tổng cục Du lịch cùng với Hiệp hội doanh nghiệp Enterprise Singapore và tập đoàn Sentosa đã đưa ra gói thỏa thuận về khách sạn và những tour du lịch được kết hợp từ các địa điểm khác nhau. Khoảng 80 khách sạn trên quốc đảo đã được phép hoạt động trở lại và con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Chiến dịch này cũng có sự hợp tác với các nhiếp ảnh gia và người sành ăn để thu hút sự quan tâm của người dân Singapore đối với ẩm thực và những điểm đến. Tổng cục Du lịch cho biết sẽ chia khu vực với các điểm đến hấp dẫn để du khách có thể tổ chức kỳ nghỉ ngắn ngày.

Kích cầu du lịch nội địa là chính sách hợp lý

Nhịp sống đang dần trở lại khi tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này đã ổn định, ghi nhận đến thời điểm hiện tại số ca nhiễm virus corona là hơn 48.000. Singapore đã gỡ bỏ “ngắt mạch xã hội” một phần từ ngày 2/6. Các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng được mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ các biện pháp giãn cách. Rạp chiếu phim và nhà nghỉ cũng được phép hoạt động khi nền kinh tế khởi động trở lại.

Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại ngân hàng OCBC của Singapore, dự báo ngắn hạn du lịch quốc tế còn chậm phát triển. Vì thế, tập trung vào du lịch nội địa là một chính sách phản ứng hợp lý, mặc dù còn tương đối mới với quốc gia này. “Tuy nhiên, du lịch nội địa khó có thể bù đắp hoàn toàn sự vắng mặt của du khách quốc tế, nhưng ít nhất, nó sẽ hỗ trợ và phục hồi các khách sạn”, bà Ling nhận định.

Theo tập đoàn Maybank Kim Eng, năm 2018, ngành du lịch chiếm 5,5% tổng sản phẩm quốc nội của Singapore. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là 11,5% và 11,2% tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore Kwee Wei-Lin cho biết đây là giai đoạn khó khăn trước khi du lịch quốc tế quay trở lại, các khách sạn ở Singapore sẽ tập trung vào du khách trong nước.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Singapore, những hội viên cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm 52,1% so với năm ngoái – mức giảm lớn kể từ năm 1986.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Keith Tan cho biết nếu không có sự hỗ trợ của người dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp mà người Singapore yêu thích sẽ phải phá sản. Ông cũng lưu ý rằng tình trạng mất việc làm sẽ gia tăng trong những tháng tới.

“Có rất nhiều thứ chúng tôi thích ở quốc đảo mà tôi nghĩ rằng người Singapore coi đó là đương nhiên. Cửa hàng cơm gà yêu thích của bạn, trung tâm mua sắm ở đường Orchard… sẽ phải đóng cửa nếu người dân địa phương không ủng hộ các doanh nghiệp này”, ông Tan chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn