‘Sao biển sẽ chết nếu bắt lên bờ’

0
5

Trên góc độ khoa học, việc các du khách bắt sao biển lên bờ và khiến chúng chết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở Rạch Vẹm (Phú Quốc, Kiên Giang).

Trong những ngày qua, câu chuyện du khách bỏ lại sao biển chết khô trên bãi cát ở Rạch Vẹm khiến cộng đồng mạng bức xúc. Phần nhiều ý kiến nhận xét đây là hành động thiếu ý thức, gây tác động xấu đến hệ sinh thái.

Trao đổi với Zing, GS.TS. Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển, nhấn mạnh đây là hành động gây tổn hại đến môi trường. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định sao biển không thể sống quá lâu nếu thiếu nước.

Theo GS.TS. Đỗ Công Thung sao biển sống nhờ luồng nước đi qua các rãnh phía dưới để lấy oxy. Khi đưa lên bờ, sự tuần hoàn nước không còn, nó sẽ chết, đặc biệt dưới trời nắng khô.

“Chúng tôi từng ra biển để thu mẫu sao biển về nghiên cứu. Sau khi cho lên bờ một lúc, chúng chết ngay, thậm chí bốc mùi hôi thối. Hành động để xác sao biển chết khô trên bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bởi khi nó chết, các chất bên trong, đặc biệt là protein phân hủy tạo ra mùi, gây ô nhiễm xung quanh”, GS.TS. Đỗ Công Thung nói.

sao bien phu quoc anh 1

Bức ảnh sao biển chết khô trên bờ gây tranh cãi. Ảnh: H.A.

Một số người lập luận sao biển không phải động vật quý hiếm, không có tên trong sách đỏ. Do đó, việc sao biển chết không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Về vấn đề này, ông Thung khẳng định đó là suy nghĩ sai lầm.

“Chúng ta cần bảo vệ động vật hoang dã, kể cả nó không có trong sách đỏ. Nếu nghĩ không có trong sách đỏ là không cần bảo vệ, chúng ta sẽ phá hủy hết môi trường biển. Trong sách đỏ có được bao nhiêu loài đâu?”, ông nói.

Mặt khác, đại diện từ Hội đồng Khoa học Tài nguyên và Môi trường biển cũng nhấn mạnh sao biển là mắt xích của chuỗi thức ăn dưới biển. Chuỗi thức ăn giống như dây xích xe đạp, có nhiều mắt xích nối với nhau. Khi chuỗi thức ăn bị gián đoạn, đứt gãy sẽ không thể cung cấp dinh dưỡng cho hệ sinh thái nữa.

Ông Thung nói thêm: “Chúng ta cần có một biển báo chung ở các vùng biển về việc cấm bắt sao biển lên bờ”.

Trả lời Zing, ông Trần Thanh Hải, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Kiên Giang nhận xét hành động bắt sao biển và để chúng chết khô trên bờ rất phản cảm. “Theo luật, các du khách phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện quy định của các khu, điểm du lịch”, ông nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Rạch Vẹm được xem là điểm du lịch tự phát nên công tác quản lý có phần lỏng lẻo, thiếu những biển báo, quy định với du khách.

Câu chuyện bắt sao biển lên bờ chụp ảnh là đúng hay sai vẫn đang khiến cộng đồng mạng tranh cãi. Trong tối 7/4, nhiều tài khoản từng check-in với sao biển ở Phú Quốc đã bị người dùng mạng xã hội vào công kích.

Một số người nổi tiếng như Quỳnh Anh Shyn hay An Vy (FAPTV) cũng bị kéo vào câu chuyện này khi dân mạng lục lại những bức ảnh check-in sao biển của họ.

H. (giấu tên), một travel blogger với hơn 8.000 lượt theo dõi, cũng đã phải ẩn bức ảnh chụp sao biển trên bờ của mình để tránh gây tranh cãi. Trả lời Zing, H. đồng ý những hình ảnh du khách để sao biển chết khô trên bờ rất phảm cảm. Tuy nhiên, người này mong cộng đồng mạng có cái nhìn đa chiều hơn.

“Sao biển không dễ chết nếu chỉ nằm trên bờ 5-10 phút. Đó là điều ngư dân ở đó bảo mình. Họ vẫn bắt sao biển cho bọn mình chụp hình rồi gom lại vào xô thả về biển. Những ai có ý thức sẽ chỉ chụp ảnh chốc lát để kỷ niệm thôi. Tuy nhiên, những người để chúng chết khô rất đáng lên án”, H. chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn