Ra hòn đảo này vào một ngày hè, đoàn du khách khám phá tour mới của chúng tôi không khỏi ồ lên thú vị khi đặt chân đến một điểm du lịch xanh còn khá mới mẻ của Bình Thuận với vô vàn hình thù đá kỳ thú, những tuyệt tác của thiên nhiên.
Phóng to |
Một góc cù lao Câu nhìn từ hướng thuyền đi ra từ đất liền |
Sau hơn một tiếng lướt sóng từ đất liền, còn cách đảo chừng vài trăm mét, trưởng đoàn Nguyễn Văn Mỹ (Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt) đã nhờ chủ tàu cá chở khách đánh một vòng quanh đảo trước khi cập cầu cảng. Và hành trình kỳ thú đã mở ra trước mắt chúng tôi biết bao kỳ quan đá. Lúc thì một bầy cá voi nhô lên biển đùa giỡn với hải âu và sóng biếc; lúc là hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp làng chài ngóng chồng ngư phủ trở về…
Những ai kém trí tưởng tượng nhất cũng phải gật gù thích thú khi chợt nhận ra những dáng hình đáng ngạc nhiên của đá ở cù lao Câu.
Phóng to |
Lên tàu ra đảo giữa bình minh lấp lánh trên biển bạc, mờ xa phía chân trời là cù lao Câu |
Phóng to |
Một góc đá kỳ thú của cù lao Câu mà tôi ghi được khi thuyền chạy vòng quanh đảo |
Phóng to |
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa… |
Phóng to |
Hải âu đùa giỡn trên đầu những chú cá voi đá khổng lồ nhô lên mặt biển – cảnh chụp được khi thuyền chạy quanh đảo |
Phóng to |
Bầy cá heo đá đang vui thú đùa giỡn cùng nhau |
Cuối cùng thì tàu cũng cập cầu cảng và chúng tôi vui sướng chạm chân vào làn nước xanh trong mát rượi, bãi cát trắng hoang sơ chi chít xương san hô, vỏ ốc xinh xắn vương vãi khắp nơi. Những khu vườn đá giăng kín quanh đảo một lần nữa lại khiến đoàn khách ồ lên thích thú khi phát hiện dáng một con vật nào đó. Một chú sơn dương con đang cong đuôi leo lên một bờ đá ven đảo, một chú cá heo mắc cạn trong đất liền ngơ ngác vọng ra khơi xa, chú hải cẩu hào hứng đứng giỡn sóng sát gần bờ, một chú cá heo lớn đang vui đùa cùng bầy cá heo nhỏ…
Mọi người mặc sức thư giãn theo sở thích riêng giữa một không gian nguyên sơ tràn ngập nắng gió và sóng biển. Ánh nắng gay gắt ban trưa cũng không ngăn được nhiều bạn trẻ ào xuống ngâm mình trong làn nước xanh ngắt khi chỉ vừa kịp buông balô xuống nền cát. Vài cô gái trong đoàn đã bắt đầu đi lùng bộ sưu tập ốc và san hô riêng mình.
Phóng to |
Đoàn khách du lịch khám phá tour mới cập cảng cù lao Câu |
Phóng to |
Một chú cá khổng lồ mắc cạn trên bãi cát dõi nhìn ra biển |
Phóng to |
Dáng đá trông như tượng phồn thực linga và yoni |
Phóng to |
Một chú sơn dương con đang cong đuôi leo lên vách đá |
Phóng to |
Hải âu ngắm biển từ đầu chú hải cẩu đá đang giỡn sóng |
Sau buổi trưa tha hồ thưởng thức sò, ốc đủ loại mà tàu đánh cá đưa chúng tôi ra đảo đã tranh thủ đi lặn mò về vô số, tôi và người bạn cùng trà dư tửu hậu với ông Hữu, một lão ngư sống lâu năm trên đảo. Câu chuyện của ông là cả một phần lịch sử thú vị của đảo gắn với cuộc sống từ ngày còn trai trẻ, lấy vợ và sinh con đẻ cái.
Cù lao Câu được đặt tên do ngày xưa cá lội lềnh khềnh, là nơi có đông ngư dân tìm ra đánh bắt, câu cá ngay gần bờ, trong khi ngoài khơi là nơi trú ẩn cho thuyền bè đánh cá dài ngày.
Thời lão Hữu còn trẻ, trên đảo cũng có khá đông cư dân sinh sống bằng nghề biển. Từ sau năm 1975, tất cả gia đình ở đây đều di chuyển về đất liền, chỉ riêng mình ông nhớ cuộc sống yên bình nơi đảo nhỏ nên xin phép chính quyền địa phương mở một quán nhỏ làm nơi cung cấp đồ ăn, nước uống cho những thuyền đánh cá các nơi ngang qua. Quán lạ bởi cứ mùa êm biển lặng mới xuất hiện, mùa gió bão nhiều ông lại kéo sập gọn vách nứa lại để mùa sau lại ra dựng tiếp.
Câu chuyện của lão ngư còn gắn với những địa danh trên đảo như Giếng Tiên vốn là một vết lõm sâu thiên tạo trên mặt hòn đá lớn, mà một người có thể đứng ngập đầu khi giếng chứa nước vào mùa mưa, giếng Gia Long là nơi vua Gia Long đã từng dừng chân và tìm ra nguồn nước ngọt quanh năm không hề khô cạn trên đảo – về sau là nguồn nước sinh sống cho cư dân trên đảo và nay là nguồn nước sinh hoạt cho trạm biên phòng đồn trú ở cù lao Thu…
Những câu chuyện truyền thuyết của ông lão Hữu còn gắn với những bãi tắm có cái tên đơn sơ mà ẩn chứa nhiều điều bí ẩn như bãi Cấy, bãi Miếu, bãi Cá Suốt, bãi Tắm Tiên…
Buổi chiều là thời gian dành cho cả đoàn đi khám phá những bãi tắm đẹp sạch tinh khôi, khép kín giữa những vách đá dựng đứng ven biển như một phòng tắm thiên nhiên mát mẻ, những bãi đá muôn màu muôn vẻ đứng nghênh mặt đón gió biển, từng đàn chim hải âu tung cánh trắng trên những bãi đá đen gần bờ… Dẫu phải lội giữa những bãi cỏ chen lẫn vô vàn bụi cây rừng đầy gai góc tua tủa cào tóe máu chân, ai cũng hài lòng vì đã mãn nhãn với nhiều khung cảnh tuyệt thú.
Phóng to |
Biển xanh cát trắng hoang sơ đẹp như tranh |
Phóng to |
Bãi tắm tinh khôi khép kín giữa những bờ đá cao |
Phóng to |
Ông Hữu – lão ngư “Robinson” trên đảo nhỏ cùng với cháu trai đứng trước ngôi quán dựng theo mùa gió biển của ông |
Phóng to |
Một tàu đánh cá mang biển số Bình Định cập cầu cảng tiếp nước, thức ăn và nghỉ ngơi lấy sức ở cù lao Câu |
Đêm buông dát vàng óng ánh trăng suốt đoạn đường đi từ ngôi quán lộng gió của lão Hữu về trạm biên phòng dịch sâu hơn cây số vào mé trong đảo. Những rừng dứa dại vờn gió ven bờ cát trắng lấp lóa trông như những nàng tiên đẹp tuyệt trần vừa hạ giới cùng múa hát và thưởng lãm vẻ đẹp trong ngần của biển trăng. Đây đó bập bùng trong muôn trùng tiếng sóng biển, tiếng đàn guitar của những anh lính trẻ biên phòng như càng làm không gian biển đêm sâu lắng hơn.
Đêm trên đảo nhỏ quá ngắn để chúng tôi phải luyến tiếc khi lên thuyền trở về đất liền vào sớm hôm sau. Mừng khi nghe ông Hồ Ba – phó chủ tịch huyện Tuy Phong nói trong tương lai gần, cù lao Câu sẽ trở thành một điểm du lịch đầy triển vọng. Một số công ty nước ngoài đã xin phép đầu tư khu du lịch, xây dựng casino, kết hợp du lịch sinh thái lặn biển… Trong định hướng phát triển du lịch của địa phương, nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình tour du lịch của Bình Thuận.
Trên sóng nước dập dềnh cùng con thuyền đánh cá đưa chúng tôi trở về làng chài Phước Thể, tôi mơ đến một ngày trở về cù lao Câu để chiêm ngưỡng những bãi biển tuyệt đẹp trên thức dậy sau một giấc ngủ dài. Và chỉ mong sao những bãi tắm tiên nữ ấy vẫn luôn giữ được vẻ xinh tươi trời phú…
Cù lao Câu cách Phan Thiết khoảng 110 km về hướng đông bắc, có chiều dài trên 1.500m và nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 7m. Từ đất liền nhìn ra trông như một chiến hạm lớn. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, trông như những đàn thú muôn hình muôn vẻ đầy kỳ thú. Có thể đến đảo từ nhiều điểm khác nhau như xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Bình Thạnh hoặc từ Cà Ná. Tùy theo từng bến đi, trung bình ghe máy đi khoảng 40 phút sẽ đến đảo. Hiện cù lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng về du lịch sinh thái. |
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn