Giàu tiềm năng và có sẵn thế mạnh, nhưng không phải trong thoáng chốc, du lịch tỉnh Quảng Ninh lớn mạnh và phát triển như hiện tại.
Ký ức về “vùng đất rồng” trong tôi là chuyến du lịch Hạ Long đầu tiên cùng cha mẹ, vào khoảng giữa năm 1995. Lần tắm biển đầu tiên ở Bãi Cháy của tôi là một buổi chiều nắng chói chang với cát trắng mịn trải dài, hàng phi lao xanh ngắt… Những bộ bàn ghế nhựa màu xanh rẻ tiền, hàng quán vắng vẻ, và dịch vụ du lịch chỉ ở dạng sơ khai, gồm cho thuê phao, đồ tắm, chụp ảnh, tráng nước ngọt là tất cả ký ức đọng lại trong tôi từ khi còn là một cô bé con đi theo gia đình.
Chuyến tham quan vịnh Hạ Long trong trí nhớ tôi cũng ngắn ngủi trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, thăm động Thiên Cung, Ðầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hòn Trống Mái… Chuyến đi gói gọn và trở về trong một buổi sáng, không kèm ăn uống trên tàu hay lưu trú qua đêm trên biển.
Rời Bãi Cháy, gia đình tôi bắt phà chừng 30 phút sang khu Hòn Gai. Thành phố bên bờ biển ngày đó nhỏ nhắn, vắng vẻ, không có nhiều lựa chọn vui chơi, chỉ có một con đường chính lầy lội bụi than chạy suốt từ bến phà Bãi Cháy đến Cẩm Phả.
Khu vực trung tâm giới hạn quanh phạm vi cột Đồng Hồ, nơi nhộn nhịp nhất là khu vực chợ Hạ Long 1 bây giờ, rồi phố Hàng Nồi, phường Hồng Gai, phố Cây Bàng, phường Bạch Đằng. Nhưng phố xá xưa vắng vẻ, nhuốm màu bụi than, không sáng sủa và tấp nập như bây giờ. Các công trình văn hoá phục vụ nhu cầu giải trí chỉ có rạp chiếu phim Hạ Long, Bạch Đằng thì cơ sở vật chất cũ kỹ, máy móc lạc hậu.
Thời điểm đó, nhắc tới Hạ Long, người ta nhớ tới vùng đất du lịch nổi tiếng, nhưng tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết. Hạ Long nhộn nhịp đấy, nhưng vẫn chỉ là “ăn sẵn”. Nghĩa là khách đổ về đây tắm biển, du lịch thăm vịnh đẹp đấy nhưng ít nhiều dần mất đi sự háo hức, dịch vụ chỉ vừa và đủ, không có lý do để ở lâu hơn hai ngày.
Ngoại trừ mùa hè, những mùa còn lại, du lịch nơi này quay lại với sự “im lìm”. Thảng lắm, mùa đông mới gặp vài ba tốp khách nước ngoài dạo bước trên đường phố, nhưng những người này cũng ít tới mức chính dân địa phương cũng thấy hình như khách tới “lạc mùa”.
Bắt đầu từ mùa hè năm 1996, Lễ hội Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh ra đời và kéo dài trong một tuần, với mục đích chính là kỷ niệm ngày Giải phóng vùng mỏ 25/4, ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Tuy không được đầu tư công phu và hoành tráng như bây giờ, song những ai đã từng hòa mình trong không khí của những mùa lễ hội đầu tiên hẳn còn nhớ mãi.
Trong không gian biển của khu vực Bãi Cháy, ngay tại bãi tắm trung tâm, màn múa rồng diễn ra thật náo nức và rộn rã. Khách du lịch và người dân địa phương cùng hòa vào không gian chung sôi động. Sự thay đổi quan trọng bắt đầu từ đây.
Sau nhiều lần tổ chức, tỉnh Quảng Ninh đã nâng tầm ngày này thành Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, biến các hoạt động của mùa du lịch diễn ra theo chuỗi, dài hơi để khách có thêm lý do mà ở lại.
Một bước ngoặt khác đánh dấu với các mốc phát triển du lịch Hạ Long là Carnaval Hạ Long được bắt đầu từ năm 2007.
Không ai có thể quên được sự háo hức, vui vẻ, bầu không gian đầy ăm ắp nụ cười trong những ngày lễ hóa trang. Du khách nước ngoài thích thú bởi tìm thấy nét văn hóa đặc sắc trong sự giao thoa của hiện đại. Người dân địa phương phấn khích bởi được trực tiếp làm “diễn viên”, tấp nập đi mua sắm áo quần, biến tấu trong các vũ điệu sôi động, trẻ trung và bừng bừng khí thế.
Là “hàng nhập khẩu”, nhưng lễ hội này thực sự đã tạo ra sự khác biệt, bắt đầu hành trình thay đổi ấn tượng của du lịch tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động cho thấy sự quyết tâm tìm tòi, đổi mới trong cách thức tổ chức quảng bá, nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách của những người làm “ngành công nghiệp không khói” tại vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới này.
Song song với những sáng kiến sự kiện, tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào đầu tư quy hoạch, xây dựng.
Nếu được hỏi, sẽ có rất nhiều người dân đồng ý rằng, trong suốt 50 năm kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay, có rất nhiều công trình đã làm thay đổi diện mạo của Quảng Ninh. Nhưng có lẽ công trình ghi dấu ấn đậm nét nhất, sâu sắc nhất trong lòng người dân hẳn là cầu Bãi Cháy.
Sau hơn 40 tháng thi công, ngày 2/12/2006, cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng. Có thể nói, ngày khánh thành cầu Bãi Cháy thực sự là ngày hội của người dân Quảng Ninh. Đó là “cây cầu trong mơ”, “điểm nhấn” cho bức tranh vịnh Hạ Long càng thơ mộng hơn, mang giá trị về mặt giao thông vận tải. Đây cũng chính là nút nối liền hai bờ Cửa Lục, chấm dứt việc chuyển tải qua phà Bãi Cháy, bến phà cuối cùng trên toàn tuyến Quốc lộ 18A từ các tỉnh phía trong ra cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tạo điều kiện kích thích sự phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung.
Từ cây cầu này, du lịch Quảng Ninh được phát triển đồng đều ở tất cả các thành phố, huyện, thị xã.
Tại Hạ Long, đường bao biển, cột đồng hồ, khu ăn vặt Cai Dăm, khu hải sản Bến Đoan, công viên, những bãi tắm, các đảo du lịch tất cả đều được đầu tư, phát triển đồng đều.
Vùng đất Đệ tứ chiến khu Đông Triều, một trong những cửa ngõ của Quảng Ninh, vốn xưa chỉ được biết đến là “vựa lúa” thì nay đã trở thành điểm du lịch làng quê nổi tiếng.
Thành phố Uông Bí vốn nổi danh với những lễ hội truyền thống như Lễ hội Yên Tử; đền, chùa Hang Son; chùa Ba Vàng; chùa Phổ Am… thì sắp tới đây còn có Làng hành hương, lễ hội hoa Anh đào và Mai vàng Yên Tử; điểm du lịch sinh thái Lựng Xanh, chợ cảnh Uông Bí, Quảng trường 25/2 và phố đi bộ trung tâm thành phố.
Điểm cuối của Quảng Ninh, thành phố Móng Cái, cũng nổi danh với khu du lịch Trà Cổ, chợ hải sản Trà Cổ, Lễ tế đền Xã Tắc, lễ hội đình Trà Cổ.
Giải dù lượn tại Hoành Bồ, phố đi bộ Tiên Yên, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cung đường phượt Bình Liêu… cũng trở thành lý do khách du lịch tìm đến Quảng Ninh.
Trong 5 năm, từ 2010 đến 2015, tỷ trọng dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh tăng từ 39,3% lên 43,4%. Cũng trong 2011- 2015, Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 10%/năm.
Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, trong 2 năm 2015-2016, tỉnh đã đón tiếp và hỗ trợ 130 lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trung bình một tuần, Quảng Ninh đón một đơn vị đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh.
Năm 2018, tỉnh đã đón hơn 12,2 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế đến từ 150 quốc gia, vùng lãnh thổ là 5,2 triệu lượt, chiếm 1/3 lượt khách quốc tế đến Việt Nam (15,5 triệu) trong năm nay. Mức tăng trưởng đạt 24% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 32%, con số cao nhất từ trước đến nay.
2018 cũng là năm du lịch quốc gia – Hạ Long, Quảng Ninh. Đến nay, du lịch Quảng Ninh đã ghi nhận những con số tăng trưởng và thành tựu ấn tượng. Số tiền du khách chi tiêu cho du lịch ở Quảng Ninh cũng tăng nhiều so với các năm trước. Cụ thể, mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế là 104 USD/khách, tăng 8,5 USD/khách so với năm 2017. Trong khi đó, con số của khách nội địa là 1,6 triệu đồng/khách, tăng 4% so với năm 2017.
Tính từ cuối năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút hơn 100 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm: Hạ Long, Móng Cái – Trà Cổ, Vân Đồn – Cô Tô, Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên.
Tôi trở lại Quảng Ninh sau hơn 20 năm, vào một ngày miền Bắc đang bước vào những ngày đầu đông, cái độ mà tiết trời chưa kịp lạnh mà mát mẻ dịu dàng đến kinh ngạc, phần lớn vì tò mò trước những hình ảnh trong đoạn giới thiệu ngắn ngủi của bộ phim bom tấn Hollywood Kong: Đảo Đầu Lâu của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Vẫn là làn nước biển xanh như ngọc, nắng vàng lấp lánh, từng con sóng xô vào bờ nghe như tiếng lòng của biển cả, cứ tầm chiều chiều, hoàng hôn lại nhuộn tím cả biển trời mênh mông. Vẫn là vịnh Hạ Long đẹp choáng ngợp với các hang động kỳ vĩ, thơ mộng do thiên nhiên ban tặng.
Nhưng nơi đây lại khiến tôi choáng ngợp vì nhiều lý do khác.
Lần đầu tiên tôi biết tới núi Bài Thơ, một trong những ngọn núi cao nhất tại Hạ Long, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát hầu hết trục đường chính của thành phố. Từ những góc độ khác nhau, mỗi người xem lại có thể tưởng tượng hình ảnh núi với một dáng vẻ, có thể là thế hổ phục, hay như sư tử vờn mồi, có góc lại cho người xem thấy hình ảnh một con rồng sắp bay lượn.
Tôi tới thăm Bảo tàng Quảng Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cũng là điểm “đắt khách” thu hút giới trẻ trong những năm trở lại đây. Ngay từ hàng bậc thang rất cao tới phần kính đen tuyền như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long, cộng thêm phông chữ viết tên bảo tàng đầy ấn tượng đã đủ để chụp một tá hình sống ảo. Không gian rộng rãi 3 tầng nhà của bảo tàng cũng đem đến một cái nhìn đầy đủ nhất cho khách tham quan về thiên nhiên và con người nơi đây.
Cùng nhóm bạn, tôi dành trọn ngày ở Dragon Park, khu công viên chủ đề lớn nhất Đông Nam Á, thử hơn 30 trò chơi đủ các thể loại, từ siêu mạo hiểm, mang đến cảm giác được chinh phục rất đã cho đến những trò chơi đã quen thuộc và gắn liền tuổi thơ.
Tôi cũng không giấu nổi sự choáng ngợp trước cảnh sắc vịnh Hạ Long khi đi cáp treo Nữ hoàng băng qua cửa ngõ vịnh Cửa Lục, nối liền từ bờ biển Bãi Cháy tới Ba Đèo.
Rời Bãi Cháy, tôi tới Quan Lạn, đảo nhỏ thuộc huyện Vân Đồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 55 km. Đảo Quan Lạn được biết đến là điểm du lịch biển đẹp, hấp dẫn du khách bởi không gian trong xanh, khoáng đạt, cảnh quan nguyên sơ, trong lành.
Ngày hôm sau, tôi tìm tới Đảo Ngọc Vừng, nằm ở thị xã Cẩm Phả, thuộc vịnh Bái Tử Long. Nơi đây thu hút bởi nghề khai thác ngọc trai dưới đáy biển. Ngọc trai ở đây nổi tiếng đẹp và sáng. Vào ban đêm, tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy hào quang của trai biển tạo thành một vừng sáng xung quanh đảo. Đảo có núi Vạn Xuân cao 182 m, có di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hạ Long, có bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn từ thế kỷ XII và di tích thành cổ nhà Nguyễn.
Tôi sẽ không quên được trải nghiệm hành trình khám phá vịnh bằng thuyền kayak, vừa khua mái chèo trên làn nước xanh, vừa ngắm cảnh thiên nhiên hút hồn.
Tôi cũng kịp thăm các làng chài ven biển, thưởng thức hải sản ở làng chài Ba Hang, uống thử món rượu ngán thơm nồng, ăn gỏi sam, xôi chả mực, bánh gật gù, nem chạo Quảng Yên, cà sáy Tiên Yên…
Suốt những ngày ở đây, tôi bao lần mải mê ngắm cung Quy hoạch triển lãm, phố biệt thự ven biển, đền Trần Quốc Nghiễn, công viên hoa Lán Bè… nằm dọc theo con đường bao biển với những cung đường một bên là biển, bên là núi.
Một buổi chiều, khi đang mê mải rảo bước trên những phố ẩm thực, tôi chợt nhận ra đường phố sạch sẽ, không hề có bóng dáng rác thải. Sự gọn gàng này cũng xuất hiện ở các phố đi bộ, bãi biển, công viên, khu bến phà cũ, khu vực vệ sinh, nhà tắm tráng. Thùng rác công cộng đặt khắp nơi. Giá niêm yết hàng quán rõ ràng từ quán ăn vỉa hè, chợ bình dân.
Người dân làm du lịch ở đây dường như đã đồng lòng với lãnh đạo tỉnh, biến Quảng Ninh thành vùng đất du lịch “xanh”, khách đến được phục vụ bằng sự tận tâm, những nụ cười, sự mến khách, thân thiện và lịch thiệp.
Kết quả này là do những thay đổi tích cực trong công tác quản lý cũng như đường hướng phát triển của tỉnh. Điển hình như chương trình Nụ cười Hạ Long được phát động từ cuối năm 2014 với thông điệp nụ cười đến từ trái tim.
Theo đó, chương trình này sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, ứng xử từ bản thân môi người, bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất đến người dân, giúp Quảng Ninh thực sự là mảnh đất du lịch, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Mới đây, ngày 30/12, tỉnh Quảng Ninh đồng loạt khai trương, thông tuyến 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và cao tốc Hạ Long – Vân Đồn.
Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư. Hoàn thành sau hơn hai năm thi công, nơi đây có thể đón tất cả loại máy bay hiện đại, có 6 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển, với công suất trong giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm, khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.
Cảng hàng không quốc tế đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đã mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn, góp phần đưa tỉnh này trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Tiếp đến, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long có khả năng đón tàu có tải trọng tới 225.000 GRT, tổng số người lên đến 8.460 (gồm hành khách và thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Đây là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, xóa “điểm nghẽn” lớn của ngành du lịch tàu biển là các cảng đều đón chung tàu khách và tàu hàng.
Khi đi vào hoạt động, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long sẽ tạo ra bước ngoặt phát triển mới cho ngành du lịch Quảng Ninh, mở thêm không gian mới cho hợp tác, phát triển du lịch, kinh tế mang tầm quốc tế. Đây cũng sẽ là đòn bẩy thu hút dòng khách quốc tế sang trọng đến với thành phố di sản, tạo đà cho du lịch bứt phá.
Cuối cùng, nhằm kết nối sân bay, cảng biển, tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đã chính thức được thông tuyến. Tuyến đường được thiết kế tốc độ 100 km/h, quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Vân Đồn từ 90 phút xuống còn khoảng 50 phút.
Cùng với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã thông xe đầu tháng 9, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tạo mạch giao thông cao tốc thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 giờ xuống còn 2 giờ 30 phút, tăng cường kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội Quảng Ninh.
Điều đáng chú ý, sau cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khởi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, hình thành trục huyết mạch giao thương quan trọng trong khu vực phía Bắc bằng hệ thống cao tốc hiện đại.
Việc Quảng Ninh đồng loạt tổ chức khai trương, đưa vào sử dụng chuỗi các công trình giao thông trọng điểm không chỉ tạo dấu ấn lịch sử, mà còn là bước ngoặt quan trọng trong việc giải bài toán huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đây cũng là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Tiếp nối thành công của năm 2018, đầu tháng 1/2019, Quảng Ninh sẽ là nơi tổ chức và diễn ra Hội chợ du lịch Travex, hội chợ du lịch quốc tế thường niên về du lịch lâu đời nhất trong khu vực ASEAN, với quy mô hơn 400 gian hàng của Việt Nam và các nước châu Á.
Năm 2019, Quảng Ninh là địa phương đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (ATF19). Toàn tỉnh cũng sẽ tổ chức 23 hội chợ, phiên chợ lớn nhằm là nơi giao thương, giao lưu bạn bè trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và du lịch trong toàn tỉnh.
Cùng với vẻ đẹp được tạo ra từ thiên nhiên và sự đầu tư, khai thác, tiếp thu các mô hình du lịch của các nước láng giềng, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò cũng như sự thông minh, nhanh nhạy trong các chiến lược, đưa hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách nhanh và chắc chắn, trên con đường khẳng định vị thế của mình.
Nguồn: News.zing.vn