Sau hơn hai năm, quán của anh Quang đã trao hơn 200 phần cà phê được trả tiền trước từ các nhà hảo tâm đến những người lao động nghèo ở Hà Nội.
Mô hình cà phê phần có nguồn gốc từ Italy. Hiểu một cách đơn giản, cà phê phần là những suất cà phê đã được khách đến quán, những người có điều kiện hơn trả tiền trước để dành tặng cho những người lao động ít có cơ hội được thưởng thức ly cà phê nguyên chất.
Anh Đặng Thiều Quang bắt đầu kinh doanh cà phê từ năm 1998 và nguyên liệu chủ yếu được nhập từ những vùng nổi tiếng như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Brazil, Nam Mỹ, Châu Phi… Nhờ đó, cà phê ở đây có hương vị tự nhiên, nguyên chất.
Với mong muốn loại thức uống này được phục vụ cho những lao động nghèo như người bán hàng rong, bảo vệ trực ca đêm, xe ôm, lao công…, anh đã áp dụng và triển khai mô hình cà phê phần từ tháng 4/2013.
Bất kỳ vị khách nào khi đến với quán đều sẽ nhìn thấy bảng ghi số lượng được cập nhật liên tục và ý tưởng cà phê để phần đặt ở vị trí dễ nhìn ngay cửa quán. Ảnh: Lê Thương |
“Ở một số nước trên thế giới, tiêu biểu là Italy, mô hình này rất thịnh hành. Vì không muốn người khác hiểu lầm mục đích của mình nên tôi đã thực hiện một cách âm thầm. Bạn bè là những người đầu tiên ủng hộ tôi, sau đó đến khách quen của quán. Khi mô hình này được nhiều người biết hơn, tôi đã có thể duy trì số lượng cà phê phần thường trực ở quán là 20 – 30 cốc”, anh Quang nói.
Nhiều vị khách khi đến quán, nhìn thấy mô hình này thường đặt câu hỏi làm thế nào để người lao động nghèo biết được những suất cà phê phần của anh mà tìm đến. Anh chia sẻ thời gian đầu triển khai mô hình này rất khó khăn, “vì tâm lý của những người được hưởng thường e ngại, đôi khi vì tự trọng mà họ không nhận”.
Những người lao động này cũng chưa bao giờ tìm đến nên hầu như anh và nhân viên quán thường chủ động đi mời. Đầu tiên họ ngạc nhiên, ngại ngùng nhưng với cách tiếp cận chân thành, theo kiểu “trời nắng quá, cháu mời bác một ly” thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Sau đó anh mới giải thích đồ uống đã được trả tiền trước từ những vị khách hảo tâm của quán để họ hiểu.
Những người lao động ở khu vực Giảng Võ thường không lạ gì người chủ quán thân thiện. Họ khá thoải mái khi được nhận những ly cà phê như vậy từ vài năm nay. Ảnh: Lê Thương |
Giá cho mỗi cốc cà phê là 20.000 đồng. Ý nghĩa của mô hình còn là sự chia sẻ lẫn nhau trong cộng đồng nên tùy từng khách mà anh sẽ mời họ những món đồ uống khác nhau. Với những người không quen hoặc không thích dùng cà phê, anh cũng linh động thay bằng đồ uống khác với giá tương đương, chẳng hạn thạch hoa quả, hoa quả dầm, sữa chua đánh đá…
Sau hơn hai năm thực hiện, đến nay quán đã mang hơn 200 ly cà phê phần đến với những người lao động nghèo. Ngoài ra, vào mỗi dịp cuối năm, hội chợ đầu xuân hay ngày lễ, tết, quán cũng thường tổ chức ngày hội cà phê sạch để mọi người có thể thưởng thức miễn phí.
Lê Thương
Nguồn: Vnexpress.net