Nếu như CR7 có hẳn một sân bay mang tên mình ở quê nhà, quán bar gia đình Messi chỉ có một vài bức ảnh của anh trên tường.
Trong quán bar vắng vẻ ở Rosario, Argentina, đã gần đến giờ bóng lăn một trận cầu của Barcelona, nhưng màn hình tivi vẫn đang trình chiếu một trận tennis. Điều này không có gì đặc biệt nếu đây không là quán bar thuộc sở hữu của gia đình Lionel Messi ngay tại quê hương mình.
Dấu hiệu duy nhất chỉ cho du khách biết nơi đây thuộc về Messi là những tấm ảnh của siêu sao bóng đá được treo khắp quán. Ảnh: AP. |
Không ai tỏ vẻ quan tâm đến trận đấu bóng có sự hiện diện của Messi cho đến khi Oshin Gharibi và Lena Wagner bước vào vội vã, yêu cầu người phục vụ đổi kênh. Những du khách trẻ đến từ Đức này đã tiết kiệm tiền trong nhiều tháng để có thể thực hiện một chuyến đến nơi chôn rau cắt rốn của thần tượng. Nhưng họ đã sớm thất vọng: Không có tượng sáp, không có bảo tàng hay những bức tường với đầy danh hiệu.
“Có vẻ như tôi còn yêu mến Messi hơn cả người dân Rosario”, Oshin Gharibi, 32 tuổi, cho biết khi xem trận đấu bên cạnh bạn gái Lena Wagner, 23, người đang mặc một chiếc áo đấu Barcelona với số 10 của Messi ở phía sau.
Hai du khách Đức chụp ảnh lưu niệm tại nhà hàng của Messi trong chuyến du lịch tới Argentina. Ảnh: AP. |
“Messi đã trở thành ngôi sao lừng lẫy từ một nơi nhỏ bé như vậy,” Gharibi nói. “Tại sao họ không thể cho anh ta một sự công nhận xứng đáng?”
Đây có lẽ cũng là câu hỏi của nhiều người. Cristiano Ronaldo có một sân bay mang tên mình trên hòn đảo quê nhà Madeira ở Bồ Đào Nha; Pele có một bảo tàng riêng ở thành phố quê hương Santos, Brazil; thậm chí Rocky Balboa – một võ sĩ quyền Anh hư cấu – cũng còn được kính trọng với một bức tượng ở Philadelphia. Mỹ. Vậy tại sao Rosario dường như lại có một ác cảm với cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như vậy?
Câu trả lời có thể tìm được ở một số giả thuyết: Thứ nhất, đó là sự so sánh Lionel Messi với tượng đài Diego Maradona: Đá hay mà không chiến thắng thì đều vô nghĩa. Messi đã giành được mọi danh hiệu, trừ Wolrd Cup. Giải đấu tại Nga tới đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để Messi, người đã bước sang tuổi 31, dẫn đầu đội tuyển Argentina đến chiếc cúp vàng.
Ngoài ra, ở thành phố lớn thứ 3 Argentina này, nói đến bóng đá người ta sẽ chỉ quan tâm đến hai câu lạc bộ: Rosario Central và kỳ phùng địch thủ Newell’s Old Boys, câu lạc bộ thời thơ ấu của Messi.
Lena Wagner và Oshin Gharibi tới thăm ngôi nhà mà Messi sống thời thơ ấu ở La Bajada, Rosario. Ảnh: AP. |
“Bạn sẽ thấy hơi thở bóng đá ở khắp mọi nơi tại Rosario, nhưng, không khí đó lại không có mùi của Messi”, Guillem Balague, tác giả của cuốn “Messi”, viết.
Mọi người dường như đều biết đến Messi, nhưng sẽ “gần như là khiếm nhã nếu để hình ảnh anh ấy dán khắp mọi nơi,” Balague nói. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể thay đổi được tình yêu của Messi đối với quê hương mình. “Khi bạn hỏi những ký ức yêu thích nhất của Messi là gì, anh ấy sẽ không ngại ngần trả lời: ngôi nhà của tôi, khu phố của tôi, và nơi tôi được sinh ra”.
Khi các du khách Đức đi bộ đến cánh cổng gỉ sét trước ngôi nhà thời thơ ấu của Messi, họ không thể giấu nổi niềm vui. “Chúng tôi đã có thể đến một bãi biển ở Barcelona, Thái Lan hoặc Australia, nhưng chúng tôi chọn đến đây”, Wagner nói. “Không có gì hối tiếc khi được nhìn thấy nơi anh ấy lớn lên”.
Messi luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Rosario. Giọng nói của anh không thay đổi dù đã rời xa thành phố tới 18 năm. Messi cũng thường xuyên trở lại thăm nhà, và cũng chính tại đây, tiền đạo của Barcelona đã tổ chức hôn lễ với cô người yêu từ thời thơ ấu của mình vào năm ngoái.
“Tôi không nghĩ rằng có điều gì chống lại Messi, có lẽ đó là một thứ có tính văn hóa mà chúng tôi phải đánh giá và suy nghĩ lại… Những người như Messi có lẽ xứng đáng được công nhận nhiều hơn”, Sandro Alzugaray, một nhà điêu khắc cho biết.
Messi được sinh ra một năm sau khi Maradona dẫn dắt Argentina đi đến cúp vàng World Cup năm 1986. Nhưng anh lại phải sống cùng sự so sánh với cựu đội trưởng huyền thoại trong suốt cuộc đời của mình.
“Đối với chúng tôi, những người đã chăm sóc Messi, thật đau lòng khi phải nghe người ta chỉ trích hay so sánh cậu ấy với Maradona,” Andrea Liliana Sosa, một trong những giáo viên cũ của Messi, nói.
Một bức tranh tường của Messi hồi trẻ tại trung tâm đào tạo trẻ của câu lạc bộ Newell là dấu hiệu duy nhất cho thấy cầu thủ từng 5 lần đoạt quả bóng vàng FIFA từng là một cầu thủ nổi bật ở đây.
“Tôi cho rằng chúng tôi đã không quan tâm đến marketing một cách hợp lý”, Gustavo Pereira, một huấn luyện viên đội trẻ của Newell, nói.
Ngoài ra, có thể người dân Rosario cũng quan tâm nhiều đến sự riêng tư của Messi bởi họ còn muốn anh ta quay trở lại đây.
Hector De Benedictis, Tổng thư ký Du lịch Rosario cho biết: “Khi có người đề nghị một tour du lịch về Messi, nó khiến tôi đau lòng”. Benedictis 2 lần nỗ lực thực hiện một chương trình như vậy, nhưng gia đình Messi đã từ chối đề xuất này với lý do riêng tư. “Đây là một vấn đề thuộc về đạo đức”.
Trường Đặng
Nguồn: Vnexpress.net