Lạc đường, cháy rừng đuổi phía sau lưng, đá tai mèo nhọn hoắt phía trước, cào chảy máu tay, nhưng đoàn 5 người vẫn quyết tâm tìm tới tận điểm xa nhất về phía bắc của Việt Nam.
Cao nguyên đá Hà Giang vốn xa xôi hiểm trở nhưng lại có sức hút lớn với những người ưa thích phiêu lưu mạo hiểm. Nằm cách xa cột cờ Lũng Cú và cả mốc 428 (mốc biên giới xa nhất về phía bắc của Việt Nam) là điểm cực bắc, nơi mà nhiều dân phượt đều muốn được một lần đặt chân tới.
Vào một ngày nắng cuối tháng 2, đoàn chinh phục cực bắc gồm 3 chàng trai là An, Phúc, Hải và 2 cô gái là Nguyên, Trinh đã xuất phát lên đường từ đồn biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang. Đa số công tác và sinh sống ở TP HCM nên đây cũng là lần đầu tiên họ có cơ hội được ghé thăm địa điểm nổi tiếng này.
8h sáng mọi người lên xe máy chạy qua thôn Xéo Lủng và tới được một bãi đất rộng nơi dân du lịch nghỉ chân. Vì con đường không còn dễ đi nên đoàn đã để xe lại và bắt đầu bộ hành từ 8h40. Sau hơn nửa tiếng, mọi người cũng tới được quả đồi cao nằm ngay địa đầu Tổ quốc, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn xuống dòng sông Nho Quế.
“Ban đầu chúng tôi lầm tưởng tới cột cờ Lũng Cú hoặc mốc 428 là điểm cực bắc rồi trở về ăn trưa ở đồn nên không hề mang theo một chút thức ăn nước uống nào. Khi mình tìm trên GPS thì chính xác điểm đó nằm ở mỏm đất nhô lên giữa lòng sông Nho Quế. Dù rất xa vị trí mọi người đang đứng, thêm vào đó là địa hình trơn dốc không một lối mòn nhưng tất cả quyết tâm không bỏ cuộc”, An kể lại.
Đường xuống điểm cực bắc rậm rạp lau lách. Ảnh: Thảo Nguyên. |
10h sáng, mặt trời gần lên tới đỉnh đầu, nắng chiếu xiên mặt người và dốc núi sừng sững cũng không ngăn được bước chân họ. Từng người một tìm cách trượt theo sườn núi, bám vào cỏ lau hay bất cứ vật gì có thể để đi tiếp. Tuy nhiên, một đám cháy rừng từ dưới chân núi bốc khói lan lên khiến tất cả phải chuyển hướng đi và thận trọng hơn.
An kể lại: “Vào thời điểm đó, đoàn dự tính leo lên do đám cháy gần nhưng điều này là hoàn toàn vô vọng do dốc quá cao. Vậy là mọi người quyết định vòng sau đám cháy xuống lòng sông mới có đường thoát. Gai góc cào nát cả người”. Cả quãng đường chỉ có thể rạp mình bấu víu vào đất đá và cỏ để đi theo bản năng mà thôi.
Lau lách mọc che khuất tầm nhìn kèm theo khói cay xè mắt nên không những phải tự tìm đường tránh vụ cháy mà đoàn còn gặp sự cố lạc mất một thành viên. Đó là khi cả đoàn phải dàn ngang hàng người, vừa bám vừa trượt theo sườn núi xuống nên rất khó thấy được người đi tiếp sau mình. Khi dừng kiểm tra quân số thì mọi người không thấy Trinh đâu.
Sau gần nửa tiếng vừa đi trở lại vừa hú gọi đến khàn cả giọng, nhóm cũng phát hiện ra cô gái đang ngồi khóc nấc lên vì quá sợ hãi và hoảng loạn. Đoạn sau do thể lực yếu dần mà Trinh bất cẩn bị đá cắt vào tay máu chảy rất nhiều, tuy vậy 5 thanh niên cứ tiếp tục không ngơi nghỉ vì đám cháy vẫn rừng rực sau lưng.
Một đoạn sông Nho Quế nằm ở phần ranh giới của hai nước Việt – Trung. Ảnh: Thảo Nguyên. |
Khoảng 13h, họ xuống tới sông Nho Quế nhưng còn tới 500 m nữa mới là đích. Cả nhóm chỉ nghỉ chân, uống nước lấy sức một lát rồi lên đường. Quãng đường này mọi người phải liều mình nhảy qua các tảng đá ven sông, luồn lách qua rừng cây rậm rạp, cẩn trọng khi trườn sát vách đá cao vì chỉ sơ sẩy là có thể rơi xuống bãi đá nhọn dưới sông sâu.
Cuối cùng, 15h20, cả 5 người mừng vui khôn xiết vì tìm đến được điểm cực bắc thật sự, chính là nơi phân định biên giới hai nước Việt – Trung. Nguyên, một thành viên nữ trong đoàn, từng đi “phượt” rất nhiều cũng phải chia sẻ rằng: “Trượt cỏ, leo vách núi, hít khói bụi cháy rừng, uống nước sông…. Thật là chuyến đi nhớ đời”.
Nhớ đời không chỉ vì họ đi tới một nơi mới mà vì hành trình quá đỗi bất ngờ (không lường trước thời gian và không có sự chuẩn bị), từ lộ trình tự vạch ra, từ chặng đường xuống núi gần như trượt bằng cả thân mình, xử lý sự cố theo bản năng… Nhớ đời nhất chắc chắn là khi họ cảm nhận được niềm hạnh phúc vỡ òa lúc đặt chân tới điểm cực bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy vậy, họ chỉ được dừng nghỉ và tận hưởng niềm vui đó trong vài phút rồi phải tìm cách trở về trước lúc trời tối.
Con đường về không còn quá khó khăn vì nhóm đã tìm ra lối mà người dân tộc và bộ đội biên phòng thường đi. Do không được ăn trưa và di chuyển liên tục nên ai cũng mệt mỏi. Thời gian không còn nhiều, mặt trời cũng dần xuống núi nên 5 người hỗ trợ, thúc giục nhau trở về. Niềm vui khôn xiết sau cùng là cả đoàn gặp được anh Sùng Mí Mỉ (bí thư xã Xéo Lủng) tiếp tế nước và trở về đồn biên phòng Lũng Cú an toàn lúc 19h.
Hương Chi
Nguồn: Vnexpress.net