Mất 3 tiếng để vượt qua 11 km tìm đến bản Kho Mường (Thanh Hóa) nằm sâu trong thung lũng nhưng chúng tôi đã được ăn bữa cơm ngon và lắng nghe những câu chuyện không thể nào quên.
Rời Hà Nội từ 5h30, chúng tôi lên xe hướng thẳng đại lộ Thăng Long, tìm đường đến xã Lũng Vân, Tân Lạc, Hòa Bình. Đường lên Lũng Vân cứ cao dần với những con dốc không tên, trời nắng đẹp nên chúng tôi tranh thủ dừng nghỉ bên suối và chụp ảnh.
Cảnh vật bên đường không có núi non trùng điệp hay đá tai mèo dựng đứng như ở Hà Giang, không nhiều ruộng bậc thang như ở Mù Cang Chải mà là một cánh đồng ngô trải rộng miên man. Ngô ở đây trồng từ trên triền đồi, triền núi rồi tràn ra khắp các thung lũng như một tấm thảm khổng lồ.
Không giống nhiều người đi trước, thường qua lối Mai Châu, Hòa Bình, chúng tôi rẽ theo một con đường vẫn chưa có trên bản đồ để đến khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, ở Bá Thước, Thanh Hóa. Đường bê tông rộng đủ cho xe khách đi qua, nhưng lại dốc xuống theo từng khúc cua tay áo làm xế có cảm giác như cả xe và người đang lao xuống vực.
Đây là đoạn đường phá từ vách đá còn dang dở, bên núi không kè đất, còn bên vực sâu hút. Đi ngày nắng không sao nhưng mùa mưa đất đá có thể rơi từ trên núi xuống lòng đường rất nguy hiểm.
Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa đổ nước để chuẩn bị vụ mới. |
Quá trưa đã vào địa phận huyện Bá Thước chúng tôi mới tìm được một nhà dân có bán hàng lặt vặt để nghỉ chân, và hỏi thăm đường đến bản Hiêu để nghỉ đêm hôm đó. Đường lên bản là đường đất mềm đi qua nhiều suối, lác đác thấy cả những guồng nước đang quay chầm chậm. Chúng tôi đến được bản Hiêu vào khoảng giữa chiều, vừa lúc nắng tàn dần và có mưa nhỏ.
Gần ngôi nhà sàn chúng tôi ở là thác nước. Thác không cao mà nước đổ thành nhiều tầng thấp. Người khỏe có thể lội ngược lên thượng nguồn thăm thú, nếu muốn tắm thác hãy đi bộ theo lối mòn men theo dòng nước. Càng xuống phía dưới, nước thác càng nhiều, trong xanh và rộng rãi hơn.
Cơn mưa cuối chiều ập đến làm không khí mát lạnh hơn, nhà sàn chúng tôi ở dựa lưng vào một dãy núi, nhìn thẳng xuống ruộng đồng và bản làng bên dưới. Ánh hoàng hôn chỉ kịp lấp ló rồi tắt hẳn nhưng không gian tĩnh lặng và thanh bình đến mức mọi người chỉ muốn ngồi mãi dưới hiên nhà.
Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy để đi chợ phiên Phố Đoàn. Chợ chỉ họp thứ 5 và chủ nhật hàng tuần nên người dân khắp nẻo đều về đây ăn uống, buôn bán và giao lưu sôi nổi. Sau một buổi sáng rong chơi, mua nào chuối, dưa, lạc luộc, thổ cẩm, măng tươi, ăn sáng bằng bánh chả, bánh cuốn, bánh rán nếp cẩm và gặp gỡ những người bán vồn vã, dễ thương, chúng tôi tiếp tục đến bản Kho Mường.
Bản cách chợ khoảng 11 km nhưng đường đi không hề dễ dàng nên phải mất 3 tiếng chúng tôi mới tìm đến nơi. Rẽ vào một lối đi heo hút, chạy xe qua không biết bao nhiêu dốc, con đường đá dăm vẫn trải dài trước mặt. Chúng tôi nghỉ chân ở lưng chừng núi, nhìn sang bên kia vực sâu là đường quốc lộ 15C. Những mái nhà sàn nhấp nhô và bạt ngàn ruộng bậc thang, cảnh tượng khiến chúng tôi bất ngờ và say sưa ngắm đến quên cả mệt nhọc.
Đoạn cuối cùng vào Kho Mường khiến ai cũng phải rợn người. Đường rộng chừng 70cm, dù được đổ bê tông mỏng nhưng dốc đến mức đầu xe cứ chúi xuống, chỉ lệch bánh một chút là cả xe và người đều có thể rơi xuống vực. Sau những giờ phút cầm lái căng như dây đàn, chúng tôi đến nơi mà có phần hơi hụt hẫng, cảnh sắc không quá xuất chúng, cánh đồng Kho Mường nằm giữa một thung sâu, bao quanh là núi đồi che kín.
Cung đường phượt Pù Luông, Thanh Hóa
Nơi chúng tôi nghỉ trưa là nhà bác trưởng bản cũ, làm mô hình homestay cho bà con trong bản học tập. Trước khi ăn mọi người kéo nhau đi hang Kho Mường nằm cách đó khoảng một km, hang có trần cao, lòng rất rộng và sâu. Chỉ đứng ở cửa hang cũng có thể ngắm nhìn những khối thạch nhũ lớn rủ xuống từ trần cho tới các khối đá vôi khổng lồ bên trong.
Về lại nhà sàn được dùng bữa cơm trưa mà mừng vui hết thảy, nhóm chúng tôi được xếp cho một mâm ngồi cạnh cửa sổ, gió mát lồng lộng. Bên ngoài có treo lồng của một chú chim yểng biết tiếng người. Mỗi lần nó cất tiếng trêu đùa, ai nghe xong cũng phải phá lên cười.
Mâm cơm được dọn ra với gà rang, thịt lợn ướp mắc khén và phết mật ong bỏ vỉ nướng, măng xào tía tô, đĩa lặc lày luộc ngọt mát, tô canh mồng tơi và đĩa củ kiệu muối ngon không chê vào đâu được. Gió ngoài đồng thổi vào mát rượi, ăn xong ai nấy lăn quay ra ngủ quên cả lối về.
Bữa cơm trưa no đủ ở bản Kho Mường của bốn người chúng tôi. |
Tỉnh giấc trưa, trò chuyện với bác chủ nhà dưới hiên, chúng tôi được nghe kể về mảnh đất Pù Luông, về đỉnh núi cao hơn 1.700 m, nơi thực dân Pháp xây dựng đường bay để tháo chạy, về những câu chuyện lịch sử hiếm người biết, và về điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nơi đây.
Hành trình quay về có phần trắc trở hơn. Nghỉ trưa xong, xe của chúng tôi bị thủng xăm và phải tìm người thợ duy nhất trong bản, chờ sửa xe mất thêm cả tiếng đồng hồ. Bản Kho Mường có 3 lối ra nhưng chỉ một con đường có thể đi xe máy nên chúng tôi phải quay lại chính con dốc kinh hoàng đã đi vào ban sáng.
Vừa ra đường lộ, cơn mưa nặng hạt đổ như trút làm mọi người phải dừng ven đường để trú và mặc áo mưa đi tiếp vì đã muộn giờ so với kế hoạch. Chạy xe dưới cơn mưa rát mặt, sấm chớp nổ đùng đoàng bên tai, cảm giác khi ấy thật điên rồ, vừa lo sợ vừa thú vị.
Khi mưa ngừng hẳn thì hoàng hôn cũng vụt tắt. Chúng tôi chạy xe miệt mài trong đêm tối, vụt qua trước mũi xe là ánh đèn của những chiếc ô tô tải, xe khách chạy ẩu. Có những quãng cả chục cây số không một bóng đèn ven đường, tôi cầm lái theo cảm tính, căng mắt nhìn phía trước, đếm từng cột mốc tính km trở về Hà Nội… Đó cũng là đoạn đường liều lĩnh nhất mà tôi từng đi từ trước đến giờ.
Chuyến đi chỉ hai ngày nhưng để lại rất nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là cảm xúc khó tả trước thiên nhiên và con người Pù Luông, thưởng thức biết bao đặc sản ngon, lắng nghe những câu chuyện mà chỉ khi đến tận nơi mới cảm nhận hết được.
Xem thêm: Kinh nghiệm phượt ngắm lúa Pù Luông và tắm thác xứ Thanh
Nguồn: Vnexpress.net