“Hầu như khách sạn trên Sa Pa không còn phòng cho dịp 30/4-1/5”, một thành viên ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Sa Pa nói với Zing.
Tuy nhiên, khi tham gia vào các hội nhóm mua bán phòng hay review du lịch Sa Pa, phóng viên nhận thấy việc đặt chỗ sát ngày vẫn còn.
“Phòng đơn, phòng đôi có hết. 800.000 đồng/phòng đơn/đêm. Phòng đôi giá 1,2 triệu đồng/đêm nhé. Đều ngay trung tâm cả”, L., một tài khoản có thông tin địa chỉ ở Lào Cai tư vấn khi phóng viên hỏi đặt phòng trong nhóm.
Căn phòng giá 800.000 đồng/đêm mà L. tư vấn nằm ở đường Thạch Sơn. Diện tích phòng chỉ hơn 10 m2 cùng tiện nghi đơn giản như tủ gỗ, TV màn hình lồi, nhà vệ sinh sát giường ngủ. Trong dịp thường, căn phòng này chắc chỉ có giá khoảng 200.000 đồng/đêm.
Việc đặt phòng trên Sa Pa sát dịp lễ vẫn diễn ra rất sôi nổi trong các hội, nhóm. |
Phòng đôi giá cao hơn từ 200.000-400.000 đồng có thêm một giường lớn nhưng diện tích cũng khá nhỏ. Với mức giá khoảng hơn 1 triệu đồng/đêm, du khách có thể tìm được một phòng khách sạn 4 sao trong dịp lễ (nếu đặt sớm).
Tìm hiểu trong các hội nhóm khác trên mạng xã hội, phóng viên được giới thiệu một phòng khác tại khách sạn Green (đường Hoàng Liên Sơn) giá hơn 1,5 triệu đồng/đêm (phòng deluxe giường đôi). Giá bình thường của loại phòng này chỉ vào khoảng 600.000-700.000 đồng/đêm.
Phóng viên đã liên hệ với khách sạn này với tư cách khách hàng đặt phòng 2 người từ 30/4-2/5. Nhân viên khách sạn này nói họ chỉ còn phòng giá 1,2 triệu đồng/đêm/2 người lớn.
Việc trên mạng có những bên rao bán phòng giá 1,5 triệu đồng/đêm, nhân viên chỉ giải thích: “Chắc họ ôm phòng chứ khách lẻ bên mình đặt kín cả rồi. Khách sạn chỉ để trống 2 phòng giá 1,2 triệu đồng/đêm để phòng trừ”.
Trong khi đó, H., một người bán khác, chào giá 800.000 đồng/đêm cho khách sạn Sapa Valley View (đường Mường Hoa). Ngày thường, giá phòng cao nhất của khách sạn này cũng chỉ tới khoảng 800.000 đồng cho loại suite gia đình. Loại phòng mà người bán gửi chỉ có một giường và diện tích không quá lớn.
Nhìn chung, hiện tại, việc tìm phòng trên Sa Pa cho dịp lễ sắp tới không quá khó. Tuy nhiên, số tiền cho người đặt sát ngày bỏ ra sẽ cao hơn thực tế.
Nhiều đối tượng “ôm” phòng và bán giá cao sát ngày nghỉ lễ. Ảnh: Valley View. |
Theo ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, đây có thể là hiện tượng “sốt ảo” khi một số cá nhân “ôm” phòng khách sạn và đến sát ngày mới nhả ra để bán giá cao.
“Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt từ khách nhưng phòng cũng không có. Tính đến thời điểm này, các tour đi Sa Pa đã bán hết sạch. Trong tuần có khi không ai đi Sa Pa nhưng cuối tuần đông hẳn. Dịp 30/4-1/5, lượng khách còn cao hơn cuối tuần 5-6 lần”, ông Tú nói.
Chia sẻ với Zing, thành viên của Hiệp hội Du lịch Sa Pa thừa nhận họ khá đau đầu với trò “ôm phòng” dịp Tết. Theo người này, việc ôm phòng để đẩy giá cao có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Sa Pa.
“Ví dụ, khách sạn tôi bán giá dịp lễ 1 triệu đồng/phòng/đêm. Anh ôm phòng và bán lại 3 triệu đồng cho người khác. Như vậy, không phải khách sạn tôi vẫn mang tiếng bán đắt? Đây là vấn đề khiến hiệp hội đau đầu dịp này”, đại diện đơn vị nói.
Mặt khác, người này cũng cảnh báo các phòng bị đẩy giá quá cao so với chất lượng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm không tốt. Trong khi đó, các khách sạn từ 3-5 sao ở Sa Pa thường không tăng giá quá nhiều dịp này, thậm chí là giữ nguyên.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng cảnh báo thêm về khả năng lừa đảo thông qua việc bán phòng qua mạng. Lý do bởi người mua không biết mặt người bán. Khi gọi xác nhận với khách sạn, có khả năng họ sẽ được khách sạn báo hết phòng do đối tượng kia đã “ôm” từ trước.
Nguồn: News.zing.vn