Phi công rơi máy bay 11 lần không chết

0
12
phi-cong-roi-may-bay-11-lan-khong-chet

Trong 40 năm hành nghề phi công Clinger Borges do Vale phải đối mặt với 11 vụ rơi máy bay, một lần cháy buồng lái nhưng vẫn sống sót và không bị thương tật.

Sinh ra và lớn lên ở Itaituba, sâu trong rừng mưa Brazil, Clinger Borges do Vale có hai lựa chọn cho cuộc đời: trở thành thợ đào vàng trái phép (garimpeiro) hoặc phi công lái máy bay. Cuối cùng, ông cùng 6 người anh em khác trong gia đình đã chọn cách thứ hai, vì e ngại công việc đào vàng nguy hiểm.

phi-cong-roi-may-bay-11-lan-khong-chet

Clinger thời trẻ trên chiếc máy bay trước khi thực hiện chuyến đi của mình. Ảnh: Clinger Borges do Vale.

Chia sẻ trên Guardian, ông tự nhận mình là phi công may mắn nhất thế giới với “bề dày kinh nghiệm” là 11 lần bị máy bay rơi, một lần cháy buồng lái trong suốt sự nghiệp mà không bị thương, 

Ông cũng tận mắt chứng kiến 2 khách bay cùng mình chết trong tai nạn máy bay rơi. 3 người anh em khác của ông cũng thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không khác. “Anh trai tôi chết khi máy bay của anh ấy rơi xuống rừng 40 năm trước. Em út của tôi gặp tai nạn vào tháng 12. Nhưng không ai biết chuyện gì đã xảy ra”, người phi công đã giải nghệ nhớ lại.

phi-cong-roi-may-bay-11-lan-khong-chet-1

Clinger giờ đã về hưu và luôn cảm thấy mình quá may mắn trong suốt sự nghiệp lái máy bay nguy hiểm. Ảnh: Clinger Borges do Vale.

Công việc chính của những phi công như Clinger là chở các garimpeiro, gái mại dâm và thiết bị đào vàng trên chiếc máy bay phản lực cánh quạt, đi từ các mỏ vàng trái phép quanh khu vực Amazon tới sân bay thành phố Itaituba. Đây cũng là một trong số 10 sân bay nguy hiểm nhất thế giới.

“Tôi tin chắc rằng khu vực này là nơi nguy hiểm nhất để bay. Tôi đã mất nhiều bạn bè trong các tai nạn máy bay. Bạn sẽ thường phải hạ cánh khẩn cấp trên những đường băng tạm thời trong rừng cây, các sườn đồi chỉ dài 300 m”.

Đổi lại, công việc nguy hiểm này lại mang tới cho Clinger rất nhiều tiền. “Tôi mua 3 chiếc xe mỗi năm, vali đầy tiền khi đi du lịch. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã kết thúc. Những ngày đó đã qua rồi”, cựu phi công nhớ lại.

Sau 40 năm, Clinger giờ không còn bay nữa. Ông giải nghệ vì gặp vấn đề sức khỏe. Con trai và cháu nội vẫn tiếp tục sự nghiệp lái máy bay.

Dù ngày nay, chính phủ đã có biện pháp mạnh tay trấn áp các garimpeiro, nhưng các chuyến bay trái phép này vẫn chiếm 80% số lượng dừng đỗ tại Itaituba.

phi-cong-roi-may-bay-11-lan-khong-chet-2

Các chuyến bay của Clinger và hàng nghìn phi công khác quanh khu vực rừng rậm Amazon thường phải hạ cánh tại những đường băng “tự chế”. Ảnh: Clinger Borges do Vale.

“Chúng tôi có 30 chuyến bay mỗi ngày. Nhưng vào những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi ngày chúng tôi đón 300-400 chuyến bay. Rất nhiều phi công đã phải lượn vòng vòng trên trời để chờ hạ cánh do sân bay quá tải”, Antonio Anderson, nhân viên làm việc tại sân bay nói.

Nguồn: Vnexpress.net