Thông tin này được ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết ngày 7-5.
Phóng to |
Hang động ở Phong Nha. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Chuyến khảo sát từ ngày 16-3 đến 25-4-2014, do Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội) và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thực hiện.
Trong số hang động mới, có ba hang động là Mây (dài 1.100m, sâu 200m), Vực Mới (sâu 213m) và Lan (dài 1.230m) rất có ý nghĩa cho nghiên cứu hang động. Phía đông đường 20 từ bản A Ky có hang A Ky có chiều dài 1.260m, trong hang có suối chảy ra và hệ thuỷ văn bắt nguồn từ Lào. Phía tây đường 20, từ bản Cồn Cốc (đi bộ 3 ngày) có hang khô Vọng Phu, dài 840m, sâu 146m hình thành ở tầng cao của núi đá vôi. Cũng phía tây đường 20, tại km 24 (2 ngày đi bộ) có hang Khe San và hang Vực Thê… Đặc biệt nhất là hang Vực Thê có chín cấp, sâu đến 207m là một phát hiện mới về kiểu hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Một số hang động khác có ý nghĩa về địa chất địa mạo là Thạch Sình, Khe Dung như dạng hố sụt tương tự như hố sụt ở hang Sơn Đoòng, nhưng có lối vào thấp ngay ở phía dưới hố. Hang Khe Dung ở phía bắc hang Én, điểm khá lạ là nó nằm trong khu vực có rất ít núi đá vôi. Hang Bang dài 662m, cửa hang nhỏ, có thể chứa lượng nước lớn vào mùa mưa.
Ngoài việc ghi nhận thêm hang mới, đợt khảo sát này cũng đo vẽ và ghi nhận bằng hình ảnh, toạ độ, độ cao các hang động ngay trong chuyến đi và chuyển thông số lên bản đồ hang động của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn