Quảng Ngãi Vừa tốt nghiệp đại học, không một đồng vốn, Đặng Văn Sâm tuyên bố về đảo Bé, Lý Sơn, làm du lịch.
Ba mẹ Sâm nặng nhẹ phản đối, nói uổng tiền bao năm ăn học. Nhưng Sâm vẫn rời Nha Trang khi đang có việc làm đúng sở thích. Anh thu dọn phòng trọ, gói ghém đồ đạc, “tay trắng” lên đường về quê.
Đó là năm 2018.
Ba mẹ Sâm, sống ở đảo Lớn, chẳng mấy vui vẻ khi thấy con trai đặt đống hành lý trên sân. Điều đó không giống những lần trước, khi anh về nhà trong các kỳ nghỉ lúc đi học hay mới ra trường. Những cuộc cãi vã từ nhỏ đến to dai dẳng mỗi khi Sâm ở nhà.
“Con còn trẻ, chưa vướng bận gì, thất bại thì làm lại”, Sâm kiên quyết. Không đợi cha mẹ xuôi lòng, Sâm vẫn rời nhà qua ngoại, “xin” đất làm homestay.
Từ đảo Lớn tới đảo Bé mất 15 phút di chuyển bằng ca nô. Đảo Lớn đông người bao nhiêu thì đảo Bé vắng vẻ bấy nhiêu. Du lịch Lý Sơn bỗng dưng bùng nổ nhờ những chuyến tàu và lưới điện, nhưng đa phần du khách chỉ tới đảo Lớn. Một vài hộ dân mở homestay và kinh doanh du lịch ở đảo Bé nhưng không trụ vững, giải thể sớm. Mùa đông lạnh lẽo, cuối hè mùa bão nguy hiểm, gần nửa năm đảo Bé như bị cô lập với đất liền. Chỉ cần trái gió một chút, tàu thuyền sẽ không được đưa khách ra đảo Bé. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến nhiều người rời đảo.
“Quê mình nghèo, nguồn thu từ du lịch không đủ sinh kế. Mình phải tìm cách mới hơn những người từng làm ở đảo Bé”, Sâm nói.
Bên ngoại Sâm đã bao đời nay sinh sống ở đảo và chỉ gắn bó với công việc duy nhất, ngư dân. Những căn nhà trong làng chài đảo Bé hướng mặt ra biển. Chỉ cần bước chân ra khoảng sân trống bốn mùa gió thổi, là giáp mặt với biển cả.
Đặng Văn Sâm khoe thành quả một lần giăng lưới bắt cá trước căn homestay do anh làm chủ. Ảnh: NVCC. |
Ông bà ngoại anh vui mừng đón cháu. Kể với ông bà về dự tính của mình xong, không cần đắn đo, ông bà dành hẳn mảnh sân trước cho anh làm nhà để đón du khách. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, ông bà nghe từ: homestay.
Được sự hậu thuẫn của ông bà, am hiểu về hòn đảo và từng tích lũy kiến thức ngành du lịch khi làm thêm lễ tân khách sạn ở Nha Trang, Sâm khá tự tin khi lập nghiệp ở đảo Bé. Bên cạnh đó, người dân trên đảo làm du lịch chưa nhiều và chưa chuyên nghiệp, nên Sâm coi đây là “khoảng trống” dành cho mình.
Hai năm sau khi “tay trắng” rời Nha Trang, chàng trai sinh năm 1993 giờ là chủ homestay 4 phòng mặt biển nổi tiếng nhất Lý Sơn, mỗi lần đón được 15 khách, điểm đến của các bạn trẻ yêu thích sự phóng khoáng, tự do và cá tính.
“Mọi việc do mình chủ động, thoải mái tài chính hơn khi còn ở Nha Trang, cũng có áp lực nhưng không phức tạp”, Sâm bày tỏ. Anh khẳng định không hối tiếc. “Nếu ở lại Nha Trang, chắc chắn giờ tôi vẫn còn ở nhà trọ, làm gì có được căn nhà mặt biển thế này”, Sâm cười.
Du khách từ đảo Lớn ra đảo Bé dễ dàng thấy căn nhà gỗ sặc sỡ nhiều màu nổi bật trước biển. Những ngày sau Tết, Lý Sơn vắng khách hơn vì dịch bệnh, anh mới có thời gian chăm sóc ngôi nhà của mình. Cơ ngơi do anh thiết kế và xây dựng, hết 200 triệu đồng. Chi phí được dành dụm trong những ngày dẫn khách tham quan đảo. Việc phục vụ ăn uống, thiết kế tour do một tay anh làm.
Ấn tượng đầu tiên về Sâm của nữ du khách tên Bích Ngọc là một chàng trai lạnh lùng, khiến cô nàng sợ không dám hỏi nhiều. “Anh ấy dẫn hai đứa tụi em đi khắp đảo, bất đắc dĩ làm phó nháy, đã chụp đẹp còn hướng dẫn tụi em tạo dáng cho hợp khung cảnh nữa”, Ngọc khoe.
Còn nhận xét của Nguyễn Thùy Trang, nữ blogger du lịch từng trải nghiệm hai ngày trên đảo Bé, về chàng hướng dẫn viên là: nhiệt tình, thân thiện, vui tính, điềm đạm, hiểu biết.
Làm du lịch ở đảo nghèo nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Đa số khách của Sâm là nữ và người nước ngoài, nhu cầu về tiện nghi sinh hoạt khá cao. Mùa khách đông, không kịp vận chuyển nước ngọt hoặc thực phẩm về homestay, khách phàn nàn làm ông chủ đứng ngồi không yên. “Thỉnh thoảng khách quên trang phục tắm hoặc đồ tế nhị, nhờ gửi về đất liền, khiến mình ngại đỏ cả mặt”, Sâm kể.
Đảo Bé được thiên nhiên ban tặng bãi biển đẹp, nước trong nằm lọt thỏm giữa các khối nham thạch đen kỳ thú, cùng rạn san hô đầy màu sắc. Khách đến đảo thường chỉ đi một mạch ra bãi biển chụp hình. Khi được giới thiệu, khách thường thuê thúng đi lặn ngắm san hô gần bờ, vui chơi trong vài giờ, chẳng mấy ai ở lại khám phá đảo qua đêm.
Thạo bắt cua, giăng lưới cá, biết trồng hành tỏi, bơi lặn giỏi, Sâm cho khách trải nghiệm theo. “Mình nghĩ du lịch gắn với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa mang nét riêng biệt sẽ giữ chân khách”, anh bộc bạch.
Nói đến việc tạo điểm nhấn cho đảo, Sâm hào hứng kể về chiếc cầu gỗ do ông ngoại anh làm. Phía trước homestay có một cụm đá trầm tích núi lửa gần bờ. Thấy du khách thích ra bãi đá này chụp ảnh, nhưng nhiều khi trúng lúc nước lên, họ lội ướt người và nguy hiểm, ông hình thành ý tưởng dựng cây cầu gỗ cho khách đi qua. Trước, khách chỉ ghé nhanh, nay có cầu họ dừng lại tham quan lâu hơn.
Buổi tối, Sâm dẫn họ đi bắt cua. “Mình đảm bảo đây là trải nghiệm có một không hai, đã tham gia là khó quên”, anh nói.
Cây cầu gỗ do hai ông cháu dựng lên nay trở thành một trong các điểm đến chính của đảo Bé. Ảnh: NVCC. |
Trẻ tuổi, thành thạo công nghệ thông tin, biết ngoại ngữ, nắm bắt xu hướng nhanh, Đặng Văn Sâm ghi điểm với nhiều du khách trẻ tuổi.
Anh mong muốn từng bước chuyên nghiệp hóa các dịch vụ ở đảo để đem lại sinh kế bền vững cho bản thân và cư dân đảo. Người dân trên đảo chưa biết làm du lịch, họ luôn “chờ đợi” nguồn khách vãng lai từ đảo Lớn, thay vì chủ động thu hút khách đến.
Bên cạnh đó, du lịch Lý Sơn chưa đa dạng, khách chủ yếu đến tham quan, chưa trải nghiệm nhiều. Anh dự định mở rộng quy mô sang đảo Lớn, thêm nhiều dịch vụ và điểm đến để du khách có nhiều thứ chơi hơn. Hiện ngoài homestay và hướng dẫn khách tham quan đảo Bé, Sâm còn phục vụ khách cả vé tàu xe, tư vấn lịch trình…
Trong mùa không hoạt động du lịch ở đảo, Sâm dành thời gian đi đây đó, trải nghiệm các kiểu lưu trú, gặp gỡ người trong ngành để học hỏi, tham khảo rồi mang về áp dụng cho cơ sở của mình. Anh ấp ủ mô hình lưu trú nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm kiểu “bụi”. Một resort gồm những căn phòng bungalow thân thiện với môi trường là định hướng tương lai của Sâm.
“Đảo sạch đẹp thì du khách mới thích đến. Sắp vào hè, mình lại chuẩn bị rủ rê các bạn trẻ đi thu gom rác thải của du khách bỏ lại ven bờ biển, nhiều người tham gia lắm”, Sâm khoe.
Ảnh hưởng của Covid-19, Lý Sơn ngưng đón khách. Ngay khi nhận được tin, Sâm tức tốc liên lạc với những khách đã đặt phòng và dịch vụ của mình, báo hủy. “Vào mùa du lịch rồi, hủy lượng khách kha khá thế này, tiếc lắm”, Sâm ngậm ngùi. Anh lững thững cầm chùm lưới ra lọ mọ gỡ rối, chuẩn bị đi chài cá khi không có khách.
Nguồn: Vnexpress.net