Gia Lai có một số miệng núi lửa âm, miệng núi lửa dương độc đáo, như đối nghịch nhau, tạo nên những thắng cảnh đẹp, thu hút du khách check-in khi đến phố núi.
1. Nơi nào ở Gia Lai là dấu tích của miệng núi lửa âm?
Biển Hồ là thắng cảnh nổi tiếng ở Gia Lai, nằm về phía bắc TP Pleiku. Theo Cổng TTĐT TP Pleiku, đây chính là dấu tích của miệng núi lửa âm sụt chìm dưới đất, đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Ảnh: Po.trann. |
2. Biển Hồ còn có tên gọi nào khác?
Biển Hồ còn được gọi là hồ T’Nưng. Đến đây, du khách có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn, hút thở không khí trong lành, mát mẻ. Nhiều người thường ví Biển Hồ với mỹ danh là “đôi mắt Pleiku”. Ảnh: Uyenshynn94. |
3. Thắng cảnh Biển Hồ được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm nào?
Thắng cảnh Biển Hồ được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 1988. Hồ nước ngọt rộng lớn này là địa điểm du khách không nên bỏ qua khi đến phố núi Pleiku, Gia Lai. Ngay từ con đường dẫn vào Biển Hồ, vẻ đẹp của hàng thông xanh nhấp nhô nơi đây đã đủ sức cuốn hút không ít người. Ảnh: Xiuxiuiu. |
4. Biểu trưng (logo) tỉnh Gia Lai có hình ảnh miệng núi lửa dương nào?
Theo thuyết minh ý nghĩa biểu trưng, trên logo tỉnh Gia Lai có hình ảnh núi Hàm Rồng với màu xanh nổi bật. Đây chính là một miệng núi lửa dương nhô lên mặt đất, phân biệt với miệng núi lửa âm như Biển Hồ. Logo còn có 2 chữ G, L (Gia Lai viết tắt) cách điệu thành ngọn lửa truyền thống, có đường nét diễn tả sông suối địa phương, có màu nâu đất bazan… Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai. |
5. Núi Hàm Rồng cao bao nhiêu m?
Theo nội dung thuyết minh ý nghĩa biểu trưng tỉnh Gia Lai, núi Hàm Rồng cao 1.025 m, là đỉnh núi cao nhất cao nguyên Pleiku. Nơi đây được xem như một di sản địa chất quý của tỉnh. Ở một vài góc nhìn, núi trông như hình thang với 2 đỉnh hơi chênh nhau. Ảnh: Phan Nguyên. |
6. Ngoài Hàm Rồng, Gia Lai còn có ngọn núi lửa nổi tiếng nào?
Nằm tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, núi lửa Chư Đăng Ya là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến check-in, nhất là khu vực thung lũng lòng chảo rộng lớn mở ra trên đỉnh miệng núi. Vào mùa hoa dã quỳ, núi lửa này như được khoác thêm áo mới bởi vô số vạt hoa vàng rực, bung nở hoang dại giữa núi đồi. Ảnh: Dungmilk_. |
7. Tên gọi Chư Đăng Ya có ý nghĩa gì?
Theo Cổng thông tin du lịch Gia Lai, tên gọi Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào Jrai có nghĩa là củ gừng dại. Trên nền đất đỏ bazan màu mỡ ở đây, người dân địa phương khai khẩn, gieo trồng đủ loại cây lương thực như ngô, khoai, bí đỏ… tươi tốt, tạo nên cảnh quan đẹp thu hút du khách. Ảnh: Pongsieunhan. |
Nguồn: News.zing.vn