Nữ sinh Ngoại giao ân hận vì từng du lịch chỉ để check-in

0
11
Linh đặt tên cho album ảnh du lịch năm ngoái của mình là Seoul: Checked. Ảnh: NVCC. 

Du lịch Seoul, Mai Linh cố đi hết các điểm được review nổi tiếng trên mạng để rồi nhận ra mình đang du lịch hành xác.

Ngô Mai Linh, sinh năm 1996, là sinh viên năm cuối của Học viện Ngoại giao. Cô vừa trở về từ chuyến du lịch lần hai đến Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 4. Với Linh, hai chuyến đi là hai trải nghiệm khác biệt.

Chuyến đi Seoul đầu tiên của tôi vào năm ngoái rất ngắn ngày và lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Để tham quan những điểm du lịch bề nổi được review trên mạng, cố gắng đánh dấu cho đủ cái check-list đề ra, tôi đã cố gắng đến nỗi đi bộ 10-15 km mà không dám ngồi nghỉ, vì sợ… tốn thời gian.

Linh đặt tên cho album ảnh du lịch năm ngoái của mình là Seoul: Checked. Ảnh: NVCC. 

Linh đặt tên cho album ảnh du lịch năm ngoái của mình là “Seoul: Checked”. Ảnh: NVCC

Đi xong một địa điểm tôi lại mau mải lên tàu điện đến ngay nơi tiếp theo, tất cả chỉ vỏn vẹn trong nửa đến một tiếng. Chưa kể tâm lý săn sale (giá rẻ), mua hàng xách tay mà hầu như lần nào đi nước ngoài cũng gặp phải, tôi tìm mua cho mình, cho gia đình, bạn bè rồi mua hộ. Tính đi tính lại tiền mua hành lý cũng quá tiền giảm giá.

Thiếu ngủ, uể oải, áp lực, không thoả mãn, nuối tiếc, đó là tất cả cảm xúc về chuyến đi đầu tiên đến Seoul của tôi. Khi nhìn lại những chuyến đi trước đây, tôi thật sự cảm thấy mình giống như du lịch hành xác.

Nhưng chuyến đi lần này hoàn toàn khác, tôi muốn thả lỏng bản thân hơn, không phải để cho bõ tiền vé máy bay, mà là để thực sự cảm nhận bề sâu của đất nước mà mình đến, để sống như chính những thanh niên nước họ.

Linh trong chuyến đi năm nay với những trải nghiệm thư giãn hơn nhiều. Ảnh: NVCC.

Linh trong chuyến đi năm nay với những trải nghiệm thư giãn hơn nhiều. Ảnh: NVCC.

Tôi không đi theo check-list, mà mỗi hôm lại dành cả ngày ở một quận hay khu và đi hết những con phố quanh đó. Thấy chỗ nào hay ho, đẹp, giá hợp lý thì tôi rẽ vào. Nên nhiều người hỏi tôi có lưu lại các địa điểm không, thì rất tiếc là không.

So với các chuyến trước, tôi dám dành hai tiếng để lang thang trong ngôi chùa cổ, thắp hương, nhìn ngắm kiến trúc, chụp lại những góc kín đáo mà đẹp nao lòng. Tôi dành cả tiếng để đi bộ trên những con dốc thẳng đứng ở Gangnam, bắt gặp ánh hoàng hôn len lỏi, vừa đi vừa nói với bạn: “Năm ngoái thì còn lâu mới dám đi như này”.

Vẫn đến Hongdae và Sinchon, trong khi năm ngoái tôi chỉ biết một lối duy nhất từ nhà ra ga tàu, thì năm nay tôi “được” đi bộ đến mức “phát chán” ở đây. Tôi cũng đã cùng hội bạn đi chụp hoa anh đào ở Seoul Forest đến ba tiếng, chụp không sót một gốc đào nào, đổi từ máy ảnh, điện thoại, máy phim cho đến polaroid (máy ra ảnh ngay).

Tôi đã thức khuya nhậu đến đêm, chơi game với các bạn đến 4h sáng, lúc về co ro trong làn tuyết. Để hôm sau, tôi dành cả một buổi sáng vào quán cà phê nhâm nhi, gửi mail và cảm thấy thật thoải mái.

Linh chậm rãi ngắm hoa anh đào mà không còn lo đi chỉ cho đủ điểm check-in. Ảnh: NVCC.

Linh chậm rãi ngắm hoa anh đào mà không còn lo đi chỉ cho đủ điểm check-in. Ảnh: NVCC.

Chẳng vì review hay check-list, tôi bước vào quán gà hầm sâm ở Myeongdong, ăn thịt nướng ở Sinchon, thử quán chuyên đồ Hàn ở Hongdae, ghé quán cơm của vợ chồng hai bác ở đầu ngõ. Tôi được thỏa mãn sở thích của mình khi đi từng tầng ngắm decor của các nhãn hàng địa phương đến thương hiệu nổi tiếng của Hàn, và thốt lên vì ngưỡng mộ khả năng làm sáng tạo của họ. 

Hơn cả, tôi đã không còn phải lo xách túi lớn túi bé mỹ phẩm, quần áo… những thứ có khi tham rẻ mua về chưa chắc đã dùng.

Những khoảnh khắc ấy khiến tôi thấy rất vui và nhẹ nhàng, cảm giác như mình không phải là một du khách nước ngoài xa lạ với văn hoá mà mình đến nữa. Ít nhất tôi cũng đã cảm nhận được kha khá nhịp sống của người dân ở Seoul, từ ăn uống, đi lại cho đến thăm thú những điểm đến mà người dân địa phương cũng ghé thăm. Chuyến đi không mang lại cảm giác tiếc nuối cho tôi như những lần trước nữa.

Ngô Mai Linh

Nguồn: Vnexpress.net