Nơi trưng bày bộ não bị đánh cắp của Einstein

0
11
Những lát cắt của một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế giới được trưng bày trong hộp gỗ. Ảnh: Bảo tàng Mutter.

Mỹ Ngoài 46 lát cắt não bộ của nhà khoa học thiên tài, bảo tàng Mutter còn sở hữu những mẫu vật y học các bộ phận cơ thể người.

Trực thuộc Đại học Y Philadelphia, Mutter là bảo tàng lịch sử y học tốt nhất tại Mỹ. Nơi đây trưng bày những mẫu vật, mô hình và dụng cụ y tế từ thế kỷ 19 – 20, phản ánh lịch sử giải phẫu và y học nhân loại. Mỗi năm, bảo tàng đón hơn 130.000 lượt khách, những người mong muốn khám phá bí ẩn và vẻ đẹp của cơ thể người.

Bảo tàng này là nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể nhìn thấy những lát cắt bộ não của thiên tài Albert Einstein. Mỗi lát dày khoảng 20 micron, được bảo quản trong các phiến kính đặt tại phòng trưng bày chính. Mẫu vật quý giá này được một nhà thần kinh học tên Lucy Rorke Adams tặng lại cho bảo tàng vào năm 2011.

Những lát cắt của một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế giới được trưng bày trong hộp gỗ. Ảnh: Bảo tàng Mutter.

Những lát cắt của một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế giới được trưng bày trong hộp gỗ. Ảnh: Bảo tàng Mutter.

Quay trở lại năm 1955, khi thiên tài đạt giải Nobel qua đời tại New Jersey ở tuổi 76. Một nhà nghiên cứu bệnh học tên Thomas Harvey đã đánh cắp bộ não của Einstein. Cuối cùng, gia đình thiên tài cũng đồng ý cho Harvey giữ lại nó nhưng chỉ với mục đích nghiên cứu khoa học.

Trong nhiều thập niên, Harvey đã bảo quản một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế giới trong lọ thủy tinh, hay đôi khi đặt vào một hộp nước ép táo lên men dưới ngăn mát tủ bia. Ông ta đã chia mẫu vật thành 240 khối và 1.000 mảnh cắt siêu nhỏ chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi và gửi tới các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học nghiên cứu não của Einstein đã kết luận rằng nó không bình thường, bởi nó nhẹ hơn trọng lượng trung bình của não bộ một người đàn ông trưởng thành, vùng não dưới lớn hơn bình thường khoảng 15%, và thiếu một kẽ hở là khe nứt Sylvian. Ngoài ra, bộ não của thiên tài vật lý thiếu một số thay đổi thoái hóa thường có ở một người 76 tuổi. Bất chấp những quan sát này, nguồn gốc cho trí tuệ thiên tài của Einstein vẫn là một bí ẩn.

Phần còn lại của bộ não được Harvey gửi đến khoa giải phẫu Bệnh viện Princeton. Từ đây, Lucy Rorke Adams tặng lại 46 lát cho bảo tàng Mutter để đảm bảo chúng an toàn trước khi bà qua đời. Bà đã đúng, giờ đây chúng là mẫu vật quý giá nhất của bảo tàng lịch sử y học này.

Bộ xương của Harry Eastlack (trái) và Carol Orzel. Đây là những người từng mắc chứng người hóa đá FOP hiếm gặp, khiến các mô liên kết mềm đều tạo thành xương. Ảnh: Whyy.

Bộ xương của Harry Eastlack (trái) và Carol Orzel trong bảo tàng Mutter. Đây là những người từng mắc chứng người hóa đá (FOP) hiếm gặp, khiến các mô liên kết mềm đều biến thành xương. Ảnh: Whyy.

Ngoài bộ não của Einstein, bảo tàng Mutter còn là nơi lưu giữ bộ sưu tập 3.000 mẫu vật xương, 1.300 mẫu ngâm và các dụng cụ y tế. Ngoài ra còn có hơn 2.000 dị vật bị mắc trong khí quản và đường tiêu hóa của các bệnh nhân, từ bộ sưu tập của nhà nghiên cứu thanh quản vĩ đại Chevalier Jackson.

Khi đến với bảo tàng, người tham quan sẽ thấy bộ hài cốt của “người khổng lồ”, từng sống ở Bắc Mỹ hay bộ xương của cặp song sinh dính liền. Bên cạnh đó là Người đàn bà Xà phòng, một tử thi được khai quật từ những năm 1800, với một chất bất thường bao quanh hài cốt.

Lan Hương (Theo Bảo tàng Mutter)

Nguồn: Vnexpress.net